Thay vì chỉ quét tước, dọn dẹp, trang hoàng cho riêng ngôi nhà của mình, tết năm nay người dân ở nhiều nơi còn rủ nhau tự nguyện góp công góp của sửa sang, trang hoàng đường làng ngõ phố. Tết Mậu Tuất vì thế càng ra dáng tết hơn...
1. Dù ai cũng rất bận rộn việc riêng nhưng cuối cùng, “công trình” trang trí đường làng bằng hệ thống đèn led tiết kiệm điện cũng được bà con khối phố Ngân Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn kịp hoàn tất trước tết đúng 3 ngày. Con đường bê tông ngoằn ngoèo chạy áp bờ sông, tương đối hẹp, nhiều đoạn bị bao phủ bởi những bờ tre dày vừa thơ mộng vừa... đáng sợ ở đây đã “hóa thân” thành một con đường sắc màu, lãng mạn và ấm cúng. Đêm xuống, bà con dắt nhau ra đường dạo chơi; đặc biệt là trẻ con, thỏa thích cười đùa chạy nhảy dưới ánh đèn màu chớp nháy “y như trên phố”. Tết vì thế cũng dường như đến sớm hơn với làng quê yên bình vừa lên phố chưa lâu này...
Để có được con đường ánh sáng trong dịp Tết Mậu Tuất, các hộ dân ở khối phố Ngân Hà tùy theo khả năng đã tự nguyện chung góp 50 - 100 nghìn đồng để mua vật tư, phân công nhau tham gia thi công. Cũng bằng cách làm tương tự, tết này người dân các thôn Quảng Huế và Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc) đã biến trục đường chính chạy qua thôn trở thành con đường của sắc màu. Với hàng trăm dây cờ đuôi nheo, điện trang trí đủ màu giăng ngang, các tuyến đường ở đây trở nên lung linh màu sắc, xua tan nét quê mùa lặng lẽ thường ngày.
Trong khi đó, trục đường Lê Đình Thám ở khối phố Phương Hòa Nam, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ tết này đã trở thành “con đường hoa cúc” vàng rực. Chuyện là, khi nghe tin một số người buôn bán hoa tết sắp sửa phá bỏ số hoa chưa bán hết khi thời khắc giao thừa đã cận kề, bà con ở trục đường này đã bàn nhau ra gom mua số hoa ấy với giá cả “chấp nhận được” cho cả hai bên, mang về trang trí cho con phố của mình. Một việc làm “ngẫu hứng” nhưng rất có ý nghĩa.
2. Từ kinh nghiệm ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1) - địa bàn xây dựng điểm khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở Quế Sơn, Tết Mậu Tuất này, một nét mới mang tính đột phá trong sinh hoạt, thực hành nghi lễ văn hóa cổ truyền đã được nhân ra ở nhiều thôn, tổ dân cư - không chỉ ở xã Quế Xuân 1 mà lan cả sang xã Quế Xuân 2. Cụ thể, trước đây cảnh đốt vàng mã, rải gạo muối, vứt hoa hòe và các vật phẩm tiến cúng ra các lối đi chung trong làng... diễn ra phổ biến thì nay, hiện tượng ấy cơ bản đã chấm dứt. Tết này, hầu hết gia đình vẫn còn thói quen đốt vàng mã nhưng không ai đổ tro ra đường làng nữa mà tự chôn lấp ngay trong khuôn viên nhà mình. Cảnh đem đồ vật cũ không còn sử dụng được, nhất là đồ thờ cúng, vứt ở ngã ba ngã tư hay dưới gốc cây cổ thụ trong làng cũng chấm dứt hẳn. Nhờ vậy, đường sá ở đây tết này phong quang sạch đẹp hẳn ra. Theo ông Lê Phương - Trưởng thôn Phú Mỹ (xã Quế Xuân 2), tuy không phải là nơi khởi phát, nhưng qua sự vận động, tuyên truyền của ban dân chính, đoàn thể ở thôn, bà con ở đây nhận thức rất rõ về vị trí “mặt tiền” của thôn mình nên đã tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng nếp sống mới.
Cũng cần nói thêm, từ hai năm nay, Quế Xuân 1, Quế Xuân 2 là các xã thực hiện rất tốt cuộc vận động không rải vàng mã dọc đường khi đưa tang. Dịp tết này, thêm một việc mới nữa, tuy nhỏ nhưng thật sự có ý nghĩa, lại được bà con thực hiện triệt để...
BẢO ANH