1.Tết nghỉ cả mười ngày mà vèo như cánh én. Mới tết rộn ràng biết bao hội chợ, hội hoa, hội báo xuân,… người nào cũng ngóng đợi. Về quê tất niên, rồi giao thừa, rưng rức nỗi thương yêu: “Giao thừa khép cuộc rong chơi/ về quỳ lạy mẹ giữa trời quê hương” (thơ Nguyễn Ngọc Chương). Tết, là cả bao tâm thức tìm về cội nguồn.
Những nghĩa trang nghi ngút khói hương. Những bàn thờ gia tiên xanh ngũ quả. Những nẻo đường phù sa tít tắp hoa và rau… Tết là dịp gặp nhau, giao hòa bao mối lương duyên trời đất, lòng người. Năm nay, cái tết ở xứ Quảng đón mưa xuân ngay từ thời khắc giao thừa, nhuần thắm ước mong một năm con rắn thuận hòa, các vị thần hộ quốc trợ giúp dân tình bình an khang thái.
2. Tết, thời theo nghi lễ cổ truyền nhưng luôn có điều mới lạ. Thanh niên bây giờ không cần các cụ đồ nho chỉ vẽ vẫn có thể biết được bài cúng gia tiên. Ngay ở vùng quê hẻo lánh, với chiếc điện thoại thông minh, ipad trên tay, người trẻ cũng có thể truy cập, tìm kiếm những bài khấn tổ tiên được cập nhật. Mở chiếc điện thoại để trước mặt, không cần sớ điệp, vẫn trọn bài khấn vái, cũng rành rẽ việc xem giờ hoàng đạo, xuất hành. Công nghệ thâm nhập vào đời sống, tạo nên những nét mới. Đặc biệt là “sự phân công lao động” một cách tự phát khi hình thành các nghề chuyên chú sản xuất những sản phẩm riêng biệt. Ví như các thức quà, bánh tét, bánh chưng, dưa món, chưng mâm ngũ quả… thảy điều được làm sẵn, chỉ việc sắm là có ngay không phải bận tay làm. Thường chỉ về quê ở nơi thôn dã, cái tết mới rộn ràng việc chung nhau mổ thịt heo, gói bánh, còn ở thị thành bóng dáng cổ kính đã chồng mờ qua cánh cửa thời gian. Nhưng ở Hội An, phố cổ vẫn đậm đà hương vị tết xưa. Phúc Kiến vẫn nhiều người đến dâng hương cầu an. Du khách đến nườm nượp. Họ đạp xe đạp lang thang qua nhiều ngả đường, xuyên qua những làng quê Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Trà Quế… dưới những hàng cau, dừa mát rượi. Đến Hội An nhiều lần nhưng bà Barbara, người Thụy Điển, vẫn thấy nét mới lạ. Barbara bảo ở một nước Bắc Âu như quê hương bà chỉ ăn tết dương lịch, cũng có đêm giao thừa, tuần nghỉ tết kéo dài đến lễ Ba Vua (6.1), nhưng kỳ nghỉ (holiday) vẫn không mang ý vị như “Tet holiday” của người Việt. Ở Hội An, ngày tết đằm một không gian trầm hương, người gặp người nở nụ cười tươi, nhẹ nhàng, mở lời chào thân thiện. Cái mới của tết là mở đầu cho hành trình du xuân, qua những miền di sản và đắm mình trong lễ hội. Tiếng hô bài chòi lảnh lót, gợi lên nỗi rạo rực đầy tính phồn thực với những con bài Bạch huê, Nọc thược, Dái voi… Mỗi năm lại thêm câu hô hát mới: Đầu xuân Quý Tỵ đi chơi/ Mấy chị bỏ cái nón cời ở mô?/ Thấy anh đầu trắng ra chào/ Ai dè ló dạng cái mào… bạch huê (con gì ra đây là con Bạch huê).
3. Tết đem về nét mới của mùa xuân. Và, có mới thì… mới ra tết. Mới từ ngôi nhà, tấm áo. Mới trong khát khao, ước vọng với lời chúc xuân nồng ấm. Mới là tiếp nối truyền thống đến hiện đại mà cụ Sào Nam từng mong đợi “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Canh tân cũng chính là con đường của các sĩ phu đất Quảng từ xa xưa cổ xúy để đi tới mùa xuân thường hằng. Nhiều con dân xứ Quảng ngày nay dù đi đâu về đâu vẫn mang tâm thế của vùng đất từng nổi danh với phong trào Duy tân, luôn khát vọng vươn lên, cầu tiến bộ. Mở đầu cho một năm Quý Tỵ - 2013 dự báo còn nhiều khó khăn thử thách, câu chuyện đổi mới để phát triển quê hương đang kỳ vọng người Quảng viết tiếp cho hôm nay và tương lai.
NGUYỄN ĐIỆN NAM