Tết, tết, tết… hết tết rồi!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 02/02/2017 10:07

Năm nay, Mùng 5 và Mùng 6 tháng Giêng, mọi người đã kết thúc những chuyến đi nghỉ hoặc về quê ăn tết để quay về các trung tâm công nghiệp, các trường học, công sở. Bà con nông dân làng tôi cũng lần lượt ra đồng dặm sạ lại những thửa ruộng lúa đông xuân, chăm sóc thuốc lá, những vườn rau củ… cho dù thời tiết đang mưa lạnh. Sau một tuần nghỉ tết, tất cả đã trở lại công việc của một năm mới với những hy vọng lẫn lo toan của cuộc sống.

Đứa cháu vừa bước vào tuổi thứ 4 của tôi mấy hôm trước cứ nghêu ngao “Tết, tết, tết đến rồi…”, sáng nay lại hứng lên sửa lời khi thấy mẹ dắt xe đi làm: “ Tết, tết, tết… hết tết rồi!”. Và cười vang, như vừa phát hiện ra điều gì đó mới mẻ trong đầu óc ngây thơ, hồn nhiên của tuổi cháu…

Nhưng ở những quán karaoke, tiệm game… dọc các khu phố vẫn còn tấp nập và ồn ào lắm, từ sáng cho đến nửa đêm. Xe máy xếp hàng ngang hàng dọc ra tận lề đường trước các hiệu cà phê. Những vụ nhậu nhẹt quá trớn đã gây ra nhiều cuộc ẩu đả hoặc tai nạn giao thông. Ở các vùng nông thôn Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên… năm nào cũng vậy, nạn “bầu cua tôm cá”, đánh phỏm, binh bài xập xám diễn ra từ trước tết cho đến cả tháng Giêng. Cờ bạc lại sinh ra “bác thằng bần” và trộm cắp. Để thỏa mãn máu ăn thua và gỡ gạc, nhiều thanh thiếu niên đã bạo gan cắt cả hàng rào đi trộm gà, dắt xe của xóm giềng đi cầm cố. Đi về vùng nông thôn, không khó để bắt gặp các sòng bạc công khai trong những quán cà phê dọc đường làng. Tôi chúng kiến có bạn trẻ đi làm ở TP.Hồ Chí Minh về chơi tết đã nướng hết mấy chục triệu trong một sòng bầu cua. Số tiền mà bạn ấy chắc phải vất vả lắm ở quê người mới kiếm được. Trên một trang mạng xã hội, một người bạn kể rằng một thanh niên làm ăn từ Hà Nội về, cuối năm mua cho đứa em được chiếc xe máy, nhưng vì thua bạc lại phải mượn lại chiếc xe của em để cầm cố mới có tiền mua vé tàu rời quê sau tết…

Còn bao nhiêu tệ nạn nữa do cờ bạc, rượu chè gây ra trong giới trẻ ở cả thành thị lẫn nông thôn vốn nghèo khó của chúng ta sau mỗi dịp tết. Mà nguyên nhân vẫn là thiếu sự kiềm chế, quá sa đà vào những thú vui vô bổ!

Trong dịp tết này, một doanh nhân bạn tôi đã đưa con qua ăn tết ở Hàn Quốc từ 30 đến Mùng 3. Lúc về, anh kể: bên đó họ nghỉ tết âm lịch đúng 3 ngày, không trang hoàng, ăn uống, chơi bời quá lãng phí như ở ta. Giới trẻ trong ba ngày tết đều về nhà thăm cha mẹ, ông bà và viếng mộ tổ tiên. Người khá giả thì đưa gia đình đi chơi tại một điểm du lịch nào đó không xa lắm hay về vùng quê vốn là quê hương ngày trước. Đến Mùng 3 tết, các điểm vui chơi tết ở Seoul cũng đóng cửa. Người ta quay lại với công việc bình thường, nên anh bạn cũng không còn hứng thú nữa, đã bay về Đà Nẵng…

Chúng ta vui tết cổ truyền với những nghi lễ truyền thống là hết sức quý báu. Ngày Mùng 1, Mùng 2, cứ thấy mọi người lũ lượt đi viếng mộ ông bà tổ tiên ở các nghĩa trang hay đưa con cháu về hương khói ở các nhà thờ, đình làng mà lòng tôi rộn ràng niềm vui sướng. Nhưng sau đó lại thấy cảnh ăn chơi sa đà và các hệ lụy như kể trên thì lại thấy buồn. Nên chăng, lớp trẻ cần hết sức tĩnh táo để thoát khỏi những bẫy rập đang được ngụy trang bằng những thú vui vật chất luôn hấp dẫn bản năng háo thắng, thiếu kiềm chế trong mỗi con người. Và, thôi nhé! Tết, tết, tết… tết hết rồi!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết, tết, tết… hết tết rồi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO