(QNO) - Ngoài cội mai trồng giữa sân và mấy chậu thược dược chưng dọc thềm nhà, loại hoa tết được trồng nhiều nhất, phổ biến nhất ở quê tôi ngày trước chính là vạn thọ. Năm nào cũng vậy, tầm đầu tháng mười âm lịch là nhà nhà rủ nhau giâm vạn thọ. Từ một vài cây được lưu gốc ở một góc sân hay bờ rào trước nhà từ mùa hoa năm trước, người ta cắt từng nhánh nhỏ giâm ra những chiếc bầu đất được làm từ lá chuối già. Là loài hoa dễ tính, không kén tay người, hợp với nhiều loại đất và có khả năng thích nghi với các hình thái thời tiết khác nhau, nên chỉ chừng một tuần sau khi giâm là vạn thọ đã bắt rễ. Khi ấy, trong những nách lá già vừa rủ xuống, từng chồi lá xanh non bé xíu lặng lẽ trồi lên, báo hiệu sự bắt đầu của một vòng sống mới.
Hoa vạn thọ. |
Chịu thương chịu khó như người nông dân, không kể đất tốt hay xấu, chỉ cần bắt được rễ là vạn thọ cứ thế lớn lên và sinh sôi. Chừng hơn nửa tháng sau khi giâm, khi lớp bầu lá chuối vừa khô phai hết màu xanh là những tược lá đã vươn ra, thay thế hoàn toàn những chiếc lá già trên thân mẹ. Lúc này đã qua 23 tháng mười, theo kinh nghiệm dân gian, lũ lụt cũng xem như đã hết, vạn thọ bắt đầu được trồng ra đất. Thường thì vạn thọ được trồng theo hàng. Có nhà trồng dọc theo hai bên lối đi. Có nhà trồng men theo hàng rào. Có nhà trồng ngay trên vồng đất giáp ranh giữa sân và vườn. Có nhà giâm được nhiều tược con, sau khi trồng xong những chỗ cần trồng trong sân, trong vườn nhà mình, họ lại đưa vạn thọ ra trồng dọc theo bờ lề con đường chung của xóm. Tất nhiên, nhà nào cũng dành lại 3-4 tược con mập mạp nhất, khỏe nhất để cho vào chậu. Đó là những cây được chọn để làm nhiệm vụ khoe hoa trong hiên, trong nhà khi tết đến xuân về.
Nếu tiết trời sau tháng mười âm lịch nắng nhiều, mưa ít, biết cơi ngọn, vô phân đúng lúc, đến đầu tháng chạp, vạn thọ bắt đầu ra búp. Lúc bấy giờ, việc còn lại chỉ là để ý bắt sâu, vì búp vạn thọ non là món khoái khẩu của các loài sâu sinh sôi trong tiết giao mùa. Để cây dồn dưỡng chất nuôi búp, người ta thường vặt bớt lá. Lá vạn thọ giòn, ăn được. Khi ăn mỳ Quảng hay cuốn thịt heo, nếu trộn thêm một ít lá vạn thọ thì rổ rau sống sẽ có thêm vị cay nồng đặc trưng, kích thích vị giác và khiến người ta cảm thấy nôn nao cứ như tết đã về đâu đây... Đến khoảng 20 tháng chạp, nếu búp bắt đầu bung cánh thì dù thời tiết những ngày cuối năm thế nào chăng nữa, vạn thọ chắc chắn vẫn cho hoa đúng tết.
Vạn thọ có nhiều loại. Nhưng ở quê tôi ngày trước, vạn thọ đại đóa, hoa vàng là loại được ưa chuộng nhất. Người ta bảo, vạn thọ cồi, vạn thọ đơn cho hoa nhỏ, màu sắc kém tươi nên trông khắc khổ, không hợp để trồng lấy hoa cho tết. Còn vạn thọ đại đóa hoa vàng thì đầy đặn, viên mãn, sắc tươi, hương thơm lại đậm, giúp cho không gian ngày tết trở nên bừng sáng, tươi vui, ấm cúng hơn. Hơn thế, với người dân quê tôi, vạn thọ không đơn thuần chỉ là hoa, là vật trang trí. Đó còn là một khát khao, mong ước, là lời chúc lành đầu năm mới: sức khỏe, sự trường thọ và may mắn! Vạn thọ được trồng nhiều có lẽ một phần còn vì điều ấy. Để rồi, những cái tết quê nghèo ngày xưa trở thành những cái tết - vạn - thọ. Vạn thọ nở vàng rực đường làng. Vạn thọ nở vàng rực từng khoảnh sân, kiêu hãnh khoe sắc cùng những sắc vàng hoa mai, hoa cải nồng nàn. Vạn thọ thắp lên nét tươi vui rực rỡ đậm đà sắc xuân trên mâm cơm cúng đầu năm, trên bàn thờ gia tiên, trên bàn trà tiếp khách... Trong cái se lạnh đầu năm, ngắm nhìn những cụm hoa tươi màu nắng, chợt thấy đất trời dậy lên hương sắc mùa xuân, chợt thấy lòng ấm áp lạ thường. Những toan lo, nghĩ ngợi cũng được khỏa lấp phần nào để cùng khơi mở sức xuân giữa mùa tết thanh bần...
Bây giờ, cuộc sống đủ đầy hơn. Ngày tết, ngoài những giống hoa dân dã quê mùa còn có thêm bao nhiêu loài hoa lạ, lộng lẫy, kiêu sa, sang trọng. Nhưng ở các miền quê, vạn thọ truyền thống vẫn được giâm trồng bằng tất cả sự trân quý, bằng những kỳ vọng, ước mong thanh tao. Có điều, dường như rất ít người trồng vạn thọ thành vồng thành luống như trước đây mà chỉ trồng đôi ba cây như để nhắc nhớ, để lưu giữ một kỷ niệm thanh bần, thơm thảo. Không đủ nhiều để tạo nên những khoảnh sân vàng tươi màu nắng ấm áp hơi xuân, tết bây giờ vạn thọ chỉ góp phần mình cho vườn xuân thêm đa dạng sắc màu, bằng sự lặng lẽ, cần mẫn, nhu mì và nồng nàn vốn có. Và vì thế, vạn thọ vẫn cứ là loài hoa của thanh bần mà ẩn chứa bao khát khao, mong ước, mãi là hoa của lời chúc lành đầu năm mới: sức khỏe, sự trường thọ và may mắn!
PHAN CHÍ ANH