Tết, về quê không?

Tùy bút MỘC MIÊN 16/02/2018 17:57

Tết Dương lịch vừa rồi, người ta nghỉ ngơi, nhưng báo chí ở Sài Gòn đâu có nghỉ. Đúng y dịp đó, tôi mang xác vô để làm báo tết.

Lối nhỏ quê hương. Ảnh: Nguyễn Hữu Khiêm
Lối nhỏ quê hương. Ảnh: Nguyễn Hữu Khiêm

Đường phố có vắng được chút, vì dân miền Tây rồng rắn về quê. Tối 30 - 31 tháng 12, lại kẹt cứng. Dân văn phòng về, chứ xí nghiệp, công ty, người làm mướn làm thuê, chạy mánh, khối người cả Tết Âm lịch cũng không về được nữa là. Tôi đã từng rúc vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa ở Bình Tân, hỏi một chị quê Bình Dương, làm mướn cho người ta kiếm cơm độ nhật nuôi ba đứa con, nghe than một câu: “Sáu năm rồi chưa về được, tối 30 còn lọ mọ đi rửa chén bát cho nhà hàng đến 2h sáng”. Những xóm nghèo ở Long Trường sát sông Sài Gòn bên quận 9, đoạn chảy về Đồng Nai, người miền Tây dạt lên đánh cá mưu sinh, cắm sào, lấy sông làm quê, lấy đò làm nhà, bao nhiêu năm, quê hương là tiếng hò xa lắc lênh đênh sương khói. Bữa tôi về đó lân la, có ông già quê Vĩnh Long, nhìn sông thiếu điều rớt nước mắt: “Mùng Một Tết năm rồi, tôi kiếm được miếng khô trâu, pha ấm trà, ngồi nhai mà muốn tự tử vì mồ mả ông bà không về thắp được cây nhang. Cũng vì nghèo...”.

Áo cơm cuốn họ rời quê và Sài Gòn giữ họ lại cũng vì áo cơm. Tôi có thằng bạn dân Nam Phước học với nhau hồi cấp 3, kể: “Năm đó, tau làm ở Thủ Đức, cuối năm không lấy được tiền công từ chủ, lại chán chuyện gia đình nên không về. Sáng mùng Một, tau xách cần câu ra kênh, câu được ba con cá rô phi. Chín giờ sáng, tau đập thằng bạn người Bạc Liêu dậy, chiên xù liền, hai thằng nuốt một bụng rượu đế, say gần chết, đến chiều tối ông già điện thoại hỏi có về không? Tau đáp càn là có chi mà về! Thả điện thoại cái bịch xuống giường, cơn buồn bã nhớ quê kéo tới như nước lụt. Trong túi còn được 200 nghìn đồng, tau phóng ra bến xe, chiều tối rồi, có xe mô lủi đại lên xe nấy...”.

Chuyện đó hay đến với tôi, mỗi dịp gặp ai đó tha hương quần quật áo cơm ở đất này. Và lần này, khi đang loay hoay mua đồ ăn sáng dọc đường, có một cô bé tay cầm bịch bánh xán tới, nài nỉ: “Mời chú mua đặc sản Quảng Nam”. Tôi đón bịch bánh dừa, không cần xem, hỏi: “Mi ở mô mà bán đồ ni ?”. “Dạ, Quảng Nam”. “Nhưng chỗ mô?”. “Tam Xuân, Núi Thành”. “Chỗ mô?”. “Ngay chỗ ngả Ba Tháp”. Dừa nướng làm ở phường Trường Xuân, Tam Kỳ. Nhận ra cùng quê, nó mừng như con cháu. Tôi mua giúp, nói giỡn: “Mi đừng có phỉnh”. Nó cười rần rần:  “Phỉnh chi, thiệt chứ bộ”. Nó học đại học ở Bình Dương, được 1 năm rồi. Ngày nghỉ, đi làm kiếm thêm để trả tiền ăn, trọ. “Tết về không?”. “Dạ muốn lắm, nhưng không biết răng, nhưng chắc là về, mà cũng không biết nữa, mấy đứa bạn nói tết ở Sài Gòn người ta cần người phụ bán đồ, trả lương cao, mà má con lại muốn con về”. Tôi không dám hỏi nữa, quay đi, khi chuyện thằng bạn nhớ quê ngày tết ập về.

Tết, có về không? Kẻ ở nhà mong đứa tha hương, còn những người lưu lạc phương xa lại ngóng quê nhà. Cảm thức nguồn cội là thứ vô thức đóng đinh ở người Á Châu, mà người Việt cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng. Xu hướng gia đình trẻ hiện đại, tết là kéo nhau đi du lịch, khái niệm đoàn tụ là thứ bắt đầu xa xỉ, mệt mỏi, chưa kể người ta liệt kê ra lô tăng xông những thứ rắc rối từ tết, thưa gửi, nấu nướng, cúng bái, thăm viếng, lì xì, rồi xe cộ, đi cũng cực, về càng khổ... Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, trừ những trường hợp bất khả kháng, còn lại người xa quê, tết đều muốn tìm về. Chỉ khi nào anh chưa từng bị lưu lạc, tan rã, cách xa, thì mới thấy tết như ngày thường, chứ một khi đã chênh vênh hút gió trong cái buồn tê trống vắng cuối năm, nghĩ về “bóng mẹ hiền mờ mờ bên song”, là lòng như có gió bão, muốn quay về. Tôi có bạn là dân Sài Gòn, nhưng luôn ao ước: “Tao mong có quê để tết về cho đã, ở thành phố ngột ngạt muốn chết”.

Ở quê có mẹ cha, hàng xóm, người thân, là ấu thơ... Chưa đủ. Về quê ngày tết, là... chiêu đãi cho tâm thức cái nhẹ tênh của đất. Mỗi một lần về là một lần thấy quê đã khác. Chỉ có đất là giương mắt nhìn. Gió vô thường thổi từ đó chứ đâu, mà dịp tết là nó cồn cào hơn tất cả.

“Tết này chưa chắc em về được/Em gửi về đây một tấm lòng”. Tại một quán rượu chiều phương Nam gió lạnh trên kênh Tân Hóa, tôi ngó Vũ rồi đọc hai câu ấy của Nguyễn Bính, khi Vũ buột miệng rằng, có khi em không về đâu. Mẹ mất, với Vũ, chị Tư là mẹ, là chị, là chỗ dựa nửa đêm mưa rớt hột cái tôn cũ nhà trọ cũ nát, khi ngoài miền Trung cũng đang quàng rét mướt dữ dội trên vai người.  Vũ  quê ở Hiệp Đức, vô đây làm nghề bỏ mối gaz. Tôi  nạt, chừ mi chưa vợ mà không về quê ăn tết, mi trả lời chị mi răng? Khi mi có vợ con rồi, đủ thứ  bu bám quàng xiên, đi đứng mệt lắm, lúc nớ có muốn về cũng khó. Thế rồi chuyện lại dẫn về chủ đề mổ heo ăn tết, mổ thịt bỏ trên cái nong, dưới lót mấy tàu lá chuối xanh, thịt rã ra, lấy lạt tre xỏ xâu. Cúng phải cúng nhưng nhứt định chiều đó sẽ uống một trận với lòng heo và huyết ứ nấu cháo cho đã đời... Nói miết, chai rượu Phú Lễ của thằng bạn dân chính hiệu làng Phú Lễ ở Bến Tre cạn veo. Tôi dông dài rằng, thơ trên là xuân của kẻ tha hương, tiền bạc không có, não nùng áo rách, chứ mi có tiền, xài điện thoại cảm ứng, tết nhà mô cũng thủ bình gaz đề phòng hết nửa chừng, răng mi ở lại làm chi? Hắn cười hậc hậc, coi bộ xuôi xuôi. Rồi hắn ngước lên nói, em mà về, ra nhà anh uống rượu…

Tùy bút MỘC MIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết, về quê không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO