(QNO) - Những ngày này, cũng như nhiều địa phương khác, đồng bào Cơ Tu tại nhiều thôn làng miền núi Đông Giang tất bật, rộn ràng lo tết. Không khí tết làng cũng diễn ra ấm cúng theo nhịp bước mùa xuân.
Chia nhau chỗ thịt còn thừa sau tết làng. |
Thôn Gố (xã Za Hung, Đông Giang) ngày cuối năm đập vào mắt chúng tôi hình ảnh con đường nhỏ dẫn vào làng được bê tông kiên cố, rẽ vào các nhà và hình ảnh khói bếp lam trong chiều tỏa ra từ nhà nhà. Trong chiều 30 tết, khác với vẻ im ắng thường ngày, nhân dân làng Gố tất bật: người thì lo phụ việc làng, người tranh thủ chạy xe sắm sửa bánh mứt và thức uống để tiếp khách ba ngày tết bảy ngày xuân, người lo sửa sang và dọn dẹp lại nhà cửa, bếp núc… Cạnh giếng nước vốn là công trình cấp nước sinh hoạt tập trung của cả làng, những mế, những thiếu nữ Cơ Tu loay hoay rửa sạch mớ cá biển vừa mua được do người từ dưới xuôi đem lên, hay rửa sạch vài con gà vịt vừa được giết thịt để ăn dần và đãi khách mấy ngày tết. Khắp làng, trẻ con đã xúng xính trong áo hồng, áo xanh, tụm năm tụm bảy nô đùa, không còn vẻ nhếch nhác, xộc xệch của ngày thường. Có thể thấy, sau một năm quần quật, làm lụng vất vả với nương rẫy, với ruộng đồng, đồng bào thôn Gố cũng như nhiều địa phương khác đã sẵn sàng cho một cái tết no ấm.
Chia sẻ với chúng tôi, A Bing Đức, một thanh niên trong làng vui vẻ: “Vừa ăn tết làng xong, giờ ai nấy tất bật chuẩn bị tết nhà. Ngày thường thì sao cũng được, nhưng cả năm chỉ có một ngày tết, nên ai nấy đều phải lo. So với mọi năm, thôn Gố năm nay đón tết có phần ấm cúng hơn, nhà nào cũng có thịt, có cá để dành sẵn trong nhà ăn tận đến mùng Ba”. Cũng theo A Bing Đức, bộ mặt thôn Gố có được ngày hôm nay, phải nói đó là kết quả của sự chăm lo của chính quyền địa phương cũng như sự lao động miệt mài của người dân thôn Gố. Đã qua rồi cái thời chỉ trông vào chính sách hỗ trợ từ nhà nước, những năm trở lại đây, nhà nhà đã siêng năng trồng keo lá tràm, trồng chuối mốc để có nguồn thu, bên cạnh trồng sắn, trồng mía, trồng rau và trồng lúa nước. Chỉ vụ chuối tết, nhà trồng ít thì bán được mươi buồng chuối, nhà trồng nhiều có thể vài chục buồng với nguồn thu dao động từ 2-5 triệu đồng/hộ.
Họp bàn việc làng. |
Theo Trưởng thôn Gố - ALăng Chươm, toàn thôn có tổng cộng 36 hộ, hiện còn 13 hộ nghèo. Điều đáng mừng là trong năm này, 3 hộ trong làng vừa đủ điều kiện để thoát nghèo. Nhìn chung, đời sống, thu nhập người dân có phần ổn định hơn trước. “Có được điều đó là do chính sách hỗ trợ, khuyến khích của xã, của huyện như chương trình hỗ trợ, cấp giống chuối mốc, keo lá tràm, cấp giống con vật nuôi để bà con phát triển kinh tế rừng, phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ bên cạnh sinh kế của đồng bào là trồng lúa nước, làm nương rẫy” - ALăng Chươm nói. Năm 2014, cả làng trồng mới thêm 1.000 gốc chuối mốc, gieo sạ 6-7 ang lúa giống, trồng thêm 3ha rừng keo lá tràm. Toàn thôn, hộ trồng ít nhất là 100 gốc chuối mốc, nhiều thì lên tới vài trăm gốc với nguồn thu mỗi năm vài chục triệu đồng. Từ khi câu lạc bộ trồng chuối mốc xã Za Hung được thành lập, nhiều người dân thôn Gố nhờ tham gia học tập, được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chuối, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, nhờ đó hiệu quả trồng chuối cũng tăng lên đáng kể. Nguồn thu nhập quanh năm từ cây chuối mốc đã từng bước giúp đồng bào xóa được đói giảm được nghèo.
Dịp tết này, bên cạnh niềm vui sau một năm lao động miệt mài với thành quả do chính bàn tay mình làm ra, niềm vui như nhân đôi trong lòng người dân làng Gố khi dịp tết làng, từ nguồn hỗ trợ của huyện, nhân dân làng Gố được hỗ trợ 2 triệu đồng để mua heo ăn tết làng. Đoàn lãnh đạo xã Za Hung gồm chủ tịch xã, phó chủ tịch xã, Ban công an xã, Ban chỉ huy quân sự xã… cũng đã đến tận nơi chia vui và trao những phần quà nghĩa tình cho làng. Cùng với đó, nhiều phần quà từ nhà nước, từ các tổ chức xã hội cũng đã được hỗ trợ đến đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách, người bị khuyết tật để bà con có một cái tết no đủ. Ông ALăng Bay - Phó chủ tịch UBND xã Za Hung cho biết: Được sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhân dân làng Gố có thêm điều kiện để vui tết, đón xuân no ấm, an toàn và tiết kiệm. Song điều đáng mừng hơn là sự đổi thay của bộ mặt thôn làng, đời sống cũng như kinh tế của bà con dần ổn định hơn trước. “Đặc biệt, không chỉ là thôn có đời sống kinh tế dần ổn định, thôn Gố còn là điển hình về “thôn văn hóa” tiêu biểu suốt 3 năm liền của xã Za Hung. Suốt 3 năm liền, toàn thôn không có người sinh con thứ ba, không xảy ra tình trạng vi phạm về an ninh trật tự như rượu chè, cờ bạc, đánh nhau gây thương tích… Đó là những thành quả mà làng Gố nói riêng, nhiều thôn làng khác ở xã Za Hung tiếp tục phát huy và giữ vững” - ông ALăng Bay nói.
HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU