Mới đọc tựa hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng”, đã mường tượng những ký ức đau buồn mà tác giả đã phải gắng gượng lắm mới viết xong. May thay, nó không chỉ là câu chuyện đầy bi thương vào buổi sáng ngày 16.3.1968, mà còn là hành trình đi lên của tác giả, của làng Hồng, của Sơn Mỹ.
Tác giả cuốn sách là ông Phạm Thành Công - Giám đốc Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi), một trong những người hiếm hoi còn sống sót sau cuộc thảm sát của lính Mỹ cách đây 49 năm. Trong cuộc thảm sát ấy, 504 thường dân vô tội đã chết một cách tức tưởi, và phần lớn nạn nhân là người già, phụ nữ và trẻ em. Riêng gia đình ông Công, buổi sáng hôm ấy, những tên giặc man rợ đã tước đi mạng sống 5 người thân trong gia đình ông là mẹ, chị và 3 em trong lúc cha ông (và những người đàn ông trưởng thành khác) đang đi chiến đấu ở nơi khác. Với ông, đó là một sự mất mát đầy ám ảnh, và sự ám ảnh này đã khiến ông nhiều lần viết trong hồi ký: “Rằng tôi có thể tha thứ cho tội ác, nhưng không thể quên nỗi đau này”.
Tập hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng”, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, tháng 8.2016. |
Tôi lướt nhanh nội dung đầy ám ảnh trong phần “Mẹ ơi, chị ơi, em ơi…” của chương hai: Khoảng 8 giờ sáng ngày 16.3.1968, ba tên lính Mỹ kéo đến nhà và lùa 6 mẹ con ông Công xuống lại hầm trú bom, rồi thả lựu đạn xuống. Mẹ, chị và 3 em đã chết. Ông thiếp đi trong sợ hãi. Rồi ngồi thất thần nhìn cảnh cha đau đớn đưa thi thể của từng người từ dưới đống đổ nát lên. Lúc ấy ông 11 tuổi…
Ít ai biết được rằng, tác giả đã ấp ủ viết cuốn sách này từ khi về công tác ở Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ vào năm 1992. Mãi đến năm 2000 ông mới bắt tay vào viết, nhưng lại bỏ dở nhiều lần bởi những ám ảnh đầy đau thương về nỗi đau mất người thân. May thay, ông đã đủ mạnh mẽ để chiến thắng sự ám ảnh luôn ghì chặt ông, để viết tiếp cuốn sách vào năm 2014. Ngày hoàn thành cuốn sách, ông thấy cuộc đời mình trở nên nhẹ nhõm hơn. Bởi cuốn sách mà ông viết, không chỉ đơn thuần là tố cáo tội ác. Mà lớn lao hơn, là để cho nhân loại thấy nỗi đau của chiến tranh, để mà cảm thông cho những mất mát mà người Sơn Mỹ đang phải gánh chịu, và để cho tất thảy thấy rằng “chúng tôi có thể tha thứ mọi tội ác, nhưng không thể quên nỗi đau này”.
XUÂN THỌ