Du khách nhìn những đợt sóng hung bạo xô vào kè đá với cảm giác hụt hẫng, thất vọng. Biển Cửa Đại cát vàng mịn màng kéo dài hơn cây số nay chỉ còn trong ký ức. Có lẽ chưa bao giờ du lịch biển Quảng Nam đứng trước nhiều thách thức đến vậy.
Sạt lở bờ biển đã trở thành thách thức lớn nhất của du lịch biển Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. |
Biển trong phát triển du lịch
Quảng Nam được đánh giá là một trong số ít địa phương sở hữu nhiều lợi thế về biển để phát triển du lịch. Trên khoảng chiều dài 125km kéo dài từ Điện Bàn tới Núi Thành là những bãi biển cát vàng quyến rũ. Có thể kể đến Hà My (Điện Bàn), An Bàng (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành). Đó còn là ghềnh đá Bàn Than, Tam Hải (Núi Thành), là Cù Lao Chàm – khu dự trữ sinh quyển thế giới… Tất cả đóng vai trò điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch của mỗi địa phương. Riêng tại Hội An, du lịch biển chiếm gần 1/2 lượt khách tham quan và 30% lượng khách lưu trú, chủ yếu là đối tượng khách cao cấp. Đặc biệt, trong bối cảnh một số sản phẩm tại phố cổ đã không còn nhiều hấp dẫn du khách thì việc mở rộng không gian du lịch về phía biển, đảo trở thành chiến lược trọng tâm của thành phố nhằm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch kết hợp giữa đất liền với biển đảo; giữa di sản văn hóa với môi trường sinh thái, thiên nhiên; giữa du lịch trải nghiệm với du lịch hưởng thụ nhằm tạo nên sự phong phú, riêng biệt và đầy sức hút với du khách.
Để phát huy lợi thế của biển, thời gian qua thành phố đã đầu tư nâng cấp hạ tầng các tuyến đường ven biển, nhất là chất lượng các cơ sở lưu trú cao cấp; khoanh vùng xây dựng 10 khu công viên biển xen kẽ tại những khu resort ven biển Cửa Đại, Cẩm An. Ngoài ra, thành phố cũng đã ban hành một số chính sách cụ thể như đề án quản lý khai thác các bãi biển du lịch Hội An với việc tập trung đầu tư hạ tầng dịch vụ, thực hiện tốt công tác cứu hộ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ và khai thác nhằm xây dựng bãi biển Hội An an toàn, văn minh…
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, với lợi thế là vùng duyên hải ven biển, đặc biệt có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm nên du lịch biển đảo là một trong những hướng phát triển quan trọng của tỉnh. Thực tế, những năm qua, biển Quảng Nam đã mang lại hiệu quả rất tốt về lưu trú, tham quan cũng như các loại hình thể thao giải trí biển. “Cứ hình dung mỗi ngày có khoảng 3 nghìn lượt khách ra đảo, một năm trừ 3 tháng mùa mưa thì số lượt khách ra đảo không hề nhỏ. Ngoài ra, còn một lượng khách lưu trú trong các khu resort cao cấp ven biển từ The Nam Hai đến Sunrise, Goldensand nên có thể nói ngoài di sản, biển là một trọng tâm trong quá trình phát triển du lịch của Quảng Nam”- ông Hài khẳng định.
Áp lực từ du lịch biển
Không phủ nhận du lịch biển đã trở thành hướng đi chủ đạo của nhiều địa phương nhằm biến biển trở thành điểm nhấn thu hút khách tạo sự lan tỏa đến các điểm khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt, nhất là hiện tượng xâm thực bãi biển, áp lực về sức chứa, công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ an toàn cảnh quan tự nhiên chưa được quan tâm đồng bộ… đã đặt ra cho du lịch biển đảo không ít nguy cơ, thách thức, nhất là về không gian giải trí và lợi thế lưu trú. Lãnh đạo một khu resort ven biển Cửa Đại từng tâm sự, bây giờ đơn vị rất thận trọng khi giới thiệu thông tin về khách sạn trên mạng vì đã từng có du khách phản ứng khi thấy bờ biển khách sạn bị sạt lở khách không thể tắm được. “Biển sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh và hình ảnh khách sạn, nên bây giờ thay vì quảng bá khách sạn có bãi biển đẹp như trước đây thì chúng tôi chỉ ghi chung chung là khách sạn có vị thế nằm bên bờ biển thôi” - vị lãnh đạo khách sạn nói.
Ngoài ra, trình độ quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch từ biển chưa mang tính đặc trưng, giữa các địa phương vẫn còn trùng lặp. Riêng với Cù Lao Chàm, áp lực về lượng khách gia tăng vượt khả năng cung cấp dịch vụ tại chỗ hay sản phẩm du lịch nghèo nàn, hạ tầng cầu cảng yếu kém, trình độ nhân lực, quản lý chưa hiệu quả… là những áp lực nóng đòi hỏi chính quyền các cấp cần có chiến lược điều chỉnh hợp lý để hướng đến sự phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, một khi bãi biển mất đi sẽ là làm lượng khách giảm sút do lợi thế về biển không còn. Chưa nói quá trình sạt lở cũng ảnh hưởng đến các resort ven biển vì khách cảm thấy không yên tâm khi lưu trú những nơi này.
Để khắc phục, thời gian qua UBND thành phố đã cùng các cấp ngành tiến hành khảo sát bãi tắm từ khu Beach resort đến giáp Điện Bàn; gia cố mở rộng khu vực bãi tắm An Bàng, Cẩm An, đầu tư lại hạ tầng và các công trình vệ sinh, kể cả cảnh quan nhằm thay thế bãi tắm Cửa Đại đã bị sạt lở. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh (10 tỷ đồng) thành phố cũng đã ứng ngân sách 15 tỷ để kè mềm và đóng cọc sắt chống sạt lở 400m ven biển Cửa Đại theo dạng công nghệ của Hà Lan. “Đây chỉ là biện pháp đột xuất tạm thời hiện nay vì để kè chống căn cơ số tiền rất lớn (khoảng 50 tỷ đồng/ 1km biển), trong khi bờ biển Hội An dài đến 7km, chưa kể biển phía Điện Bàn thì khoản tiền sẽ không dưới 400 tỷ đồng, cái này thì phải chờ hỗ trợ từ tỉnh và trung ương” - ông Dũng cho biết. Đồng tình với quan điểm trên, ông Đinh Hài thừa nhận, thách thức nhất của du lịch biển Quảng Nam nói chung và du lịch biển Hội An hiện nay là sự sạt lở nên lượng khách đến với biển cũng sẽ yếu hơn so với những năm trước đây. “Ngoài quy hoạch phát triển du lịch ven biển từ Điện Bàn đến Hội An đã ban hành trước đây, sắp đến tỉnh cũng sẽ tiếp tục triển khai một quy hoạch ven biển từ nam Hội An vào đến Núi Thành nên chắc chắn sẽ có những giải pháp cụ thể cho du lịch biển những năm tới”- ông Hài thông tin.
VĨNH LỘC