Dân số Đà Nẵng tăng cao, quỹ đất đô thị eo hẹp làm xuất hiện mô hình vùng đô thị, liên đô thị, tác động trực tiếp đến một số địa phương của Quảng Nam… Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý đô thị tại hội thảo “Những khó khăn, thách thức mục tiêu phát triển bền vững của TP.Đà Nẵng trong tương lai” diễn ra cuối tuần qua tại Đà Nẵng.
Dân số ngày càng tăng, trong khi quỹ đất có hạn và đang dần eo hẹp gây nên những thách thức cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Đà Nẵng trong tương lai. Ảnh: CAND |
Tìm hướng đi bền vững
Với diện tích đất liền hơn 98.000ha, dân số khoảng 1 triệu người, quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt, theo chiến lược phát triển thành phố đến năm 2030 quy mô dân số Đà Nẵng sẽ hơn 2,5 triệu người (dân số đô thị 2,3 triệu người), đất xây dựng đô thị khoảng 37.500ha (mật độ bình quân 60 - 70 người/ha), trong khi quỹ đất có hạn và đang dần eo hẹp. Điều này gây nên những thách thức cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Đà Nẵng trong tương lai.
Theo quan điểm của GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính, đã đến lúc Đà Nẵng nhìn lại chặng đường bùng phát những năm qua, để thấy trước những mâu thuẫn tất yếu nảy sinh vì ưu tiên cái này đồng nghĩa với sự triệt tiêu cái kia… “Liệu một thành phố công nghiệp, cảng trung tâm kinh tế lớn mà chúng ta đang tạo dựng còn có khả năng để trở thành thành phố du lịch, nghỉ mát mang tính sinh thái không? Sự cần thiết dừng lại để nghĩ thêm về phát triển theo chiều sâu, muốn nhắc về việc sử dụng tài nguyên đất, cảnh sắc thiên nhiên sao cho chừng mực, sao cho không quá tay, để phần và dành dụm cho con cháu! Chớ nên vội vã vắt kiệt vùng đất biển, hãy để cho Sơn Trà là một quỹ dự trữ, hãy đắn đo khi chiếm lĩnh khoảng không gian giữa thành phố và vùng rừng núi. Thành phố có thể xây rồi phá và xây lại, càng về sau càng nguy nga nhưng tòa thiên nhiên thì không như vậy” - ông Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh.
TS-KTS. Ngô Trung Hải, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, để phát triển Đà Nẵng bền vững đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, kể cả khi thành phố đạt 3 triệu dân vào năm 2030, ngoài sử dụng quỹ đất cẩn trọng hiệu quả, chú trọng dành quỹ đất phát triển các công trình dân sinh, xã hội, xây dựng các thành phố vệ tinh, các phân khu chức năng, Đà Nẵng cần áp dụng 2 quy tắc quy hoạch cơ bản. Thứ nhất là đô thị “nén”, loại đô thị gọn, diện tích nhỏ có mật độ dân số ở mức 100 - 150 người/ha (mức trung bình) đến mức 200 - 250 người/ha (mức cao), chủ yếu phát triển về chiều cao và không gian phía trên; có khả năng tự cung cấp đầy đủ dịch vụ theo kiểu đô thị đa chức năng (cư trú, làm việc, học hành, mua sắm và giải trí). Thứ hai, phát triển định hướng vận tải công cộng (đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, taxi…). Trong đó, việc phát triển khu vực đô thị phải gắn với tiếp cận và sử dụng phương tiện vận tải công cộng dễ dàng. “Trong 10 năm tới chúng ta phải xác định phát triển khu vực nào cao tầng, khu vực nào cần chỉnh trang dứt khoát. Nếu thành phố biết xây dựng mô hình đô thị “nén” và hệ thống giao thông công cộng tốt thì có thể phát triển bền vững với mức dân số 2,5 - 3 triệu dân đối với tầm nhìn ngoài năm 2030” - ông Ngô Trung Hải chia sẻ.
Quy hoạch vùng đô thị
Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, phát triển đô thị Đà Nẵng chắc chắn lan tỏa mạnh mẽ đến Quảng Nam, nhất là các vùng giáp ranh như Điện Bàn, Hội An…, và đây là quy luật tất yếu. Theo KTS. Hoàng Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, trong hội thảo 20 năm phát triển Đà Nẵng tổ chức mới đây, cũng đã có nhiều ý kiến nói về mối quan hệ giữa 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, nhất là các vùng phụ cận, như Hội An, Điện Bàn của Quảng Nam, Lăng Cô của Thừa Thiên Huế. Vấn đề trên tiếp tục được đề cập tại hội thảo lần này, và các nhà khoa học kiến nghị các cấp nhà nước nên đặt vấn đề với trung ương cho Đà Nẵng quy hoạch vùng, bao trùm tất cả những vùng phụ cận nhằm có sự khớp nối đưa các vùng này vào cùng quỹ đạo, cùng không gian để đồng hành phát triển. “Tất nhiên, phải có chỉ đạo của trung ương vì điều này rất nhạy cảm. Dù vậy, lãnh đạo các địa phương cũng đã tán đồng quan điểm nên có sự liên kết với nhau để có thể đồng hành quy hoạch, đồng hành xây dựng và đồng hành phát triển. Đặc biệt, phải có người cầm trịch chung quy hoạch tổng thể giữa Đà Nẵng và các vùng ven giáp ranh với thành phố” - ông Hoàng Quang Huy nói.
Các vùng lân cận như Điện Bàn (Quảng Nam) sẽ hưởng lợi từ sự phát triển đô thị của Đà Nẵng. Ảnh: VĨNH LỘC |
Cùng quan điểm trên, TS-KTS. Ngô Trung Hải cho rằng, quy hoạch phát triển một thành phố không đơn thuần chỉ nghĩ đến thành phố đó mà còn có các vùng xung quanh với vai trò vùng đô thị. Với Đà Nẵng khi phát triển 2 - 3 triệu dân hoặc nhiều hơn trong tương lai, bắt buộc phải nghĩ đến vùng đô thị xung quanh. Điều này có nghĩa Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình… kể cả phía bắc như Lăng Cô, Huế cũng sẽ nằm trong sự lan tỏa đó. “Vingroup đã bắt đầu phát triển đến Thăng Bình rồi, dù muốn hay không thì nhà đầu tư cũng tìm đến. Bây giờ phát triển là phi biên giới, không có biên giới trong phát triển vùng. Vấn đề là chính sách, quản lý của từng vùng đất đó như thế nào thôi. Có những dự án có thể phát triển ở Tam Kỳ, Chu Lai mà không nhất thiết phải vào Đà Nẵng, nhất là khi Đà Nẵng đang cạn kiệt nguồn quỹ đất nên việc chia sẻ những dự án phát triển trong các khu vực xung quanh là hết sức cần thiết” - ông Hải phân tích.
Cũng theo ông Hải, Quảng Nam hội tụ nhiều yếu tố về hạ tầng, đất đai như sân bay, giao thông, cao tốc… nên việc đón nhận, chờ cơ hội từ sự phát triển của Đà Nẵng mở rộng là tất yếu. “Đầu tiên Quảng Nam phải xem có gì trong tay (đất đai, hạ tầng - PV) để từ đó đưa ra được những chiến lược thu hút, chia sẻ khi Đà Nẵng bắt đầu chật chội. Thực tế, một số nhà đầu tư chiến lược đã nhòm ngó đất Quảng Nam rồi, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội này. Câu chuyện kết nối giữa Điện Bàn và Đà Nẵng sẽ là hiện hữu nếu giao thông thuận lợi. Khi đó, không loại trừ những người đến làm việc tại Đà Nẵng nhưng ở Điện Bàn, đây là điều bình thường nhiều nơi. Đơn cử, hiện rất nhiều người làm việc tại Hà Nội nhưng về ở khu Ecopark của tỉnh Hưng Yên. Khi giao thông tốt, môi trường sống tốt thì khi đó không còn biên giới nên cơ hội cho Quảng Nam rất nhiều” - ông Hải nhìn nhận.
VĨNH LỘC