Ngân sách eo hẹp và bài toán vốn cho đầu tư phát triển luôn là vấn đề đau đầu của Quảng Nam. Không dễ tìm kiếm nguồn lực để hiện thực hóa cơ hội đầu tư theo chiến lược phát triển đã được định vị.
Eo hẹp nguồn vốn
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm qua hơn 76.700 tỷ đồng, gấp hai lần so với giai đoạn 2006 – 2010 với tốc độ tăng bình quân 10,2%/năm chỉ đủ để giữ tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 11,5%, góp phần đưa công nghiệp xây dựng, dịch vụ tăng từ 77,6% lên trên 84% vào năm 2015. Ông Trương Quang Dũng – Phó giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam thừa nhận quy mô nền kinh tế có tăng, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ. GRDP bình quân đầu người còn thấp so cả nước 1.925/2.200 USD. Đóng góp tăng trưởng chủ yếu là yếu tố vốn và lao động. Hàm lượng khoa học công nghệ và năng suất lao động thấp. Vốn đầu tư tăng chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Chất lượng giảm nghèo chưa thật sự vững chắc. Tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và mức bình quân cả nước. Như vậy sau 5 năm, chiến lược phát triển nhằm huy động, sử dụng đa dạng hóa nguồn vốn để tạo dựng các cụm, ngành, đô thị động lực, giảm sự chênh lệch vùng miền, kết nối đô thị nông thôn phát triển công bằng từng được xác lập đã không thực hiện được như ý muốn. Những con đường xuyên vùng đông, nối thông lên vùng tây chỉ đủ để rút ngắn khoảng cách thời gian, nhưng chưa đủ để giảm độ chênh lệch thu nhập giữa các vùng miền bởi thiếu cơ sở hạ tầng trung gian. Các chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn kém phát huy hiệu quả, không đủ lực tác động, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực này. Ngân sách tỉnh hạn chế nên phúc lợi xã hội vẫn chủ yếu dựa vào chính sách và ngân sách trung ương. Chênh lệch giàu nghèo được thể hiện rõ nét giữa vùng bãi ngang, vùng cửa sông, miền núi. Vùng cửa sông tập trung các trung tâm kinh tế, các đô thị phát triển là hình ảnh đối nghịch với các vùng bãi ngang heo hút và miền núi xa xôi. Chủ trương, chính sách cũng như những hỗ trợ trực tiếp thông qua các chương trình đầu tư phát triển chưa thể tác động trên diện rộng, chưa mang lại cơ hội phát triển cho số đông hay cộng đồng dân cư toàn vùng. Không ít dự án cơ hội đầu tư trọng điểm đã nhận sự quan tâm đầu tư và không thiếu những biên bản ghi nhớ, nhưng chưa thấy một dự án hay hợp tác đầu tư nào chính thức được ký kết. Hiện tại Chu Lai có nhiều dự án đầu tư tăng trưởng xanh đã xác định được việc tìm nguồn nhưng cũng không tự định đoạt được. Một dự án “Đô thị Việt – Hàn” đã đệ xin trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, còn xúc tiến tìm nguồn viện trợ đầu tư sân bay Chu Lai… cũng chỉ khởi đầu, chưa biết có hiện thực hóa được không? Sự “rút lui” của Hyundai (Hàn Quốc) khỏi Ô tô Trường Hải hay thu hẹp dự án của Docteur Thanh tại khu vực này chưa biết lý do gì cụ thể hoặc dòng FDI chững lại phần nào cho thấy sự khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn cho các dự án phát triển!
Không dễ hiện thực hóa đầu tư
Chính quyền Quảng Nam thừa nhận cam kết định vị chiến lược phát triển là một lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam để tiến tới phát triển bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho rằng tất cả mục tiêu tăng trưởng theo chiến lược phát triển Quảng Nam đặt ra cho từng năm hoặc dài hạn đều hợp lý. Quy hoạch, khớp nối giao thông hai vùng đông – tây đã hoàn thiện. Môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện, góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, hạ tầng dần hoàn thiện để thúc đẩy những dự án trọng điểm… Quảng Nam sẽ kiên trì thu hẹp khoảng cách thu nhập để giảm nghèo bền vững, giảm sự chênh lệch quá xa giữa các vùng miền trong đầu tư cơ sở hạ tầng bởi thiếu cơ sở hạ tầng trung gian. Vốn sẽ được phân bổ hiệu quả vào các vùng ưu tiên để phát triển kinh tế xã hội. Nhưng để hiện thực hóa các cơ hội đầu tư này vẫn là chuyện đầy khó khăn khi các nguồn lực đầu tư đều khan hiếm. Theo tính toán của UBND tỉnh Quảng Nam thì nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng bình quân mỗi năm hơn 2.500 tỷ đồng tại Chu Lai và nhiều tỷ đồng khác hỗ trợ ban đầu triển khai các dự án khác… nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương.
Phát triển vùng đông - vùng tây giai đoạn 2016 - 2020 đẫ được định hướng cụ thể. |
Những kịch bản phát triển kinh tế Quảng Nam đưa ra đều cần những giải pháp, cơ chế chính sách thu hút đầu tư cao hơn, với mức đầu tư hàng năm gấp 1,8 lần (khoảng 28.000/15.500 tỷ đồng). TS. Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ KH&ĐT) cho hay thách thức lớn nhất của thực thi chiến lược tăng trưởng Quảng Nam cần chi phí đầu tư rất lớn. Phải cần đến hàng tỷ USD cho đến 2020 để giải quyết biến đổi khí hậu, tăng trưởng, nhất là năng lượng trong khi thiếu chính sách thu hút nguồn lực. Dù hiện tại, có hơn 60 quỹ, 20 cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ phát triển khu vực miền Trung ngày càng gia tăng… nhưng cũng không dễ gì tiếp cận nguồn vốn này. Ông Trương Quang Dũng – Phó giám đốc Sở KH&ĐT nói định hướng chiến lược tốt nhưng thực thi gặp rất nhiều khó khăn. Một số công trình lớn, trọng điểm, cấp thiết đều có nguồn vốn bố trí quá thấp, dự kiến chỉ đảm bảo cân đối khoảng 50%. Vốn đầu tư so với yêu cầu rất hạn chế. Chỉ mới đáp ứng khoảng 25 - 35% nhu cầu. Bài toán đặt ra cho việc tìm vốn để thực thi chiến lược phát triển là rất khó, chưa kể đến khả năng trả nợ cho nhu cầu đầu tư trước đây cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả địa phương đều có nhu cầu đầu tư, nhiều nơi kêu khó nhưng cơ quan quản lý hiện rất lúng túng. Vì thế dù rất muốn gia tăng đầu tư để kết nối liên vùng, nội vùng, tạo động lực phát triển vẫn còn khoảng cách giữa văn bản, nghị quyết chiến lược và thực tiễn nảy sinh.
Định hướng phát triển vùng giai đoạn 2016-2020 Vùng đông |
TÙY PHONG