Xoáy vào cơn đau từ thiệt hại do lũ quét, lũ ống, lũ chồng lên lũ, thì lại thêm thảm họa núi lở dữ dội. Thảm nạn Rào Trăng (Thừa Thiên Huế) còn chưa ngơi nước mắt thì phía Quảng Trị gào thét tiếng kêu cứu trong đêm, núi lở vùi lấp hàng chục người, đau thương khôn kể xiết!
Lục lại tư liệu về các vụ thảm họa do thiên tai, ở miền Trung còn lưu dấu ký ức của nhiều người già là trận lụt vào mùng 6.10 năm Thìn (1964). Báo chí ngày đó đưa tin trận lụt ấy làm hàng chục nghìn người chết, còn thiệt hại tài sản vô kể. Riêng tỉnh Quảng Nam có 2.500 người thiệt mạng, 22.447 nhà cửa bị trôi, 96% hoa màu bị thiệt hại. Tỉnh Quảng Tín (phần phía nam tỉnh Quảng Nam ngày nay) có 1.270 người chết, 14.250 nhà cửa bị cuốn trôi, súc vật chết 83%, hoa màu thiệt hại 100%...
Ký ức kinh hoàng đó còn in dấu trong ngày “giỗ chung” ở nhiều làng quê, mà nhà thơ Tường Linh, người Quảng Nam, kể lại: “Em hãy ghi: Ngày mùng 6 tháng 10/ Năm âm lịch Giáp Thìn, em nhé!/ Ngày giỗ quê hương, dù bao thế hệ/ Thảm nạn này biết thuở nào quên/ Xót thương về, em hãy đốt hương lên!”.
Như vậy thảm họa do thiên tai không phải bây giờ mới có, nhưng vì sao giờ đây người ta vừa đau đớn vừa bức xúc khi phân tích nguyên nhân dẫn đến thảm họa? Bởi vì, chuyện trời làm thì mấy mươi năm mới có một phen thiên tai, còn những gì mà con người tự “cài mìn dưới chân mình” thì sẽ nổ ra thảm họa liên miên, trong đó có chuyện làm “thủy điện cóc” gây phá rừng.
Có người tính bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW chiếm mất 10ha rừng đầu nguồn. Vậy dự án Rào Trăng 3 công suất 11MW chiếm mất 110ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền, chưa kể còn có diện tích mất đi do làm đường dây truyền tải (tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 11 dự án thủy điện cóc tổng công suất chỉ 105MW). Cái hại của thủy điện cóc là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ không có khả năng điều tiết lũ, nhưng lại phá rừng nhiều hơn.
Cùng với việc làm thủy điện tràn lan và nạn lâm tặc phá rừng, người dân cũng phá rừng để trồng rừng, đang tạo nên những áp lực lớn lên vùng tây của nhiều tỉnh miền Trung. Quảng Nam cũng từng trả giá vì thủy điện như cách đây 7 năm, tháng 11.2013, sau ảnh hưởng của cơn bão Haiyan (bão số 14), lũ ào đến trở tay không kịp. Đợt đó, duyên hải miền Trung có mấy chục người chết. Dù đã sống quen với lũ lụt, nhưng dân Quảng không khỏi hốt hoảng trước quả bom nước gây ra thiệt hại, nhiều người chết, nhà ngập, cầu sập, đường nát, núi lở... Lại thêm vụ vỡ hầm đường dẫn thủy điện sông Bung 2 tạo nên cơn lũ quét làm trôi mất tích 2 người, hàng chục chiếc xe và làm nhiều nhà dân, hoa màu tan nát.
Tạo điều kiện cấp phép cho thủy điện cóc quá nhiều và phá rừng với tốc độ mạnh hơn là kiểu “ăn rừng” khốc liệt nhất, qua đó con người tự cài mìn dưới chân mình để đến ngày nào đó nhận lấy thảm họa liên miên. Báo Đại biểu Nhân dân vừa có bài bình luận khá sắc nét rằng “theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm, từ 2016 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283ha, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430ha rừng. Mà rừng “đi” là lũ “về””.
Dường như cái hại từ phá rừng và làm thủy điện tràn lan, phải đến khi xảy ra sự cố thảm họa mới khiến người ta thức tỉnh về sự trả giá quá đắt. Quảng Nam đã nhận ra điều đó nên cắt bỏ nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ. Dĩ nhiên với những thủy điện đã xây dựng thì vẫn còn những việc phải làm thường xuyên là giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn hồ đập, quy trình xả lũ, phục hồi sinh thái rừng. Một trong những định hướng chiến lược phát triển vùng tây Quảng Nam giờ đây là nhân rộng trồng dược liệu dưới tán rừng, càng phải cố gắng giữ rừng!