Thầm lặng cống hiến

PHƯƠNG GIANG 15/06/2020 13:07

Nhiều năm qua, kể từ khi gánh vác thêm trọng trách cứu nạn cứu hộ, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh đã thầm lặng cống hiến, đóng góp lớn trong nhiều vụ CNCH lớn trên địa bàn.

Thượng tá Trần Công Tiết - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CHCN tại hiện trường chỉ huy tìm kiếm cứu nạn cứu hộ trong vụ chìm ghe làm 5 người mất tích ở Duy Nghĩa (Duy Xuyên) tháng 5 vừa qua. Ảnh: P.G
Thượng tá Trần Công Tiết - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CHCN tại hiện trường chỉ huy tìm kiếm cứu nạn cứu hộ trong vụ chìm ghe làm 5 người mất tích ở Duy Nghĩa (Duy Xuyên) tháng 5 vừa qua. Ảnh: P.G

Trong 5 năm theo nghề, Trung úy Nguyễn Chí Hồng (Đội chữa cháy và CNCH khu vực Bắc Quảng Nam, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH) góp mặt trong khá nhiều đợt cứu nạn, cứu hộ.

“Đối mặt trực tiếp với hiểm nguy, nơi người khác chạy ra, mình thì quay ngược vào, ngoài bản lĩnh, điều cần nhất là phải thuần thục kỹ năng, nghiệp vụ, đảm bảo tối đa các nguyên tắc an toàn. Muốn cứu người khác, trước hết phải giữ được an toàn cho chính mình” - Trung úy Nguyễn Chí Hồng chia sẻ.

Với địa bàn Quảng Nam, đa phần các vụ CNCH là tìm kiếm người mất tích do đuối nước, cán bộ chiến sĩ của đội làm nhiệm vụ thường phải độc lập tác chiến ở những nơi địa hình phức tạp, nước sâu, chảy xiết.

“Xuống nước, phải xác định một mình mình vận động. Nhiều vụ mình tham gia CNCH gặp không ít chướng ngại vật là chài lưới, rác thải, các phế phẩm xây dựng… rất dễ bị dính mắc nếu không có kinh nghiệm và bình tĩnh xử lý. Ngoài ra, mỗi vụ CNCH lại có một đặc thù, như dòng nước chảy luôn thay đổi, các hố, hầm do hút cát, do địa chất… là nguy cơ khó lường. Bên cạnh nghiệp vụ được đào tạo, lực lượng CNCH nhiều khi phải vận dụng thêm kinh nghiệm thực tế. Điển hình như vụ việc chìm ghe ở Đại Lộc, do phạm vi tìm kiếm rất rộng, nước chảy mạnh, lực lượng đã sử dụng “dây câu kiều” để rà tìm, từ đó xác định, trục vớt được thi thể các nạn nhân” - Trung úy Nguyễn Chí Hồng nói.

Dù là lĩnh vực khá mới mẻ khi đến năm 2012, công tác CNCH mới trở thành mặt nghiệp vụ tiếp theo của đơn vị, song Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã sớm tập trung, từng bước hoàn thiện về con người, trang thiết bị phục vụ. Cũng “thường trực tác chiến” 24/24 giờ, mỗi khi có lệnh điều động, anh em lại sẵn sàng lên đường.

Trung tá Phạm Quang Ngọc - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CHCN cho biết, tại hai đội trực thuộc của đơn vị đóng tại Hội An và Tam Kỳ, mọi thông tin đều được tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời huy động lực lượng khi có yêu cầu. Trong hai vụ đuối nước làm 11 người tử vong vừa qua tại Đại Lộc và Duy Xuyên, đơn vị nhanh chóng có mặt, phối hợp với các lực lượng khác khẩn trương tìm kiếm, cứu hộ.

“Theo thống kê, từ tháng 12.2019 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã thực hiện 13 vụ CNCH; trong đó có 10 vụ đuối nước, 2 vụ tai nạn giao thông. Có vụ việc anh em phải thực hiện nhiệm vụ trong đêm tối, nhiều yếu tố phức tạp, kéo dài nhiều ngày, song vẫn kiên trì, phối hợp tổ chức tốt. Ngoài trách nhiệm của một chiến sĩ với người dân, còn có tình cảm, sự sẻ chia với thân nhân nạn nhân và cả cộng đồng, nên anh em đơn vị đều hết sức, hết mình, không quản ngại những nguy hiểm, vất vả. Nỗ lực của các lực lượng, trong đó có chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã giúp tìm kiếm được các nạn nhân, bàn giao cho gia đình, phần nào vơi bớt nỗi đau cho người thân sau các vụ tai nạn thương tâm” - Trung tá Phạm Quang Ngọc chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thầm lặng cống hiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO