(QNO) - Mỗi người một hoàn cảnh nhưng ông Hoàng Ngọc Tâm (61 tuổi, thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình) và ông Nguyễn Sư (68 tuổi, thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) có điểm chung là tự nguyện chăm sóc những phần mộ liệt sĩ suốt nhiều năm qua. Họ tự nguyện làm phần việc đó như một cách tri ân những người đã ngã xuống vì dân tộc.
|
Suốt 15 năm nay, ông Hoàng Ngọc Tâm đều đặn hằng ngày chăm sóc phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Minh. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
1. Tháng Bảy, cái nắng gắt gao hắt xuống làng biển Hà Bình, xã Bình Minh. Nơi Nghĩa trang liệt sĩ xã, ông Hoàng Ngọc Tâm vẫn cặm cụi cắt tỉa hàng cây dương liễu. Đôi bàn tay rám nắng, chai sần của người làng biển với nhịp kéo đều đều cắt tỉa những khóm cây. Việc này ông cần mẫn làm suốt 15 năm qua kể từ ngày tự nguyện làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Minh mà chẳng đòi hỏi một đồng tiền thù lao.
Nhìn về xa xăm, từng nếp nhăn trên trán giãn ra, ông nói về những ngày mới bắt đầu công việc: “Ngày đó, nhiều người ở đây lời ra tiếng vào nhiều lắm, nói tôi không bình thường, còn bóng gió là tôi rảnh việc ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Kệ. Tôi chẳng bận tâm vì mình làm sạch đẹp nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ là việc đúng nên làm”. Gạt hết lời lẽ thế gian, ngày ngày, việc đầu tiên ông làm là dậy thật sớm ra Nghĩa trang liệt sĩ xã nhổ cỏ, dọn vệ sinh từng phần mộ, tưới nước cho cây xanh. Xong việc, ông mới tất tả lấy hòm đồ nghề ra chợ mưu sinh với nghề sửa xe đạp. Chiều tối, ông lo chuyện hương khói, bật các bóng đèn thắp sáng Nghĩa trang liệt sĩ xã.
“Hàng cây hoa sữa trước nghĩa trang do Ủy ban xã trồng hả chú?” - tôi hỏi. “Không, tôi trồng. Thấy nghĩa trang đơn sơ quá, tôi muốn có hàng cây vừa để đẹp vừa có bóng mát” - ông Tâm cười đôn hậu. Ông tâm tình đủ chuyện, từ việc chăm hàng cây ở vùng cát nóng này lớn lên không phải dễ, đến chuyện một ngày không ra chăm sóc các phần mộ liệt sĩ là thấy bứt rứt. Đầu óc ông cứ lo lắng chuyện của Nghĩa trang liệt sĩ xã. Mùa nắng lo không kịp tưới nước sợ cây cối bị khô héo, lo cỏ lên um tùm che khuất mộ phần, mùa mưa bão lại lo cây ngã đổ làm hư hỏng…
“Thấy rác tù đọng hay cây cỏ mọc trên mộ mà không dọn thì chịu không được” - ông Tâm kể chuyện, cứ tựa như đời ông gắn chặt với nghĩa trang liệt sĩ mới thấy lòng thanh thản, an vui. “Còn sống ngày nào thì tôi vẫn còn tiếp tục công việc trông coi chăm sóc nghĩa trang ngày ấy. Vì không có các anh hùng liệt sĩ nằm xuống thì có đâu được cuộc sống hòa bình như hôm nay. Tôi làm từ tâm của mình như một cách để tri ân các anh hùng, để các liệt sĩ yên nghỉ và người thân của họ ở xa an tâm vì phần mộ luôn ấm cúng chuyện hương khói” - nụ cười mãn nguyện nở trên đôi môi ông Tâm.
Tháng Bảy, hoàng hôn xuống muộn, ông Tâm lặng lẽ thắp nhang từng nấm mộ liệt sĩ trước khi phía chân mây tắt nắng. Gió biển thổi lộng như tâm hồn của con người tốt bụng ấy.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) tươi thắm sắc hoa và cây xanh nhờ sự chăm sóc tự nguyện của ông Nguyễn Sư. Ảnh: THANH THẮNG |
2. Đến viếng hương Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), nhiều người không khỏi bất ngờ vì một không gian thắm sắc hoa và cây xanh. Cây cối mọc xanh um, những bông hoa trang khoe sắc khắp các ngôi mộ liệt sĩ. Để có được không gian đẹp đẽ này, gần 6 năm qua, ông Nguyễn Sư đã miệt mài chăm sóc.
Ông Sư kể, trước đây ông từng là lính du kích tham gia chiến đấu tại địa phương, làm nhiệm vụ gài mìn chống địch càn phá vùng đất Vĩnh Bình. Không may, trong một lần làm nhiệm vụ ông đã bị trúng mìn và mất một chân trái. Hòa bình lập lại, thương tật do chiến tranh để lại càng khiến cuộc mưu sinh thêm khó nhưng chưa một ngày ông thôi nghĩ về những đồng đội. Đến năm 2012, ông tự nguyện xin vào làm quản trang, chăm lo Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Thăng.
“Dù mất một chân, trong đời sống sinh hoạt gặp phải muôn vàn khó khăn nhưng dù gì tôi cũng may mắn hơn các đồng đội của mình là tôi vẫn còn sống. Vì vậy, tôi muốn tự nguyện được chăm sóc những phần mộ của đồng chí, đồng đội, người thân của mình đã ngã xuống cho đất nước” - ông Sư tâm sự.
Ông Nguyễn Sư ngày ngày tưới nưới cho cây ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Thăng. Ảnh: THANH THẮNG |
Toàn Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Thăng có 376 liệt sĩ hy sinh ở các nơi quy tụ về đây, trong đó có 1 liệt sĩ là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Mỗi ngày, bất kể hè hay đông, ông Sư vẫn thường dậy thật sớm lọc cọc đạp xe mang máy bơm nước ra nghĩa trang. Ông Sư nói: “Việc chăm sóc các mộ liệt sĩ là cuộc sống của tôi bây giờ. Mỗi ngày không ra thăm mộ là tôi cảm thấy khó chịu vì những người đồng chí, đồng đội chưa được thắp nén hương ấm mồ. Còn sức khỏe là tôi còn cố gắng chăm lo tốt cho từng phần mộ liệt sĩ ở đây”.
Với ông Sư, việc chăm sóc những phần mộ ở nghĩa trang liệt sĩ giúp cho ông có thêm niềm vui, động lực trong cuộc sống. Ông Huỳnh Minh Trí - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Thăng, nhận xét: “Ông Sư là người tấm gương tiêu biểu của địa phương trong việc chăm lo Nghĩa trang liệt sĩ xã. Ông xứng đáng là tấm gương để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ”.
ANH THƯ - THANH THẮNG