Có vô số kiểu tham nhũng đang diễn ra trong xã hội ta. Dễ thấy là việc “lót tay” hàng ngày khi qua các cửa trạm kiểm soát hàng hóa, gỗ lậu, giao thông... Những ngành dễ xảy ra tham nhũng cũng đã được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp điều tra xã hội học. Trong đó đứng đầu là cảnh sát giao thông, thứ đến là ngành liên quan đến quản lý đất đai, cấp phép đầu tư, xây dựng, hải quan... Tất nhiên, tài liệu này chỉ mang tính tham khảo bởi hạn chế của số lượng được hỏi ý kiến, song không phải không có những cơ sở xác thực.
Nhưng có một loại tham nhũng tưởng khó nắm bắt, diễn ra từ chuyện lãng phí thời gian. Ngày làm việc của công chức, viên chức, khi cho thêm ngày nghỉ thứ bảy, thì phải làm đủ 40 tiếng đồng hồ/tuần, như vậy ngày phải làm 8 tiếng đồng hồ. Song, cứ thử dạo quanh các hàng quán cà phê, quán nhậu là biết ngay. Sáng không ít người rề rà 8 giờ - 9 giờ mới vào sở, và chừng hơn 4 giờ chiều, dạo qua phố “hàng thớt” hay “hàng ly” Lý Thường Kiệt (Tam Kỳ), nghe tràn tiếng “dzô, dzô 100%” sẽ thấy thực khách chủ yếu là cán bộ công chức. Làm bài “tính rợ” với việc bớt đi mỗi ngày vài tiếng đồng hồ, nhân ra tháng cũng mất chừng ¼ thời gian cho việc nhậu nhưng nhà nước vẫn tính lương đủ. Nhà nước thiệt là rõ rồi. Còn người dân, người đóng thuế để trả lương cho cán bộ nhà nước hẳn còn thiệt kép. Vì sao? Bởi vì việc thực thi công vụ của cán bộ là để phục vụ dân nhưng khi dân có việc cần đến công sở, cơ quan nhà nước thì không có ai giải quyết, họ phải tốn thêm thời gian, tiền bạc (ngoài chuyện đóng thuế) để đi “hầu” nhiều lần. Một ngành lãnh ấn “đi đầu” trong cải cách hành chính như nội vụ mà chỉ việc xét duyệt để cho thành lập quỹ “cơm có thịt” của ông Trần Đăng Tuấn, mất 5 tháng vẫn chưa xong “vì cán bộ bận đi công tác”hay “bận” gì đấy có trời mới biết (!?).
Động thái của Quảng Nam rất tích cực trong việc chống tham nhũng thời gian, khi ban hành chỉ thị tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc trong các cơ quan đơn vị. Đặc biệt, lưu ý không cho cán bộ uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, giờ làm việc. Trong tháng qua, tình hình đã có biến chuyển. Nhưng hạn chế uống rượu bia chỉ là một chuyện. Việc lãng phí, hay kiểu tham nhũng thời gian nếu không có chế định và giám sát tốt thì chưa giải quyết cái gốc vấn đề. Chẳng hạn, có người vẫn đến công sở đúng giờ, bật máy tính lên đọc tin tức nhảm nhí trên báo mạng, chơi game online suốt mấy tiếng, tốn thêm tiền điện mà chẳng ai giám sát thì cũng không giải quyết được chuyện gì.
Cho hay, nên nghĩ đến việc xây dựng trách nhiệm công vụ cần thiết phải gắn giao việc đến từng vị trí, chức trách của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Kèm theo đó là hạn định thời gian thực hiện, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Làm thế nào để cán bộ muốn hoàn thành công việc được giao ấy cần phải sử dụng tối thiểu số thời gian quy định để hưởng lương. Ai làm sớm, làm tốt thì thưởng; ai bê trễ, làm việc ì xèo thì trừ lương. Có như vậy, cán bộ chỉ việc hoàn thành đúng hạn, đúng yêu cầu nhiệm vụ được giao thì có thể làm chủ được thời gian mà không thể lãng phí, tham nhũng thời gian cho việc tư hay nhậu nhẹt, la cà quán xá.
BẢO TRÂN