Thắm tình bang giao

LÊ QUÂN 20/08/2018 06:52

Các hoạt động trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam và Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” kết thúc bằng lễ bế mạc vào tối qua 19.8, nhưng dư âm sẽ vẫn nối dài với những cảm xúc đã có từ quá khứ.

Trình diễn nghệ thuật thư pháp Nhật. Ảnh: LÊ QUÂN
Trình diễn nghệ thuật thư pháp Nhật. Ảnh: LÊ QUÂN

Dày dặn hoạt động

Vẫn chọn những câu chuyện về bản sắc văn hóa làm nền tảng, đại diện 5 thành phố gồm Sakai (tỉnh Osaka), Oda (tỉnh Shimane), Matsusaka (tỉnh Mie), Nagasaki (tỉnh Nagasaki) và Minamiboso (tỉnh Chiba) với những hoạt động trong suốt các ngày từ 17 đến 19.8 tại Hội An, cho thấy một mối thâm tình giữa người Nhật với Hội An, và rộng hơn là những câu chuyện về xứ Quảng. Giáo sư Tomoda Hiromichi - Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) chia sẻ, lần này sự trở lại của người Nhật với Hội An - Quảng Nam trên rất nhiều lĩnh vực, là một minh chứng để thấy rằng mối quan hệ giữa hai vùng ngày càng bền chặt hơn. Mỗi năm, người Nhật ở một số tỉnh thành lại dành nhiều ưu ái cho Hội An trong các hoạt động giao lưu văn hóa tại đô thị cổ này. Có thể nhận thấy hàng loạt hoạt động trao đổi văn hóa xuyên suốt, trải từ đêm khai mạc đến khi kết thúc sự kiện vào tối 19.8, mang lại nhiều cảm xúc cho cả du khách, người dân Hội An lẫn các bạn Nhật Bản. Từ đội trống Minori Daiko (tỉnh Ibaraki) đến các nghệ nhân của nhiều bộ nghệ thuật như viết thư pháp, trà đạo, vẽ mặt nạ… đều hào hứng khi tham gia chia sẻ với người phố Hội về bản sắc văn hóa của xứ sở mình.

Tại một quãng đường của phố Nguyễn Thị Minh Khai, nơi được chính quyền Hội An chọn để phục hồi phần nào dấu ấn của người Nhật tại Hội An vào thế kỷ 16, 17,  “Không gian Nhật Bản” kéo dài từ mô hình Châu ấn thuyền đến Chùa Cầu gây không ít xúc động cho những người bạn Nhật. Cũng tại đây, trong “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam và Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản”, người Nhật đã gần như giới thiệu những nét đặc sắc của nền văn hóa mình đến với người phố Hội. Anh Tomoda Yoshinari - chuyên viên của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản, đồng thời đang làm dự án về phát triển du lịch nông nghiệp - ngư nghiệp tại Cù Lao Chàm trong hơn 3 năm nay, cho biết, trên tinh thần của những cuộc giao lưu văn hóa, người Nhật muốn mang bản sắc của mình đến với Hội An - Quảng Nam và ngược lại, họ cũng muốn biết nhiều hơn về các giá trị văn hóa của Quảng Nam. “Mong muốn của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản là tổ chức những cuộc giao lưu, trao đổi về văn hóa để trên nền tảng này thúc đẩy việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị thuộc về bản sắc và truyền thống. Ngay cả dự án chúng tôi đang thực hiện tại Cù Lao Chàm cũng vậy, muốn dựa trên lịch sử và văn hóa của vùng đất này để phát triển và mang lại lợi ích cho cộng đồng” - anh Tomoda Yoshinari cho biết.

Cơ hội cho sản phẩm truyền thống

Cũng lần đầu tiên, “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” thu hút sự tham gia của rất nhiều nghệ nhân làng nghề truyền thống Việt Nam và Nhật Bản. Đã có hơn 300 sản phẩm trưng bày tại không gian trình nghề đặt tại Vườn tượng An Hội cũng như tại các không gian của Làng lụa Hội An, Làng gốm Thanh Hà. Như kỳ vọng của rất nhiều nghệ nhân, đây là cơ hội để họ kết nối với thị trường trong và ngoài nước, ngõ hầu đưa sản phẩm truyền thống đi xa hơn. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh (làng nghề mây tre đan tại Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng qua cuộc trưng bày lần này, các sản phẩm của làng nghề tại Hà Nội sẽ tiến vào thị trường Quảng Nam cũng như tạo được mối liên kết với nghệ nhân Quảng Nam để cùng đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra thị trường quốc tế”.

Các gian hàng và nghệ nhân trình nghề truyền thống tại Không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều là những làng nghề đã từng nhận được sự hỗ trợ từ các dự án của tổ chức JICA (Nhật Bản). Ông Fumio Kato - Trưởng đại diện JICA tại Quảng Nam cho biết, đây là cơ hội để phía Nhật Bản xem xét lại hiệu quả của các dự án và tiếp tục có những hướng hỗ trợ tốt hơn cho nghệ nhân và nông dân. “Các bạn ở làng nghề truyền thống đều có ý hướng tốt nhằm phát triển sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để tiêu thụ ở nhiều thị trường khác, đặc biệt ở thị trường xuất khẩu, buộc các bạn phải cải thiện mẫu mã sản phẩm” - ông Fumio Kato nói. Cũng trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam”, nghệ nhân ở các ngôi làng có truyền thống lâu đời và đang phát triển du lịch cộng đồng cũng có dịp gặp gỡ nhau để cùng nhìn nhận về thách thức, khó khăn đang gặp phải với các chuyên gia bảo tồn của Nhật Bản.

Sự kiện “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam và Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” năm 2018 có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật được đầu tư công phu, mang âm hưởng trữ tình và nồng nhiệt thể hiện tình hữu nghị giữa Nhật Bản với Việt Nam nói chung và Quảng Nam cũng như Hội An nói riêng. “Qua sự kiện này, tỉnh Quảng Nam và các đối tác Nhật Bản đã tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị, góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu, hiệu quả và ngày càng bền chặt” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhìn nhận.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thắm tình bang giao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO