Thắm tình đất, tình người

TÂM AN 23/03/2013 08:17

Có theo chân những lão thành cách mạng về chiến trường xưa vào mỗi dịp trùng phùng, mới thấy tình đất, tình người, tình đồng chí, tình quân dân cá nước luôn đằm sâu hơn bất cứ thứ gì, qua thời gian. Tình cảm ấy ẩn nơi đôi mắt rớm lệ, nụ cười tỏa nắng hay trong cả những bài thơ viết vội tặng nhau…

Bên lề hội nghị tọa đàm về Bảo tồn và phát huy giá trị di tích căn cứ tỉnh ủy Quảng Nam thời kỳ chống Mỹ được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hồi cuối năm 2012 tại huyện Tiên Phước, các vị lão thành cách mạng, những chứng nhân lịch sử sống động của một thời kỳ đã có những giây phút không thể nào quên.

Dìu nhau lên những bậc tam cấp của hội trường UBND huyện Tiên Phước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Trần Thận nói với đồng đội: “Tôi về tham dự tọa đàm cái cốt yếu là để gặp anh em, việc tọa đàm về căn cứ chúng ta chỉ góp tiếng nói ủng hộ, còn anh em quan tâm nhau mới là quan trọng”. Cuộc hội ngộ lần ấy gần như đủ cả những khuôn mặt thân quen: ông Hoàng Minh Thắng (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) ở Hà Nội cũng về; các ông Nguyễn Thành, Lưu Văn Chính, Nguyễn Chính, Trần Kim Anh đều có mặt. Tay bắt mặt mừng, những người tóc bạc mắt mờ mừng nhau trong những cái ôm thật chặt. Ông Hoàng Minh Thắng xúc động: “Sống, chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam với tôi là một quãng đời không thể nào quên. Trong đó, từng người đều có một góc kỷ niệm riêng. Và nhất là nhân dân đã bao bọc cho chính quyền cách mạng, thật đáng kính trọng! Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày giải phóng, chiến trường xưa giờ “nằm” trong ký ức và ở lòng dân nhiều hơn. Vậy còn nhắc nhớ được thì cứ nhắc nhớ, để thế hệ trẻ hôm nay tìm về lại. Bởi có nơi, có lúc, có những gia đình nơi ấy còn khó khăn chật vật; vậy nên chính quyền phải quan tâm chăm lo một phần bằng tình cảm, tinh thần lẫn vật chất để đền đáp ân nghĩa của nhân dân”.

Còn bác Nguyễn Chính – nguyên cán bộ nghiên cứu Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam kể: “Tôi có nhiều năm làm việc, gần gũi với ba đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Trọng Hoàng, Trần Thận, Hoàng Minh Thắng nên hiểu rõ tình cảm mà anh em đã dành cho nhau trong những năm tháng chiến đấu gian khổ. Đó là quãng thời gian ấy, anh em cùng phục vụ nhân dân như người một nhà, lo lắng giúp đỡ nhau, chia nhau từng bát đường đen, cây kẹo, ly sữa, bánh lương khô. Điểm lại có nhiều người tôi không nhớ hết tên, nhiều đồng chí đã mất, nhiều người nghỉ công tác nhưng năm tháng gian khổ có nhau ấy đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm khó quên. Chỉ mong có dịp gặp lại để hàn huyên”.

Bất cứ cuộc trở về nguồn nào, đối với những lão thành cách mạng, đều mang ý nghĩa đặc biệt. Giữa năm 2011, Ban Tổ chức Khu ủy khu 5 đã thực hiện chuyến về nguồn tại căn cứ Nước Oa - Bắc Trà My sau gần 40 năm với các cán bộ cũ ở mọi miền đất nước. Chuyện bây giờ mới được kể lại, lần ấy cụ Lê Thanh Sơn (nay đã tròn 90 tuổi) cứ gọi tên từng người như sợ bỏ sót. Lần đó, ông Lê Văn Bơn đã viết một đoạn thơ dài được nhiều người chép: “Xa lâu rồi, biết bao những khát khao/ Nay gặp lại sướng vui trào nước mắt/ Nhớ tháng năm ta cùng nhau đánh giặc/ Củ chuối, rau rừng, hột muối cũng nhường nhau/ Chiến trường khu 5 bao núi thẳm vực sâu/ Đêm giá lạnh, đỉnh Trường Sơn heo hắt/ Sốt rét rừng không mền chăn đắp/ Đồng đội ôm nhau, chuyền hơi ấm cho nhau”. Bác Trương Thanh Hà – nguyên Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng Quảng Nam cũng nhắc lại 2 câu thơ từng được chuyền nhau, như lời tiên tri của những người làm cách mạng: “Bao giờ Tiên Lãnh ăn tiền/ Trà My đông chợ hai miền gặp nhau”.

Sau gần 40 năm giải phóng, những bậc lão thành cách mạng ở khắp mọi miền mỗi năm lại gặp nhau một lần vào dịp kỷ niệm quê hương giải phóng. Là người trong cuộc, nhưng họ vẫn cứ muốn được nghe những nhân chứng khác kể lại điểm mốc hào hùng của tháng 3 lịch sử, khi giải phóng Tiên Phước và các huyện lỵ khác, rồi lực lượng vũ trang của ta bao vây, uy hiếp bọn địch tiến tới giải phóng Tam Kỳ, Đà Nẵng…

TÂM AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thắm tình đất, tình người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO