Trước những ngày diễn ra Tết cổ truyền Chol Ch’nam Thmay (Campuchia) và Bunpimay (Lào), Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã cử 12 đoàn công tác đi thăm, tặng quà, khám chữa bệnh cho nhân dân 3 tỉnh Mondulkiri, Stung T’reng, Ratanakiri (Campuchia) và 4 tỉnh Sê Kông, Attapeu, Saravane, Champasack (Lào). Đoàn đã mang theo 4.934 suất quà (500 nghìn đồng/suất), tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 7.276 người dân, với tổng trị giá 3,345 tỷ đồng. Tại huyện Tà Veng, tỉnh Ratanakiri (Campuchia), Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Minh - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 cùng cán bộ Quân khu 5 và các y, bác sĩ, điều dưỡng viên Bệnh viện Quân y 17 đã tặng 400 suất quà và khám bệnh, cấp thuốc cho 1.100 người dân.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Minh - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 trao quà cho các hộ nghèo huyện Tà Veng. |
Mang niềm vui đến với đồng bào
Huyện Tà Veng gồm 2 xã Tà Veng Lơ và Tà Veng Crôm, là huyện vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Ratanakiri, nơi sinh sống của 8 dân tộc anh em. Nghe tin có đoàn bộ đội Việt Nam sang, từ các phum, làng xa xôi, bà con rủ nhau dậy thật sớm để về trung tâm huyện. Buổi tặng quà, khám bệnh, cấp phát thuốc diễn ra trong không khí đầm ấm, thắm tình hữu nghị, với sự có mặt của Trung tướng Mông-Then - Phó Tư lệnh Quân khu 1 (Quân đội Hoàng gia Campuchia), đại biểu chính quyền tỉnh Ratanakiri, huyện Tà Veng. Nhận những món quà thiết thân với cuộc sống (gạo, cá khô, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt), người dân nơi đây ai cũng phấn khởi. Ông Muông Pang - Chủ tịch huyện Tà Veng bày tỏ niềm xúc động: “Ân nghĩa của bộ đội Việt Nam chúng tôi không bao giờ quên. Trong chiến tranh, những người lính tình nguyện Việt Nam đã dùng máu đào để hồi sinh đất nước Chùa Tháp. Mới đây nhất, năm 2013, khi thiên tai ập đến gây thiệt hại nặng nề cho huyện Tà Veng, bộ đội Việt Nam, bộ đội Quân khu 5 đã kịp thời có mặt, nhường cơm sẻ áo cho nhân dân giữa lúc ngặt nghèo. Tết này các anh không quản đường xa, đến đây trao tận tay những món quà ý nghĩa, bà con chúng tôi vui mừng khôn xiết”.
Ông Thao Lươn - nguyên Huyện đội trưởng Tà Veng, đến khám bệnh đau cột sống, bảo: “Thuốc của Việt Nam tốt lắm, thầy thuốc bộ đội vừa giỏi, vừa tận tình nên dân làng đi khám rất đông”. Từng nhiều năm công tác cùng các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam, ông Thao Lươn khá sõi tiếng Việt nên tình nguyện làm phiên dịch cho đoàn y - bác sĩ suốt mấy ngày liền. Chị Lin Oi mang theo con trai Xơ Ơ Pinh 3 tuổi cầm trên tay 2 gói thuốc, hồ hởi nói: “Thuốc này cho mình uống chữa bệnh đau lưng, còn thuốc này chữa viêm xoang cho Xơ Ơ Pinh. Hôm nay vừa được nhận quà, vừa được nhận thuốc, mình cám ơn bộ đội Việt Nam nhiều lắm!”. Nghe các thầy thuốc hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng thuốc, ông Kui Dước bảo: “Tôi đã uống thuốc đau đầu, đau bụng do Việt Nam sản xuất, rất công dụng. Tôi bị nhức mỏi cơ, vừa nhận thuốc xong là uống ngay tại chỗ. Về nhà tôi sẽ bảo vợ đưa 6 đứa con, 3 đứa cháu ra đây để cả nhà đều được khám bệnh”.
Những sứ giả của tình hữu nghị
Còn nhớ ngày đầu khi mới sang, Campuchia đang bước vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa, trời chợt mưa chợt nắng, cộng với quãng đường hành quân qua nhiều dốc đèo khiến ai cũng mệt nhoài. Vậy mà, vừa đặt ba lô xuống, các thành viên đoàn công tác đã bắt tay ngay vào việc. Càng lúc số người đến khám bệnh càng đông.
Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 17 khám bệnh cho bà con huyện Tà Veng. Ảnh: Ngọc Diệp |
Không để bà con ở phum, làng phải chờ đợi lâu, các thầy thuốc đã làm việc cả buổi trưa không ngơi nghỉ. Nhằm khắc phục rào cản ngôn ngữ, các y - bác sĩ, dược sĩ đều tranh thủ học cấp tốc những câu giao tiếp thông thường, như: prức muôi (sáng uống một viên, chiều một viên), prức pi (sáng uống hai viên, chiều hai viên)... hay những câu hỏi: đau ở đâu, đầu có đau không, có tức ngực không… Gạt những giọt mồ hôi trên trán, Đại tá, bác sĩ Lê Văn Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 17 chia sẻ: “Phiên dịch của đoàn chỉ có 2 người nên chúng tôi nhờ thêm một số bà con biết tiếng Việt giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể cách sử dụng thuốc chữa bệnh, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh thông thường cho nhân dân. Đi khám bệnh đa số là người già, phụ nữ và trẻ em, phần lớn mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, đau cơ khớp, dạ dày, giun sán, bệnh ngoài da, đau răng, đau mắt đỏ, bệnh phụ khoa…”. Thiếu úy Nguyễn Quang Phục - bác sĩ khoa mắt chia sẻ: “Khối lượng công việc nhiều, thời gian có hạn nên chúng tôi phải nỗ lực hết mình để giải quyết công việc hiệu quả, tạo sự an tâm, tin tưởng cho bà con”.
Những ngày làm nhiệm vụ trên đất bạn trôi qua thật nhanh, trên đường về nước, chốc chốc đoàn công tác bắt gặp hình ảnh người dân Tà Veng dừng lại bên đường vẫy tay chào lưu luyến. Tiễn đoàn công tác đến tận cửa khẩu, Đại tá Ma Sô Văn Na - Phó Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Ratanakiri nói: “Chỉ có bộ đội Việt Nam mới đến được những nơi khó khăn, gian khổ như thế này. Việc làm chí nghĩa, chí tình của các anh đã vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 dân tộc, 2 quân đội và nhân dân 2 nước đời đời bền vững”.
Trước ngày lên đường, các thành viên đoàn công tác đã tìm hiểu về phong tục tập quán nước bạn, tình hình kinh tế, xã hội địa phương. Với quan điểm “giúp bạn là tự giúp mình”, thực hiện nghiêm kỷ luật dân vận, đoàn công tác chuẩn bị chu đáo quân tư trang, thuốc men, đảm bảo khâu hậu cần cho chuyến làm nhiệm vụ dài ngày trên đất bạn. Trong đoàn có 3 thành viên đã từng chiến đấu, công tác ở Campuchia. Đó là Trung tá chuyên nghiệp - lái xe Lê Quốc Huy, có 3 năm là chiến sĩ quân tình nguyện. Bây giờ trở lại “chiến trường xưa”, ông bồi hồi tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, nhớ tấm lòng của người dân Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam. Theo ông, cuộc sống mới của nhân dân Campuchia bên kia biên giới đã khác xưa rất nhiều, rõ nét nhất là đường sá được mở mang rộng rãi, nhà cửa hai bên đường đông đúc, chợ sầm uất, ngồn ngộn hàng hóa… Còn Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Văn Tân (chuyên khoa răng-hàm-mặt) 30 năm trước từng làm việc tại Bệnh viện 21 Mặt trận 579. Thuở ấy thuốc men thiếu thốn, các ông phải tự pha chế dịch truyền, băng bông có khi phải giặt đi giặt lại để tái sử dụng… Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Anh Ngọc (khoa Ngoại chung) 10 năm trước là chuyên gia y tế của Bệnh viện Quân khu 1, quân đội Hoàng gia Campuchia. Ông cùng đồng nghiệp đã hướng dẫn y - bác sĩ của bạn sử dụng thành thạo các trang thiết bị mới và trao đổi kinh nghiệm khám chữa bệnh; trực tiếp cứu chữa thành công nhiều ca bệnh khó. |
ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP