Dọc theo hai bên bờ sông Trường Giang giữa cái nắng thiêu đốt, nhiều phụ nữ nghèo ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành) đang nhọc nhằn mưu sinh bằng nghề cào nghêu. Họ được ví như những thân cò vất vả bên sông.
Phụ nữ cào nghêu vẫn miệt mài mưu sinh dưới cái nắng gay gắt. |
Vùng ven của xã đảo Tam Hải mùa này nắng gắt, nhưng hàng chục phụ nữ địa phương vẫn miệt mài với công việc cào nghêu dọc theo hai bên bờ sông, dưới tán rừng ngập mặn. Một cuộc mưu sinh có vị mặn của mồ hôi, nước mắt và cũng có cả vị tanh nồng của bùn lầy.
Dưới cái nắng như thiêu đốt, tại bến sông thôn Bình Trung (Tam Hải), nhiều tấm lưng đang lom khom mưu sinh với nghề cào nghêu. Họ cúi xuống dùng chiếc cào lưỡi sắt, cào lớp bùn đất trên bề mặt rồi nhanh tay nhặt lấy những con nghêu khi lưỡi cào chạm vào. “Năm năm nay tôi phải đi cào nghêu kiếm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày và lo tiền ăn học cho mấy đứa con. Nắng cũng như mưa, hễ ngày nào nước thủy triều rút là xuống sông, vất vả lắm” - chị Nguyễn Thị Hoa (một người làm nghề nạo nghêu ở Tam Hải) trải lòng. Lau nhanh những giọt mồ hôi, bà Lê Thị Hiền (người cùng làm với chị Hoa) mệt mỏi nói: “Nghề cào nghêu này một tháng giỏi lắm cũng chỉ được 15 ngày thôi, phụ thuộc vào con nước nhiều lắm. Nước xuống thì mới đi được, chứ nước lên là phải ở nhà, ai thuê cái gì thì làm cái đó, miễn sao có tiền để sống là làm”.
Dù vất vả, mỗi ngày họ chỉ kiếm được 3-4kg nghêu bán cho thương lái. Ảnh: NGUYỄN THIỆN |
Với đầm phá dài, thông với biển, ven sông Trường Giang là nơi có nguồn lợi thủy hải sản dồi dào, đặc biệt là con nghêu đang được thị trường ưa chuộng. Đây cũng chính là nguồn thu nhập của nhiều người dân địa phương. Công việc của những phụ nữ cào nghêu thường bắt đầu từ 5 giờ sáng hoặc sớm hơn, tùy thuộc vào con nước thủy triều. Mỗi ngày họ đi dọc đầm phá để cào nghêu. Trên nền bùn đất đầy những con ốc găm và mảnh sành sứ, theo nước sông cuốn vào, chỉ với đôi chân trần nhưng nhiều phụ nữ vẫn bước đi. Bà Hiền cho biết, do ngâm chân dưới nước bẩn suốt nhiều giờ nên nhiều người làm nghề này bị lở loét, ngứa, bệnh thấp khớp...; rồi thường xuyên bị rách da, chảy máu do đạp phải mảnh vỡ thủy tinh, vỏ ốc. “Nhiều lúc muốn bỏ để kiếm việc khác đỡ vất vả hơn, nhưng theo nghề riết rồi cũng quen. Mỗi ngày một người nạo được khoảng hơn 3kg nghêu, bán cho thương lái được khoảng 150 nghìn đồng. Có những đêm thủy triều rút sớm, chúng tôi phải thắp đèn để làm” - bà Hiền nói.
Làm việc cả buổi sáng, bữa cơm trưa là thời điểm mà hàng chục phụ nữ có thể nghỉ ngơi để lấy lại sức sau một thời gian làm việc vất vả. Đây cũng là khoảng thời gian họ tụ lại kể cho nhau nghe những thành quả của buổi sáng và chuyện trò về những phận đời gắn liền với con nghêu. Họ thường ăn ngay bên đầm, mỗi người mang theo một cái bao ni lông riêng để đựng thức ăn và bữa ăn của họ cũng đơn giản, chỉ có vài quả trứng, nhúm rau… Gắp vội miếng rau, bà Thúy tâm sự: “Vất vả đến mấy thì chúng tôi cũng cố gắng bám lấy nghề này thôi, bởi đây là nghề chính của chúng tôi suốt từ nhiều năm qua rồi”. Ở đầm ngập mặn thôn Bình Trung (Tam Hải) này, có những người già phải nuôi lấy thân mình, ở cái tuổi lý ra họ phải quây quần bên con cháu. Bà Nguyễn Thị Bốn (70 tuổi) có lẽ là người đặc biệt nhất trong số những “thân cò” ở đầm này, bởi tuổi đã cao, gia cảnh quá khó khăn nên bà kiêm đủ nghề. Cào nghêu là nghề chính của bà, nhưng hôm nào nước thủy triều lên không đi được thì bà Bốn lại theo chuyến đò qua sông, lên tận TP.Tam Kỳ bán vé số để kiếm thêm thu nhập…
ĐĂNG NGUYÊN - NGUYỄN THIỆN