Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với huyện Thăng Bình vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất hỗ trợ Thăng Bình phát triển hệ thống giao thông, tạo cú hích để địa phương phát triển công nghiệp.
Chưa đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, giá trị các ngành thương mại - dịch vụ của huyện đạt 342 tỷ đồng (40,24% kế hoạch năm) là một kết quả đáng ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2013. Tuy nhiên, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 235 tỷ đồng (32,64% kế hoạch năm) là tương đối ít. Nguyên nhân chính là việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện chưa đạt được kết quả như mong đợi. Vì địa phương chưa có kinh phí tạo mặt bằng “sạch” để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng tại nhiều cụm công nghiệp còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chưa được đầu tư.
Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được đã thu hút nhiều lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế huyện Thăng Bình. Ảnh: N.Q.V |
Theo ông Ngữ, hiện tại huyện Thăng Bình đã thực hiện được 463/1.390km giao thông nông thôn, 34/73 đường ĐH. Đồng thời huyện cũng đã thi công tuyến đường ĐH Bình An - Bình Quế theo chương trình vốn mục tiêu bố trí của tỉnh trong năm 2013 (8 tỷ đồng)… Hiện tại, các tuyến đường Kế Xuyên - Tây Giang, Bình Quý - Bình Phú và tuyến Thanh niên ven biển đã xuống cấp nặng nhưng huyện chưa có kinh phí sửa chữa. Một số dự án giao thông “bức xúc” như đường 14E vẫn chưa được nâng cấp, đường cầu Xuân An (từ đường 14E đi Phú Thọ - Quế Sơn vẫn chưa được đầu tư. Ông Ngữ đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí để huyện có thể khắc phục được những khó khăn về giao thông, phục vụ mục đích phát triển kinh tế lẫn nhu cầu dân sinh.
Hỗ trợ xây dựng hạ tầng
Hiện tại, trong 5 cụm công nghiệp của huyện Thăng Bình, Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được đã thu hút sự đầu tư của 8 doanh nghiệp, trong đó 5 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm gần 1.000 lao động địa phương. Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Tòng - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Quảng Nam cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được hoạt động tốt là một tín hiệu rất lạc quan. Đặt cụm công nghiệp này trong tương quan với hoạt động, sự phát triển của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Tòng cho rằng huyện Thăng Bình nên điều chỉnh lại quy hoạch, phân bổ lại sản xuất để UBND tỉnh nâng cấp cụm công nghiệp này thành khu công nghiệp. “Không cần phải đầu tư dàn trải, địa phương nên ưu tiên đầu tư thêm về giao thông, điện lưới… vào Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, đồng thời đề xuất sự hỗ trợ hợp lý của UBND tỉnh. Địa phương cần tranh thủ tối đa các nguồn hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và các nguồn lực của huyện để phát triển cụm công nghiệp này” - ông Tòng nói.
Về việc đầu tư, phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Thăng Bình, ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở Giao thông vận tải đề nghị tỉnh ứng nguồn vốn 5 tỷ đồng để huyện Thăng Bình có thể hoàn thành tuyến đường ĐH4 (xã Bình An - Bình Quế). Tuyến đường này đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư là 48 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 31 tỷ đồng. Năm 2013, UBND tỉnh bố trí 8 tỷ đồng để huyện đảm bảo đủ nguồn vốn mở thầu. Hiện nay, huyện đang thiếu 5 tỷ đồng nên đề xuất tỉnh ứng vốn. Đối với đề xuất của huyện Thăng Bình về việc hoàn thiện xây dựng các tuyến đường ĐH đã được thống nhất trước đây cũng như hỗ trợ kinh phí để huyện thanh toán nợ các tuyến đường ĐH đầu tư trong năm 2012 và cơ chế hỗ trợ các tuyến đường ĐX, ông Cận cho rằng trước mắt Thăng Bình cần báo cáo chi tiết việc triển khai các tuyến đường giao thông này để UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư để huyện Thăng Bình hoàn thiện tuyến đường ĐH4 và một số tuyến đường ĐH và ĐX khác. Tỉnh cũng sẽ xem xét hỗ trợ để huyện xây dựng cầu Xuân An, đảm bảo phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu dân sinh ở một số xã vùng tây mà cụ thể nhất là xã Bình Định Bắc. Về việc phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh chỉ đạo huyện ưu tiên tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư và coi đây là cú hích quan trọng nhất của sự phát triển toàn huyện. Để phát triển công nghiệp theo định hướng, huyện Thăng Bình cần chú trọng và có phương pháp thích hợp về đào tạo tay nghề cho người lao động, ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Huyện Thăng Bình cũng nên chú trọng giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. “Đây là công việc chung, phát triển của toàn huyện và đem lại hiệu quả cho chính người dân, bởi vậy địa phương nên lắng nghe tâm nguyện của người dân, đồng thời giải thích xác đáng việc giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp để người dân thấu đáo” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.
Nguyễn Quang Việt