May mặc và giày da buộc phải đóng cửa, chuyển giao cho đơn vị khác cùng một số dịch vụ hoạt động kém hiệu quả khiến Hợp tác xã (HTX) Duy Sơn 2 (Duy Xuyên) lâm vào tình cảnh khó khăn. Vậy nhưng, với tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, đơn vị đã làm nên những kỳ tích mới...
Sa sút…
Tháng 10.1978, HTX Duy Sơn 2 chính thức thành lập với 1.977 thành viên. Sau một thời gian ngắn, đơn vị khiến cả nước phải ngưỡng mộ khi xây dựng được công trình thủy điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân địa phương. Từ đó, làng quê nơi đây nhanh chóng đổi thay với kết cấu điện, đường, trường, trạm rất khang trang, hiện đại. Thế nhưng, sau thành công ấy là cả một câu chuyện dài về sự thăng trầm. Đặc biệt, kể từ khi “lấn sân” sang đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, HTX rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Ông Nguyễn Phước Ly - Phó Giám đốc HTX Duy Sơn 2 cho biết, giai đoạn 2006 - 2008 là thời điểm mà hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị gặp muôn vàn khó khăn do chịu tác động từ nhiều phía. Ông Ly nói: “Thời điểm đó, HTX quản lý, vận hành cơ sở gia công giày da, tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động. Vậy nhưng, khi Hoa Kỳ áp dụng luật chống bán phá giá mặt hàng này cùng một số yếu tố bất lợi khác, đơn hàng của HTX ngày càng hiếm hoi, giá gia công lại giảm xuống dẫn đến thu không đủ bù chi. Cầm cự đến năm 2008, chúng tôi đành phải bán cơ sở lại cho Công ty Khoáng sản miền Trung với giá 8,3 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng. Tiếp sau đó, HTX chuyển sang đầu tư phát triển ngành may mặc nhưng đến năm 2010 cũng bị thua lỗ nghiêm trọng nên buộc phải bán lại Xí nghiệp May Văn Sơn đóng chân tại Cụm công nghiệp Gò Dỗi cho Công ty CP May Hòa Thọ với giá 1,8 tỷ đồng”.
Những năm qua, HTX Duy Sơn 2 có nguồn thu khá từ việc liên kết gia công các mặt hàng mây tre đan bán thành phẩm. Ảnh: HOÀI NHI |
Không chỉ vậy, cách đây hơn 1 năm, sự thất bại của khu giết mổ gia súc tập trung cũng làm đơn vị một phen lao đao. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Giám đốc HTX Duy Sơn 2 cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh, đơn vị tiến hành xây dựng khu giết mổ này trên diện tích hơn 1.000m2 với công suất khoảng 50 con heo/ngày đêm. Công trình có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng, còn HTX đầu tư 500 triệu đồng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4.2013. Thế nhưng, sau 6 tháng mở cửa, doanh thu từ khu giết mổ gia súc tập trung này chỉ đạt 70 triệu đồng, trong khi chi phí lên đến 72 triệu đồng.
Bước sang năm 2014, khu giết mổ này tiếp tục hoạt động èo uột khiến đơn vị lại phải bù lỗ thêm hàng chục triệu đồng. Và rồi, từ tháng 4 năm ngoái đến nay HTX Duy Sơn 2 đành phải bỏ hoang cơ sở này vì không có điểm giết mổ nhỏ lẻ nào đưa gia súc về đây giết thịt theo yêu cầu của cơ quan thú y cũng như chính quyền các xã Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Trung. Ông Tấn nói: “Thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên cùng chính quyền các địa phương vừa nêu cần vào cuộc quyết liệt để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và có chế tài xử phạt kiên quyết đối với các hộ chây ì, không chịu đưa gia súc đến khu giết mổ tập trung. Vậy nhưng, sau vài lần các đơn vị liên quan ra quân xử lý thì đâu cũng lại vào đấy. Một khi các cơ quan có trách nhiệm không xử lý những điểm giết mổ nhỏ lẻ ấy thì tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn sẽ là mối lo của cộng đồng”.
Nỗ lực vươn lên
Có một thực tế, dường như sau mỗi thất bại, HTX Duy Sơn 2 lại vùng lên mạnh mẽ hơn. Những năm gần đây, ngoài việc tiếp tục đầu tư một số khâu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống hàng hóa theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm, trồng rừng nguyên liệu, cung ứng giống và nước tưới cho cây trồng thì dịch vụ kinh doanh điện năng được xem là vấn đề sống còn đối với đơn vị. Ông Nguyễn Phước Ly - Phó Giám đốc HTX Duy Sơn 2 cho biết, thời gian qua đơn vị đảm nhận việc quản lý, vận hành và bán điện trực tiếp cho hơn 4.000 khách hàng, tập trung chủ yếu ở các thôn Trà Kiệu Tây, Trà Châu, Chiêm Sơn, Kiệu Châu, Phú Nham Đông (xã Duy Sơn) theo giá quy định của Nhà nước. Nhờ điều hành tốt dịch vụ điện nên HTX được UBND tỉnh cho tiếp nhận toàn bộ lưới điện trung thế gồm gần 5,5km đường dây, 6 trạm biến áp có dung lượng 790kVA và 17km đường dây hạ thế với tổng giá trị hơn 5,6 tỷ đồng.
Ông Ly nói: “Có thể khẳng định, những năm qua dịch vụ cung ứng điện năng mang lại hiệu quả khá cao cho đơn vị chúng tôi. Riêng năm 2015, HTX cung cấp cho khách hàng 5 triệu kWh điện và tổng doanh thu từ dịch vụ này đạt hơn 12,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 110 triệu đồng”. Bên cạnh đó, năm 2009 HTX Duy Sơn 2 hình thành xí nghiệp sản xuất nước uống đóng chai mang thương hiệu DSC. Từ đó đến nay bình quân mỗi năm đơn vị bán ra thị trường 21.600 bình nước uống loại 20 lít và nhiều sản phẩm loại chai nhựa nhỏ, đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng. Mặt khác, HTX cũng liên kết với một tư nhân ở TP.Đà Nẵng duy trì việc gia công những mặt hàng mây tre đan bán thành phẩm, hàng năm thu về 443 triệu đồng...
Ông Phạm Văn Du - Giám đốc HTX Duy Sơn 2 cho biết, hiện giờ đơn vị có tổng số 2.170 thành viên. Nếu lúc đầu (năm 1978) vốn góp của mỗi cổ phần chỉ 100 đồng thì nay tăng lên 500 nghìn đồng. Sau khi hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012, đơn vị tập trung triển khai nhiều giải pháp để xử lý nợ tồn đọng gắn liền với sắp xếp lại các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nhờ vậy, từ năm 2013 đến nay HTX đã vượt qua những thách thức, tạo thêm việc làm cho gần 150 lao động địa phương với mức thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Du chia sẻ: “Từ khi chuyển sang mô hình HTX kiểu mới, năm nào đơn vị chúng tôi cũng có mức lãi ròng ít nhất là 300 triệu đồng. Riêng năm 2015, HTX đạt doanh thu hơn 14 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2014 và vượt gần 17% so với chỉ tiêu đề ra. Nhờ doanh thu cao nên năm ngoái HTX Duy Sơn 2 nộp ngân sách nhà nước 1,2 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời chia lãi vốn góp cho thành viên 137 triệu đồng, tăng 8,2% so với năm 2014, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất cho người dân và đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
HOÀI NHI