Thánh Gióng bay về đâu?

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 16/05/2015 09:12

Rõ là một câu hỏi vớ vẩn. Và thừa. Thì về Trời, chứ về đâu nữa! Đúng rồi, về Trời. Bởi vì, sách giáo khoa lớp 6 đã chép rõ-ràng-ràng, rằng: Thời vua Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân bên Tàu sang xâm chiếm nước ta. Làng nọ có cậu bé lên ba xin được đi đánh giặc. Nhờ dân làng nuôi ăn với ba nong cà bảy nong cơm, cậu bé lớn nhanh như thổi rồi nhảy lên ngựa sắt, ra trận đánh quân giặc tan tác; xong, cỡi ngựa bay thẳng lên Trời. Dân chúng nhớ ơn, lập đền thờ và tôn thánh… Hiện nay, hội Gióng được tổ chức long trọng tại nhiều nơi trong đó có hai nơi là: hội Gióng ở đền Sóc Sơn (tại núi Sóc huyện Sóc Sơn, ngày 6.1 âm lịch) và hội đền Phù Đổng (tại xã Phù Đổng huyện Gia Lâm, ngày 9.4 âm lịch) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ghi dấu cho sự kiện văn hóa này của địa phương mình, đã từ xa xưa, phong dao Kinh Bắc có câu: “Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu cũng kéo về xem hội Gióng”.

Thử click chuột vi tính, thì thấy trên mạng còn có… đủ thứ thông tin thuộc loại “tưởng tượng” về Thánh Gióng, ví như: Ông thuộc dòng dõi đế vương; hoặc ông là… một con rắn lấp lánh đầu thai vào một cung phi… theo kiểu chuyện phong thần của tiểu thuyết Tàu. Nhưng… thôi vậy, chẳng bõ mất thời gian! Để hỏi: Thánh Gióng bay về đâu?

Ừ thì về Trời! Nhưng Trời ở đâu? Ở những khoảng cao xanh vời vợi kia ư? Trong mắt nhìn của người thường, có lẽ không phải. Vì hư không là “chuyện” của các nhà khoa học và các bậc  đạo sư. Với dân gian, Trời là… Đời. Bởi vì, gặp chuyện sướng hay khổ gì cũng đều gọi: Trời ơi! Bởi vì, Trời là ảnh chiếu của bao ước mơ, là nơi lưu giữ tất cả dấu vết của lịch sử con người. Bởi vì, sau bất cứ cuộc chiến tranh nào, con số giữa người thăng quan tiến chức và người trở về với cuộc sống thường nhật luôn là một tỷ lệ nghịch rất cao. Thánh Gióng ra đi từ trong lòng những người dân chân bùn tay lấm để chiến đấu cho sự sống - còn của chính bà con mình thì phải trở về với quê nhà gốc rạ. Lan man liên tưởng, thì hẳn nhiều người còn nhớ đến những người nông dân - chiến sĩ trong chiếc xe tăng đầu tiên húc ngã cánh cổng Dinh Độc lập ngày 30.4 của 40 năm trước. Sau cái ngày ấy, họ trở về quê nhà ở miền Bắc, lặng lẽ trước bao lời ồn ào khoa trương… Phải đến năm 1995, một tờ báo mới phát hiện ra sự thật này… Nhưng chính những “người trong cuộc” đã làm nên phút giây chói lòa ấy thì lại không hề bận lòng: họ là những Thánh Gióng của nhân dân mà!

Và phải chăng, dân tộc này đất nước này còn tồn tại đến hôm nay, chính là nhờ những Thánh Gióng lặng thầm như thế?

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thánh Gióng bay về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO