Ngày 10.10.1954 là mốc son lịch sử, mở ra thời kỳ phát triển mới của thủ đô Hà Nội và của cả đất nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp, dưới sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (ngày 23.9.1945) và phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19.12.1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc, cứu nước. Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn.
Lực lượng cách mạng tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội vào ngày 10.10.1954. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Mốc son lịch sử
Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt chiến thắng trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20.7.1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Lợi dụng thời gian này, địch thực hiện các kế hoạch phá hoại cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. Biết trước âm mưu của chúng, ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản thủ đô một cách trọn vẹn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp nhân dân thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.
Đúng 16 giờ ngày 9.10.1954, những lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10.10.1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Đến 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng!
Bảo vệ thành quả cách mạng
Trong 10 năm (1954 - 1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng và phát triển với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, sáng tạo. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc; đời sống nhân dân được cải thiện. Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Thanh niên thủ đô đã dấy lên phong trào “Ba sẵn sàng”; phụ nữ thủ đô dấy lên phong trào “Ba đảm đang” và đã nhanh chóng lan ra trở thành phong trào chung của cả nước.
Năm 1999, Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2000, Chủ tịch nước ký bằng tặng thưởng TP.Hà Nội danh hiệu “Thủ đô anh hùng” vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm năm liền (2008 - 2012) thành phố được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (lần thứ 3). Ngoài ra, còn có nhiều tập thể, cá nhân của thành phố được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Nhà nước. |
Ngày 29.6.1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12.1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân chủng, binh chủng, các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, rút quân đội viễn chinh về nước.
Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vượt qua những khó khăn, thử thách mới trong tình hình các thế lực thù địch ra sức tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội một mặt khẩn trương khôi phục những cơ sở kinh tế, văn hóa bị chiến tranh tàn phá, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; mặt khác cùng cả nước từng bước tháo gỡ khó khăn để đi lên.
Bước tiến trong đổi mới
Năm 2013, với số dân chiếm 7,84% dân số cả nước, thành phố Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP; 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển; 19,73% thu ngân sách (trong đó, thu nội địa đóng góp 26,67%) và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước. (Số liệu sử dụng trong bài do Thành ủy Hà Nội cung cấp) |
Chuyển sang giai đoạn đất nước đổi mới (từ năm 1986) kinh tế Hà Nội liên tục tăng trưởng cao, phát triển theo hướng bền vững, từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) đến nay, kinh tế Hà Nội tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2008 - 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,23%/năm. Trong đó, dịch vụ tăng 9,8%; công nghiệp - xây dựng 9,26%; nông - lâm nghiệp và thủy sản 3,74%. Riêng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2014 tăng 7,4%, bằng khoảng 1,5 lần mức tăng cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 (giá thực tế) tính theo GRDP ước đạt 70 triệu đồng, gấp 4,49 lần năm 2005 (15,6 triệu đồng). Nếu cơ cấu kinh tế của Hà Nội năm 2008 lần lượt là: dịch vụ 52,3%; công nghiệp - xây dựng 41,2%; nông - lâm nghiệp và thủy sản 6,5%, thì năm 2014 tương ứng là: 53,5%; 41,7% và 4,8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8,24%/năm, trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 14,4%.
Cùng với phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán đẹp của văn hóa Tràng An, xứ Đoài ngày càng được phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã có những chuyển biến tích cực với nhiều nội dung hoạt động phong phú. Các mô hình gia đình, làng bản, tổ dân phố, đơn vị văn hóa dần dần ổn định và tiếp tục phát huy vai trò tích cực, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Thành phố cũng là địa phương đi đầu cả nước trong phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục trung học phổ thông và trong đào tạo. Hàng năm, thành phố giải quyết việc làm cho hơn 133 nghìn lượt lao động; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2013 giảm còn 2,35%...
Với vị thế là “trái tim” của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trong những năm tiếp theo, Hà Nội phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội nêu cao quyết tâm xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc nghìn năm văn hiến…
KIẾN TÂN