Chứng kiến khoảnh rừng bị tàn sát, nhìn những dòng sông, con suối chuyển màu ô nhiễm mà không khỏi xót xa. Không chỉ đến tận nơi “sắm vai” tìm hiểu, mà cả những thao thức với từng con sông, rừng cây... để đấu tranh với sai phạm qua từng trang viết..
“Lội” vào vùng ô nhiễm
Một ngày giữa tháng 3.2018, nhận tin báo, chúng tôi lập tức có mặt tại hiện trường đập chứa xái quặng của Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 thuộc địa bàn xã Tam Lãnh (Phú Ninh), nằm gần bãi vàng Bồng Miêu đã đóng cửa hoạt động. Một bãi xái quặng khổng lồ nằm chình ình trong nhà máy. Bị cấm sản xuất, công ty lấy cớ bảo trì máy móc lén lút chế biến quặng, sẵn sàng chống chế lực lượng chức năng và người dân nếu bị phát hiện. Thế nhưng, sự cố vỡ bờ đập năm ngoái khiến nhiều vị trí chứa quặng chảy tràn ra gần khu dân cư. Lần theo manh mối này, chúng tôi phát hiện nhiều đường ống âm sâu dưới lòng đất, đấu nối trực tiếp ra sông Tam Lãnh, đoạn chảy qua thôn Trà Sung, xã Tam Lãnh. Tiếp cận thêm hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, thấy rõ sai phạm của công ty khi lắp đặt các dụng cụ máy móc chế biến quặng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Và sau khi báo chí và người dân lên tiếng, nhà máy chế biến quặng đuôi này bị buộc đóng cửa.
Nhiều năm nay, tần suất thông tin khai thác vàng trái phép, nhiễm độc nguồn nước sông Bồng Miêu xuất hiện dày đặc trên mặt báo. Những dòng tin ấy, trở nên quá cũ với bạn đọc, nhưng là phóng viên bám mảng môi trường, tôi không được phép bỏ sót tin. Nó như nhiệm vụ của người làm báo là phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về số phận của một “dòng sông đen”. Phán ảnh tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ phản ánh bằng mắt thấy, tai nghe, mà còn được chứng minh qua con số khoa học. Năm năm nay, Sở Tài nguyên - môi trường luôn quan trắc nhiều vị trí nguồn nước ở sông Bồng Miêu và hầu hết thông số hóa học đều cho thấy tình trạng ô nhiễm; nhất là kim loạt sắt có thời điểm vượt giới hạn cho phép gấp 89,4 lần. Sự cảnh báo, dự báo của báo chí luôn không thừa, bởi ngoài đưa tin thông tấn, anh còn phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của cộng đồng sống chung với con sông bị nhiễm độc và không thể có thái độ dửng dưng với các hành vi hủy hoại môi trường.
Sắm vai
Để có những bài báo nóng hổi về đề tài môi trường, có khi phóng viên phải trắng đêm mật phục, đóng vai kẻ phu vàng, lâm tặc, cán bộ đo đạc địa chất. Trong một đêm tá túc nhà dân ở Bà Xá (thôn 8, xã Phước Hiệp, Phước Sơn), chúng tôi đã ghi được cảnh tượng cày nát con sông Trường để khai thác vàng sa khoáng. Tiếng động cơ nổ bành bạch thâu đêm, khiến trẻ em giật mình, khóc nức nở. Âm thanh của máy móc, thiết bị khai thác vàng lúc nửa đêm gần như phá vỡ cuộc sống bình yên của người dân sống dọc ven sông Trường. Cuối cùng, phóng sự “Mất ngủ ở Bà Xá” cũng được tôi viết xong trong đêm.
Với những vụ xâm hại tài nguyên rừng đình đám, một số người dân hiền lành phải vào tù do thiếu hiểu biết pháp luật. Ngoài đưa tin, phản ánh, ghi nhanh, chúng tôi còn phải đan xen phóng sự, phỏng vấn. Đơn cử, một thời không xa, cả xã Trà Bui (Bắc Trà My) đồng loạt đi phá rừng phòng hộ Sông Tranh. Qua thể loại phóng sự, hiện thực không chỉ những cây cổ thụ bị triệt hạ không thương tiếc, mà phía sau là tiếng thở dài, nhức nhối của xã hội. Bởi cả xã đi phá rừng là hậu quả tất yếu khi người dân tái định cư thủy điện mất đất sản xuất, bị đẩy vào rừng phòng hộ dựng nhà, sinh sống.
Và hạnh phúc
Bên cạnh những vấn đề nhức nhối của đời sống buộc phóng viên phải “sắm vai” để tìm hiểu đúng sự thật, đúng bản chất vấn đề; cũng có những tác phẩm báo chí ra đời từ việc chúng tôi được tận hưởng bầu không khí trong lành, được truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên bất tận của những người giữ biển đảo quê hương. Từ một Cù Lao Chàm hoang sơ cách đây hơn 15 năm, chúng tôi từng đến tìm hiểu, viết bài về việc người dân ở bãi Làng, bãi Ông, bãi Chồng, bãi Hương tự đặt ra hương ước bảo vệ rừng, tức chỉ được phép khai thác những tàn cây khô, xử lý thật nặng các hành vi xâm hại cây cổ thụ.
Có lẽ, nơi đầu sóng ngọn gió, người dân xã đảo xem rừng là nhà, vì thế mấy chục năm qua hiếm thấy xứ này xảy ra phá rừng, cháy rừng. Khi viết về thái độ ứng xử của con người với thiên nhiên, tôi rất thích thú khi ngợi ca Cù Lao Chàm với mô hình nói không với túi ny lon, rác thải nhựa, bảo tồn phục hồi san hô, chuyển vị rùa biển. Và cũng chính vì lo lắng sợ “rừng nhiệt đới” dưới đáy biển bị tổn thương, mà gần đây dường như giới truyền thông không mấy ủng hộ việc mở tuyến kinh doanh du lịch đường thủy Đà Nẵng - Cù Lao Chàm. Điều may mắn hơn là tôi được tiếp cận các nhà khoa học đam mê đại dương, trong đó có TS.Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm). Ông là người đưa ra ý tưởng mô hình đồng quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, giúp ngư dân xã đảo thay đổi nhận thức và lấy bảo tồn phục vụ cho lợi ích kinh tế.
Tốc độ phát triển kinh tế nhanh gây ra không ít áp lực cho cơ quan quản lý, người làm công tác bảo vệ môi trường. Viết đề tài về môi trường có khi chạm đến nhóm lợi ích, đến vấn đề kinh tế - xã hội, chính trị nhạy cảm nên đòi hỏi người làm báo phải bản lĩnh, có đủ kỹ năng, kiến thức chuyên môn sâu và chính mình phải có thái độ ứng xử đẹp với thiên nhiên.