Tại một số vùng xung yếu ở các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, ngoài đối diện với nguy cơ sạt lở ven sông, người dân lại lo sạt lở núi. Ứng phó với sạt lở đang là nhiệm vụ cấp bách của các địa phương.
Kề miệng “hà bá”
Sau mấy đợt bão lũ hồi tháng 10, không ít hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở nghiêm trọng ở Nông Sơn lo lắng, bất an khi từng mảng đất ở, đất vườn dần lở xuống sông. Gia đình bà Nguyễn Thị Thảo (thôn Trung Hạ, Quế Trung, Nông Sơn) luôn bất an, lo lắng khi căn nhà dưới của gia đình hiện đã kề miệng “hà bá”, ngay cả bờ kè bảo vệ cũng dần bị xói lở.
Nhiều nhà lân cận gia đình bà Thảo đã trồng tre giữ đất nhưng nhiều bờ tre bị nhào xuống sông; đóng cọc, đổ bê tông giữ đất cũng bị xói lở. Đáng nói, gia đình bà Thảo được địa phương vận động di dời, song vì còn khó khăn và đã quen với nơi cũ, bà “đi không nỡ, ở chẳng xong”.
Tại thôn Tân Hà (Đại Lãnh, Đại Lộc), hộ ông Tăng Tơ cũng nơm nớp lo trong mùa mưa lũ. Căn nhà ông Tơ nằm sát sông Vu Gia đã bị xâm thực mạnh, nặng nhất là sau cơn bão số 6 vừa qua. Dù ông đã được địa phương, các đoàn thể chung tay hỗ trợ xây bờ kè bằng rọ đá, kè mềm bằng bao cát để bảo vệ, song đây chỉ là giải pháp tạm thời...
Tương tự, một nhóm hộ dân sống dọc sông Vu Gia đoạn qua thôn Hà Thanh (Đại Đồng, Đại Lộc) cũng đang lo lắng khi sông xâm thực mạnh. Anh Lê Viết Lai chỉ cho chúng tôi căn nhà của gia đình đã kề miệng “hà bá”. “Mép nước sông cách nhà dưới của tôi 10 - 15m nhưng chừ đã sát móng rồi. Bên dưới hoẳm vào nên cả tháng nay tôi rất lo, ban đêm không dám để vợ con ngủ ở nhà bởi quá nguy hiểm” - anh Lai nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vỹ - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, địa phương đã nhận được kiến nghị của 4 hộ dân về tình trạng sạt lở và đã cử người xuống kiểm tra, xác định kiến nghị của bà con là có cơ sở. Xã đã báo cáo lên huyện và các cơ quan chức năng. Cũng theo bà Vỹ, đây là các hộ dân có nhà cửa kiên cố nhưng do sạt lở ngày càng nghiêm trọng nên cuộc sống đang khó khăn...
Hiểm họa sạt núi
Chị Nguyễn Thị Tư (thôn Tứ Trung, Quế Lâm, Nông Sơn) vẫn còn sợ hãi khi kể về trận sạt lở núi khiến căn nhà bị sập, hư hại. Trong bão số 6, mưa kéo dài đã làm quả đồi sau nhà nứt ra, từng mảng đất đổ xuống khiến căn nhà chị bị hư hại nặng, không thể ở được.
“Khi vợ chồng, con cái đang ở trong nhà thì nghe ầm ầm, tá hỏa chạy khỏi nhà. Thì ra nguyên một quả đồi đổ xuống, đất đá tràn hết vào nhà, đồ đạc bị vùi lấp hết; tường, sườn nhà cũng bị nứt toác, không thể ở được nữa. Cũng may là lúc đó vợ chồng, con cái tôi thoát kịp” - chị Tư kể.
Tại Đại Quang (Đại Lộc) nhiều nhà dân thôn Trường An sống dưới chân đồi Núi Lở cũng không yên khi nguy cơ sạt lở hiển hiện. Sau bão số 6, mưa lớn nhiều ngày khiến chân đồi có dấu hiệu rạn nứt, sạt lở nhẹ. Chính quyền, ngành chức năng các cấp đã kịp thời gia cố lại vị trí sạt lở, triển khai di dời khẩn cấp 17 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ trước khi có tin bão lũ tràn về. Song, về lâu dài, chủ trương của địa phương là sẽ di dời đối với 17 hộ ra khỏi vùng xung yếu.
“Cả tháng nay tôi quá lo khi xem ti vi thấy chỗ này sạt núi, chỗ kia lở đồi. Cứ bão lũ tới là phải đi, không ai được ở lại” - ông Nguyễn Xuân Linh (một người dân ở khu vực Núi Lở) cho biết.
Theo ông Hoàng Xuân Thọ - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Trường An, khi có hiện tượng lở, xã, huyện và tỉnh đã về khảo sát, gia cố và đang có hướng lập kế hoạch di dời 17 hộ ra khỏi khu vực dưới chân đồi Núi Lở. Tuy nhiên, việc di dời gặp khó khăn, làm sao để người dân có điều kiện xây nhà, an cư lạc nghiệp. Ông Hồ Quách Triều Đổng - Chủ tịch UBND xã Đại Quang xác nhận, số hộ dân sống ở vùng có nguy cơ và dấu hiệu sạt lở trên thuộc hai thôn Song Bình và Trường An.
“Trước khi có thông tin bão lũ, địa phương kịp thời vận động toàn bộ người dân khu vực có nguy cơ đến nơi an toàn tránh trú bão lũ, đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con. Phải sau bão lũ, các cấp mới tính đến việc thực hiện phương án ứng phó lâu dài” - ông Đổng nói.
Hiện, 5 hộ dân sống dưới chân đồi tiền đồn Thượng Đức (Tân Hà, Đại Lãnh, Đại Lộc) đã bớt hoang mang, nhưng vẫn đầy nỗi lo khi 5 căn nhà đã bị quả đồi lớn đổ ập xuống gây thiệt hại nặng. Hộ bị thiệt hại nặng nhất là ông Lê Văn Cảm, cả căn nhà rộng lớn bị đất đá từ núi ập xuống gây đổ tường, xiêu vẹo nhà, đất đá tràn vào hết trong nhà, vùi lấp tất cả đồ đạc, tài sản. Bốn hộ khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điểm sạt lở núi này còn có nguy cơ tiếp diễn.
Theo ông Ngô Xuân Yến - Bí thư Đảng ủy xã Đại Lãnh, sau bão lũ, chính quyền các cấp và người dân họp tìm phương án thống nhất, còn tạm thời, bà con đã được bố trí ở nơi khác, tạm ổn định đời sống để chờ phương án giải quyết. Hiện địa phương gặp khó về quỹ đất bố trí tái định cư. Qua khảo sát ý kiến, người dân mong muốn được bố trí ở lại tại chỗ, với điều kiện đưa phương tiện cơ giới múc hết đất tại khu vực đang sạt lở, xây bờ kè, taluy chắn sạt lở bảo vệ khu dân cư...