Thấp thỏm qua cầu tre Trà Long (clip)

PHAN VINH 19/07/2018 15:56

(QNO) - Những năm qua, người dân ở tổ 2, thôn Trà Long, xã Bình Trung (Thăng Bình) khi đi ra đồng phải qua một chiếc cầu tre nhỏ rất nguy hiểm. Dự án kiên cố hóa chiếc cầu đã được phê duyệt nhưng không thể triển khai do dân không đóng góp đủ tiền đối ứng là khoảng 100 triệu đồng.

Chiếc cầu tre yếu ớt nhưng hằng ngày phải gánh nhiều lượt nhiều qua lại. Ảnh: PHAN VINH
Chiếc cầu tre yếu ớt nhưng hằng ngày phải "gánh" nhiều lượt nhiều qua lại. Ảnh: PHAN VINH

Bất chấp nguy hiểm

Bà Lý Thị Thú (52 tuổi, tổ 2, thôn Trà Long, xã Bình Trung, Thăng Bình) có 5 sào đất lúa nhưng bị ngăn cách bởi con suối. Hằng ngày, trên đường ra đồng, bà phải liều mình đi qua chiếc cầu tre vừa hẹp vừa xuống cấp nghiêm trọng. Chiếc cầu chỉ là vài chục cây tre được bó buộc lại với nhau, phía trên có một cây tre dài để bám víu, phía dưới cầu cũng được chống bằng tre khá nguy hiểm.

“Đi bộ qua một mình thì tôi không dám đi, mỗi lần muốn qua cầu phải chờ ai đó đến rồi đi cùng. Lỡ mình có... rớt xuống suối thì cũng được phát hiện và cứu. Ở đây họ rớt nhiều lần rồi, có người gãy chân, gãy tay nhưng hên là ai cũng được cứu sớm. Nguy hiểm nhất là lúc thu hoạch lúa. Nhà có đàn ông thì họ vác lúa qua cầu chứ phụ nữ thì chịu. Nhà tôi không có đàn ông nên phải thuê người vác qua cầu, cứ 1 bao lúa là 10 nghìn đồng. Làm nông mà như vậy vừa khổ vừa không lời lãi gì” – bà Thú chia sẻ.

Có khoảng 40 hộ dân đang canh tác ở bên kia con suối. Ảnh: PHAN VINH
Có khoảng 40 hộ dân đang canh tác ở bên kia con suối. Ảnh: PHAN VINH

Được biết, ngoài con đường này, người dân có thể đi được đường khác để ra đồng, nhưng thay vì qua cầu tre dài 20m thì họ phải đi vòng xuống thôn Tứ Sơn, qua thôn Tứ Thăng rồi mới quay lại được cánh đồng, đoạn đường ước chừng khoảng hơn 7km. Đây cũng là đoạn đường mà ông Nguyễn Tấn Đợi (42 tuổi, tổ 2, thôn Trà Long, xã Bình Trung, Thăng Bình) phải đi vì ông lái máy cày sang đồng để cày cho 2 sào ruộng của mình và làm dịch vụ.

Ông Đợi nói: “Đi đường vòng thì xa cho mình, chứ nào có dám lấy hơn đồng nào với bà con. Tiền xăng dầu di chuyển tôi phải chịu vì mức giá bà con quy định như vậy rồi. Tôi cực một mà người làm nông ở cánh đồng này cực mười. Bởi quanh năm suốt tháng phải đi cầu tre, quá sức nguy hiểm”.

Cũng theo nhiều người dân ở đây, mỗi năm, cứ vào mùa lụt thì cầu tre bị cuốn trôi theo dòng nước. Đến khi nước rút, người dân lại tiếp tục chung tiền lại với nhau làm cầu mới, kinh phí gần 5 triệu đồng. Những năm không có lụt, người dân cũng phải tốn tiền tu sửa lại cầu, kinh phí cũng rất lớn.

Chờ tiền đối ứng từ nhân dân

Theo thông tin từ UBND xã Bình Trung, việc kiên cố hóa chiếc cầu bắc qua suối tại cánh đồng tổ 2, thôn Trà Long, xã Bình Trung đã được địa phương tính toán và xin chủ trương từ cấp trên từ nhiều năm trước. Bởi cánh đồng rộng gần 15ha này là nơi canh tác và là nguồn thu nhập chính của gần 40 hộ dân. Nên việc xây dựng mới chiếc cầu là điều hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

Mời bạn đọc xem clip:

.

Cuối năm 2016, dự án xây dựng chiếc cầu này được UBND huyện Thăng Bình phê duyệt và giao cho UBND xã Bình Trung làm chủ đầu tư. Kinh phí xây dựng chiếc cầu trích từ nguồn vốn theo Nghị định số 42/2012 ngày 11.5.2012 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và kinh phí đối ứng được thu từ người dân. Dự án với tổng kinh phí khoảng 550 triệu đồng, trong đó người dân đối ứng khoảng 20% (tức gần 100 triệu đồng).

Ông Lê Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết, địa phương đã giao cho Ban nhân dân thôn Trà Long tổ chức thu phí xây dựng cầu đối với những hộ dân có diện tích đất canh tác ở cánh đồng bên kia suối. Với mức thu 250 nghìn đồng mỗi sào đất.

“Tuy nhiên, đến nay, chỉ có vài hộ chịu đóng tiền. Số tiền thu được nằm ở khoảng gần 8 triệu. Điều này là rất khó để địa phương triển khai thi công công trình. Bởi phải có vốn đối ứng thì mới xin được nguồn vốn phân bổ theo Nghị định 42/2012. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cho Ban nhân dân thôn Trà Long vận động người dân hoàn thành việc đóng tiền theo quy định để công trình sớm được khởi công” - ông Cường cho biết thêm.

PHAN VINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thấp thỏm qua cầu tre Trà Long (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO