Mới đây, việc HTX Nông nghiệp Triêm Tây tạm ngưng hoạt động đón khách càng kéo dài nỗi buồn của các mô hình làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
HTX Nông nghiệp Triêm Tây thuộc Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây tạm ngưng hoạt động. Ảnh: K.L |
Chệch mục tiêu
Không phải đến khi HTX Nông nghiệp Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn) tạm ngưng đón khách, câu chuyện duy trì sự phát triển bền vững các mô hình du lịch cộng đồng mới được nhắc đến. Trước đó, hai làng du lịch cộng đồng ra đời sớm hơn là Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) và Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) cũng đã “chết yểu” sau bao kỳ vọng. Nếu như ở Triêm Tây, nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại của HTX, nhất là nguồn thu không đủ để duy trì hoạt động, thì tại 2 làng Trà Nhiêu, Mỹ Sơn ngoài việc không có khách, người dân vẫn chưa thật sự hưởng lợi từ du lịch, đâm ra chán nản… Dù vậy, nguyên nhân sâu xa hơn chính là câu chuyện hậu dự án, khi cộng đồng phải tự xoay xở với giấc mơ du lịch của mình.
Tại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, kể từ cuối năm 2015 khi dự án kết thúc, các bên liên quan gồm ILO và Sở VH - TT&DL dường như chưa một lần quay lại, kể cả công ty du lịch Trà Kiệu, đơn vị cam kết đưa khách tới làng cũng đã rút lui, mặc cho các thành viên trong Ban điều hành Tổ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn loay hoay ngóng khách. Với Trà Nhiêu, thực tế càng tệ hơn, trong khoảng thời gian dài dường như hoạt động du lịch cộng đồng nơi đây bị thả nổi, mạnh ai nấy làm. “Mục tiêu ban đầu phát triển du lịch cộng đồng Trà Nhiêu là hướng đến cộng đồng hưởng lợi, nhưng hiện tại mục đích này không như ý muốn. Khách vẫn đến làng nhưng đa số dân không có thu nhập, chỉ trừ một số nhà có những hoạt động trải nghiệm làng nghề hay ẩm thực, hoạt động lưu trú hầu như không có khách” - ông Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh thừa nhận. Theo ông Nguyễn Sáu, phải có thay đổi, phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Trà Nhiêu theo những tiêu chí đề ra, nếu để cộng đồng tự làm sẽ không bao giờ được.
Có thể thấy, sự thất bại của những mô hình làng du lịch cộng đồng có trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành du lịch khi phó mặc cho người dân tự xoay xở. Bởi, người dân không thể đủ kiến thức, chuyên môn, mối quan hệ, kể cả tài chính để quảng bá, kết nối, duy trì hoạt động du lịch sau khi dự án kết thúc nếu không có sự đồng hành của chính quyền địa phương, ngành du lịch và doanh nghiệp lữ hành.
Xây dựng cơ chế hỗ trợ
Phát triển du lịch cộng đồng đang là xu hướng chủ đạo của nhiều địa phương nhằm chia sẻ lợi ích cho người dân thông qua việc tạo sinh kế, thu nhập; nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, quá trình hoạt động chưa như kỳ vọng cũng đặt ra bài toán cần giải quyết để mô hình du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng. Đặc biệt, phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp để kết nối thị trường đưa khách tới.
Thực tế, tại Trà Nhiêu và Triêm Tây, sau những chệch choạc ban đầu, việc đón nhận doanh nghiệp đầu tư vào hai làng này cũng đã và đang được xúc tiến mạnh mẽ với các dự án lên đến hàng chục tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, nếu không củng cố được HTX Nông nghiệp Triêm Tây, thị xã sẽ giải thể và cho doanh nghiệp vào tiếp nhận đầu tư. “Ngày 15.10 tới các cơ quan liên quan sẽ có báo cáo chính thức với UBND thị xã, nhưng quan điểm của tôi vẫn là tiếp tục duy trì mô hình du lịch cộng đồng và người dân phải được hưởng lợi từ mô du lịch này” - ông Hà nói.
Với làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, từ tháng 8.2018, UBND xã Duy Phú cũng đã phối hợp cùng Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn củng cố lại Ban điều hành Tổ du lịch cộng đồng. Đặc biệt, Ban Quản lý Mỹ Sơn cũng đã cam kết hỗ trợ cây giống để xây dựng vườn cây sinh thái; in tập gấp quảng bá du lịch cho làng; hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm lưu niệm truyền thống đặc trưng của làng và đảm nhận việc tiêu thụ toàn bộ sản phẩm đầu ra, hướng đến thúc đẩy du lịch cộng đồng Mỹ Sơn phát triển.
Theo ông Trần Quý Tấn – Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở VH-TT&DL), phát triển du lịch cộng đồng phải từng bước, không thể đòi hỏi thành công ngay lập tức. Hiện tại, sở đang xây dựng đề án chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, dự kiến cuối năm nay trình UBND tỉnh phê duyệt. “Đề án sẽ có nhiều hỗ trợ cho các làng du lịch cộng đồng như kinh phí, đào tạo, quản lý điều hành, hạ tầng, tập huấn, quảng bá, cải tạo homestay, sản phẩm lưu niệm… nhằm đảm bảo cho du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững và đúng mục tiêu đề ra” - ông Tấn cho biết.
KHÁNH LINH