Thầy Mễ và nghiệp "trồng người"

VĂN HÀO 13/03/2015 10:01

“Điện đã kéo về, đường lớn đã mở, con chữ nơi thượng nguồn này rồi sẽ tròn trịa hơn trước…”- chia sẻ của thầy giáo Phan Văn Mễ chan chứa  niềm tin về vùng đất Cấm La (thuộc xã Quế Lâm, Nông Sơn).
Xa rồi tháng ngày khó

Xế trưa, một số em nhỏ đầu dầu đi bộ đến lớp. Thầy Mễ mắng vội vài câu rồi bảo học sinh vào lớp ổn định chỗ ngồi. Phòng học trống, chỉ có vài ba bộ bàn ghế cũ kỹ, kê chụm lại. Ngước lên thấy mảng tường nhiều chỗ bong tróc, những giấy khen treo trên vách đã ngả màu. Thầy Mễ chỉ tay vào trong lớp, giải đáp: “Các em ngồi phía cuối học lớp 3, bên này là 3 em học lớp 2, còn bên kia là 2 em lớp 1. Vỏn vẹn 7 em ở ba cấp lớp, học ghép”.

Cấm La bây giờ, đường sá đã thoáng sạch.  Ảnh: VĂN HÀO
Cấm La bây giờ, đường sá đã thoáng sạch. Ảnh: VĂN HÀO

Dứt lời, đôi mắt thầy Mễ sáng rực, ánh lên niềm vui sau bao mòn mỏi kể từ ngày thầy đứng lớp tại điểm trường Cấm La (thuộc Trường Tiểu học và THCS Quế Lâm II), năm 1992. Đấy là thầy nói về cây cầu Bến Đình vừa đưa vào sử dụng cách đây không lâu, nối đôi bờ khe Sé nên tình trạng học sinh bỏ học vào mùa nước lớn không còn tái diễn; là đường sá đã được bê tông hóa; dòng điện cũng được kéo về cách đây vài ba mùa tết nên quá trình dạy và học hiện chừ đỡ hơn trước rất nhiều.

Thôn Cấm La nay có 71 hộ dân, trong đó còn đến quá nửa là hộ nghèo. Là vậy, nhưng kết cấu hạ tầng vùng này đang ngày một hoàn thiện nên thầy Mễ có cơ sở để tin tưởng, để kỳ vọng. “Ở đây dân trí còn thấp. Hồi xưa khó khăn, trắc trở lắm nên nhiều em không chịu đến lớp. Bây chừ thì em nào đến tuổi cũng được đến trường, không phải tốn công đi vận động” - thầy Mễ bảo. Bén duyên với nghiệp gieo chữ tại mảnh đất này rồi định cư, lập gia đình luôn tại đây, thầy Mễ là chứng nhân bao thăng trầm của vùng đất. Đến hôm nay, điều mà người thầy giáo đầu đã lốm đốm sợi bạc tin chắc, là chuyện học hành của học trò thầy vẫn quen gọi là con, là cháu này rồi sẽ đổi khác, một ngày không xa.

Lớp học ghép của thầy Phan Văn Mễ. Ảnh: VĂN HÀO
Lớp học ghép của thầy Phan Văn Mễ. Ảnh: VĂN HÀO

Phân hiệu trường Cấm La chỉ mở cửa vào buổi sáng, trừ thứ Năm có thêm giáo viên dạy nhạc, tiếng Anh ở ngoài trường chính (cách 5 cây số) vào dạy nên phải học cả ngày. Điểm trường gồm 2 phòng, ngoài thầy Mễ phụ trách dạy ghép các lớp 1, 2, 3 còn có thầy Nguyễn Văn Dưỡng (cũng là học trò cũ) đảm nhận các lớp 4 và 5. Tính tổng 5 lớp học, có 15 học sinh. Hồi trước thì riêng mình thầy Mễ “ôm” cả bận 5 lớp, chia nhau dạy các buổi sáng và chiều. Lớp thầy Mễ kê những 3 tấm bảng đen ở đầu và cuối phòng. Hết bày em này, thầy lại cầm tay chỉ vẽ em khác, liên tục. “Trước đây cũng có vài giáo viên vào dạy nhưng chịu không nổi. Phải thật kiên trì, nhẫn nại cũng như có niềm đam mê thì mới hoàn thành tốt công việc gieo chữ ở chốn này” - giọng thầy Mễ từ tốn.

Thầm lặng những chuyến đò

Thầy bảo, chừng một hai năm nữa là về hưu. Trước khi về Cấm La, thầy từng giảng dạy ở nhiều nơi. Trong đó có thời gian thầy làm hiệu trưởng ở Nà Lau (thuộc khu kinh tế mới vùng tây Quế Sơn bấy giờ, nay thuộc xã Quế Lâm của Nông Sơn). Theo nghiệp “trồng người” từ năm 1977, kinh qua nhiều chức vụ, gian khó, “người đưa đò” vẫn miệt mài với sứ mệnh của mình.

Năm 2000, sau thời gian dài vận động, phân hiệu trường Cấm La mới được xây kiên cố. “Trước đó trường được dựng bằng phên tre vách nứa. Dạy xong phải cõng học sinh qua suối về nhà chứ ba mẹ chúng nó thường đi rừng không đến đón kịp” - thầy nói. Bám lớp, bám vùng đất mà khó khăn, thiếu thốn luôn thường trực nhưng thầy vẫn lạc quan với những gian truân rồi cũng đi đến hồi kết. Ngôi trường vẫn nằm chót vót trên triền đồi, còn bước chân người thầy thì không còn nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh như trước. Ông Phạm Ước - Trưởng thôn Cấm La cho biết, nhờ cái tâm của thầy Mễ mà số người bị mù chữ của thôn giảm đáng kể, chất lượng dân trí dần cải thiện.

Dắt đứa con trai đến lớp, chị Tạ Thị Bé cho biết, nhiều gia đình ở đây có 2 thế hệ là học trò của thầy Mễ, chị cũng vậy. “Dạy ở đây đồng nghĩa với nhiều thiệt thòi. Ngày nhà giáo, thấy chúng tôi dẫn con cháu đến thăm là thầy vui, xúc động lắm!” - chị Bé bộc bạch. Gắn với vùng đất Cấm La ngần ấy năm, kỷ niệm cũng dày cộm theo những trang giáo án. Ký ức chôn giữ trong ngực, ít khi giãi bày, thầy chỉ muốn nhìn về phía trước mà tin tưởng những điều tốt đẹp nhất đến với đám con trẻ…

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thầy Mễ và nghiệp "trồng người"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO