Ở tuổi 51 nhưng thầy giáo Huỳnh Ngọc Sáu (thôn Hóa Trung, xã Quế Thọ, Hiệp Đức) có đến 28 năm theo nghề hát dân ca bằng tất cả sự đam mê.
Thầy giáo Huỳnh Ngọc Sáu đọc lại tiểu phẩm do chính mình biên soạn trước khi dàn dựng. Ảnh: T.THU |
Sinh ra và lớn lên trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật dân ca nhưng thầy giáo Huỳnh Ngọc Sáu lại có năng khiếu trời ban từ thuở mới lọt lòng và bằng sự đam mê nên bén duyên với hát dân ca tới tận bây giờ. Thầy Sáu nhớ lại: “Cách đây khoảng 20 năm, nghệ sĩ ưu tú Phạm Đỗ Linh (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) về huyện miền núi Hiệp Đức mở lớp dạy hát dân ca ngắn hạn, lúc đó tôi và mấy người bạn đăng ký tham gia học. Dần dà những điệu bộ, câu hát bài chòi, những làn điệu dân ca xứ Quảng, những khúc hát ru cứ ngấm dần...”. Qua một thời gian dài dày công tập luyện dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Linh và lớp người đi trước cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, thầy Sáu hát chuẩn xác các làn điệu dân ca như: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò ba lý, hò giã vôi, hò kéo lưới, nam xuân…
Theo thầy Sáu, dân ca là sản phẩm nghệ thuật do nhân dân sáng tạo ra, vì vậy mỗi bài dân ca đều mang những giá trị tinh thần lẫn giá trị về nghệ thuật. Ngoài giai điệu âm nhạc, phần lời cũng là một trong những nhân tố quan trọng giúp bài dân ca có hồn. Đặc biệt, trong giai điệu của mỗi bài có những nốt luyến láy giúp bài dân ca thêm uyển chuyển, mượt mà và tính chất âm nhạc cũng tha thiết, dìu dặt hơn. Từ chỗ nắm rõ các làn diệu dân ca, thầy Sáu bắt đầu chuyển sang sáng tác, bao gồm nhiều chủ đề như: quê hương đất nước, Bác Hồ kính yêu, tình yêu người lính đảo, phòng chống thiên tai, bình đẳng giới… Không chỉ là tác giả của những bài dân ca, thầy Sáu còn trực tiếp dàn dựng thành công hơn 20 tiểu phẩm dân ca dự thi và mang lại nhiều giải thưởng cao. Gần đây nhất, thầy Sáu đoạt giải Nhì bài hát dân ca trong cuộc thi do Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức vào năm 2017 và trước đó là giải B cuộc thi “Gương tốt nhà trường, gương sáng nhà giáo” năm 2016... Thầy Sáu cất lên điệu xuân nữ mùi mẫn, thể hiện một đoạn của tiểu phẩm dân ca “Hiệp Đức anh hùng” do chính mình biên soạn: “Đã xanh bờ mía nương khoai/ Đã lên khói bếp lam nhà chiều buông/ Nắng lay động cánh chuồn chuồn/ Gió nâng tiếng sáo mưa tuôn cõi lòng/ Về cho lòng lại ấm hơn/ Người ơi đồng lúa xanh rờn ấm no/ Một đời lam lũ trấu tro/ Nhờ ơn Đảng, Bác đã cho ấm đời”...
Ở trường học, để truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích dân ca, thầy giáo Huỳnh Ngọc Sáu đã lồng ghép hát dân ca vào các giờ sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt lớp, hội thi hay các tiết học âm nhạc. Vì thế phong trào hát dân ca trong nhà trường được giáo viên và học sinh hưởng ứng tích cực. “Trong quá trình dạy hát dân ca, tôi luôn chú ý nhắc học sinh hát rõ lời nhưng vẫn đảm bảo sự mềm mại và duyên dáng trong ca từ, hướng dẫn các em luyện tập về cách nhả chữ, kỹ thuật lấy hơi, cảm nhận được tính thẩm mỹ trong các bài dân ca thông qua ngôn từ, ngữ điệu. Từ đó, góp phần bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, trí tuệ, đồng thời tạo không khí vui tươi, lành mạnh nhằm phát triển toàn diện, hài hòa nhân cách học sinh” - thầy Sáu cho hay.
Hiện tại, trên cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn - hát dân ca xã Quế Thọ, thầy Sáu cho biết, hàng tháng các thành viên trong câu lạc bộ gặp nhau ít nhất một lần để thăm hỏi, giao lưu, tập hát. “Điều vui mừng nhất là các cháu thiếu nhi cũng đăng ký vào câu lạc bộ ngày càng nhiều để lớp người đi trước như chúng tôi có cơ hội truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ, để không làm mai một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này và tạo sân chơi giải trí lành mạnh cho những ai có cùng niềm đam mê ca hát” - thầy Huỳnh Ngọc Sáu nói.
THIÊN THU