Thay thế tôm nuôi vùng triều

VIỆT QUANG 29/10/2015 08:39

Kết luận tại buổi làm việc bàn các giải pháp thúc đẩy nuôi thủy sản ở vùng đông được UBND tỉnh tổ chức ngày 27.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo ngành thủy sản và các địa phương cơ cấu lại đối tượng nuôi mới trên các diện tích nuôi tôm thiếu hiệu quả ở vùng triều ven sông.

Nuôi cá thay thế diện tích nuôi tôm không hiệu quả ở vùng triều sẽ giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Ảnh: V.Q
Nuôi cá thay thế diện tích nuôi tôm không hiệu quả ở vùng triều sẽ giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Ảnh: V.Q

Thử nghiệm hiệu quả

Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông của TP.Tam Kỳ là 257ha. Trong nhiều năm qua, nuôi tôm thất bát do dịch bệnh tràn lan đã khiến cho nhiều chủ nuôi phải “treo” ao. Để thử nghiệm các đối tượng nuôi thủy sản mới thay thế con tôm, ngành nông nghiệp TP.Tam Kỳ đã triển khai mô hình nuôi cá chẻm tại các hộ ông Mai Văn Sơn, Nguyễn Tấn Đồng (cùng thôn Tân Phú, xã Tam Phú) và Nguyễn Xuân Nhĩ, Trần Văn Nhựt (cùng ở thôn Thanh Tân, xã Tam Thanh). Với thử nghiệm này, TP.Tam Kỳ đã hỗ trợ 2.000 con giống cho mỗi hộ nuôi sau khi đã tập huấn, trang bị các kiến thức cần thiết. Đến thời điểm này, cá phát triển tốt sau 7 tháng thả nuôi tại các hộ, mỗi con đạt trọng lượng từ 1kg trở lên. “Tỷ lệ sống đạt gần 80% nên ước tính chúng tôi sẽ thu hoạch được hơn 1,5 tấn cá” - ông Nguyễn Tấn Đồng nói. Thời gian gần đây giá cá chẻm có hạ, tuy nhiên sản lượng thu được với đối tượng nuôi này khá cao nên vẫn cho hiệu quả. Do đó ông Đồng cho biết sẽ tăng quy mô đầu tư trong năm đến.

“Tính trên một đơn vị diện tích thì nuôi thủy sản đem lại lợi nhuận cao hơn các đối tượng nuôi gia súc, gia cầm hay trồng trọt. Ngành thủy sản và các địa phương ven biển phải chú trọng sản xuất, tập huấn trang bị đầy đủ các kiến thức, quy trình nuôi tiến bộ để các nông hộ ứng dụng, triển khai hiệu quả. Vấn đề đầu ra sản phẩm phải được đảm bảo, vì thế ngành thủy sản và các địa phương ven biển cần phải liên hệ, kết nối với các đơn vị thu mua thủy sản, tạo thuận lợi trong việc bán sản phẩm cho người dân. Các địa phương cũng cần chú trọng tính liên kết sản xuất, chuỗi sản xuất - bảo quản - chế biến sản phẩm được hình thành sẽ đem lại lợi nhuận cao cho nghề nuôi thủy sản, nếu khả thi thì tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ xác đáng”.

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Năm 2015, TP.Tam Kỳ cũng đã thử nghiệm nuôi cua trên các diện tích nuôi tôm thất bại trước đây ở xã Tam Thăng. Mô hình được triển khai tại các hộ bà Phạm Thị Hương, Lê Đình Trai và Phan Văn Phúc ở thôn Kim Đới. Theo tính toán của ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp & phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ, mô hình đem lại lợi nhuận cho các hộ nuôi hơn 80 triệu đồng. “Mô hình đã đem lại lợi nhuận tương đối cao cho các hộ nuôi. Chúng tôi đã đề xuất với UBND Tam Kỳ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình. Đây là hướng đi phù hợp, thay thế con tôm thẻ chân trắng nuôi thiếu hiệu quả ở các diện tích vùng triều ven sông của thành phố” - ông Tuấn nói.

Các huyện Thăng Bình, Núi Thành cũng đã triển khai các mô hình nuôi cá dìa, cá chẻm, cá diêu hồng với mục đích thử nghiệm, hướng đến thay thế con tôm nuôi không hiệu quả ở một số diện tích nuôi thủy sản vùng triều ven sông. Kết quả thu được là tương đối khả quan khi tỷ lệ hao hụt thấp mà các nông hộ thì đã thỏa thuận được với các công ty chế biến thủy sản ngoài tỉnh về đầu ra.

Nhân rộng mô hình

Tại buổi làm việc bàn các giải pháp phát triển nuôi thủy sản ở vùng đông của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, xác định đối tượng nuôi thủy sản chủ lực là điều hết sức quan trọng để tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Theo đó, con tôm thẻ chân trắng nuôi bằng hình thức lót bạt sẽ là hướng đi chủ đạo. Đối với các diện tích nuôi tôm không hiệu quả ở vùng triều, các địa phương cần cơ cấu lại sản xuất. Sau khi đã thử nghiệm thành công thì nhân rộng các mô hình, thay thế con tôm thẻ chân trắng, không thể để ao nuôi trơ đáy.

Có thể ở một số thời điểm nhất định, nghề nuôi cá dìa, cá chẻm, cá diêu hồng, nuôi cua gặp khó do đầu ra không được thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường tiêu thụ thủy sản sẽ lại được ổn định trong thời gian tới khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Vấn đề đặt ra là sản phẩm thủy sản sẽ được nuôi theo quy trình như thế nào để vượt qua được các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chí quốc tế. Thực tế đã cho thấy, mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP được triển khai trên địa bàn tỉnh đem lại hiệu quả cao, vượt qua được các rào cản xuất khẩu tồn tại trong thời gian qua. Nhân rộng cách làm này không quá khó khi trong thực tế, các nông hộ ở Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc đã triển khai thành công. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đã ký kết hợp đồng thu mua với số lượng lớn đối với một số mặt hàng như cá dìa, cá chẻm, cá diêu hồng. Vì vậy, nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản phù hợp để thay thế con tôm trên các diện tích nuôi không hiệu quả ở vùng triều là điều không thể khác. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, trước mắt chi cục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt việc sắp xếp lại các đối tượng nuôi cá dìa, cá chẻm thay thế con tôm nuôi không hiệu quả trên diện tích 30ha thả nuôi ở vùng triều.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thay thế tôm nuôi vùng triều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO