Đối mặt với tình trạng khô hạn do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nhiều nước trên thế giới chủ động đề ra các phương án ứng phó.
Là một tiểu bang lớn tại Mỹ đang trải qua tình trạng hạn hán khắc nghiệt từ nhiều năm qua, người dân California vừa nhận được lệnh bắt buộc dùng nước ít hơn có thể, giảm lượng nước sử dụng lãng phí, kể từ ngày 1.4.2015. Thống đốc bang, ông Jerry Brown nói, California đang bị hoành hành bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong lịch sử và điều này đòi hỏi người dân phải có hành động tiết kiệm nước một cách thiết thực nhất, chưa từng có từ trước đến nay. Chính quyền California hy vọng nhận được sự hợp tác tích cực trong dân chúng, giúp tiểu bang giảm được 25% lượng nước sử dụng, tiết kiệm được hàng trăm ngàn lít nước trong vòng 9 tháng. Hiện có khoảng 38 triệu người ở California bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán khắc nghiệt lần này. Ngoài ra, chính quyền bang đang xem xét những công nghệ mới để giúp California chống chọi với hạn hán.
California (Mỹ) đang trải qua trận nắng nóng gây khô hạn. |
California không phải là nơi duy nhất ban hành lệnh tiết kiệm nguồn nước bởi nhiều năm qua, người dân Australia, Israel, Singapore… cũng thực hiện điều lệnh tương tự. Từ năm 2007, lượng mưa hằng năm tại Australia giảm đi một nửa. Thêm vào đó, hiện tượng nắng nóng kỷ lục diễn ra cùng với ô nhiễm khiến nguồn tài nguyên nước của đất nước khu vực châu Đại dương này bị khan hiếm. Do đó, Chính phủ Australia áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước như: vận động, tuyên truyền người dân sử dụng nhiều biện pháp tiết kiệm nước gắn với sinh hoạt hàng ngày của mỗi cá nhân, nước tưới cây và nước sinh hoạt được bơm theo giờ cố định hàng ngày, khuyến khích tiết kiệm nước bằng cách bồi hoàn chi phí cho các gia đình lắp thiết bị tiết kiệm nước và hệ thống tái sinh nước tại nhà… Với ý thức áp dụng luật của người dân Australia rất cao, từ đó đến nay, Australia hằng năm tiết kiệm được 20 - 30% lượng nước sinh hoạt. Ở nhiều nơi, cư dân giảm được hơn 40% lượng nước dùng. Nhờ vậy, Australia được xem là quốc gia tiết kiệm nước hàng đầu thế giới.
Không chỉ có biện pháp tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất, nhiều quốc gia châu Phi - nơi gánh chịu hạn hán trầm trọng nhất trên toàn cầu tiến hành trồng các loại hạt giống bắp, lúa chịu hạn cho năng suất cao. Như từ năm 2006, quốc gia Đông Phi Malawi áp dụng rộng rãi và thành công các giống bắp chịu hạn, do công trình của Trung tâm Nghiên cứu sở hữu đất đai của Trường Đại học Khoa học đời sống Na Uy nghiên cứu. Hay vào tháng 8.2013, các nhà nghiên cứu công nghệ sinh học Nhật Bản cho biết họ lai tạo thành công giống lúa cao sản với bộ rễ dài hơn giúp nó có khả năng chống chọi các đợt hạn hán tốt hơn. Ông Yusaku Uga, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, khẳng định rằng giống lúa mới được lai tạo này rất phù hợp để canh tác trên các vùng núi cao không có hệ thống thủy lợi và các vùng đất thấp ít mưa. Phát hiện này đã mở đường cho việc ứng dụng công nghệ sinh học, lai tạo giống lúa chịu hạn được trồng trọt phổ biến ở châu Á hiện nay.
NAM VIỆT