(QNO) - Cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã qua đời hôm qua 5.12.2013, thọ 95 tuổi. Tên tuổi của ông được gắn liền với cuộc tranh đấu chống phân biệt đối xử và độc tài. Cả thế giới tiếc thương một biểu tượng lớn, một ngọn hải đăng của thế kỷ 20 đã cháy hết mình vì tự do và hòa giải
Nelson Mandela |
Phát biểu trên truyền hình, tổng thống Nam Phi Jacob Zuma thông báo: “Nhân dân Nam Phi đã mất đi một người cha. Mặc dù chúng ta biết rằng ngày này sẽ tới, nhưng không gì có thể làm vơi bớt cảm giác mất mát sâu sắc và lâu dài này”. Hàng trăm thông điệp chia sẻ niềm xúc động với dân chúng Nam Phi và vinh danh Nelson Mandela đã được gửi đi. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kính chào từ biệt: “Nelson Mandela là một người khổng lồ khi đấu tranh bảo vệ công lý, và là một nguồn tạo cảm hứng đầy giản dị. Ông đã mang lại ảnh hưởng to lớn đối với nhiều người trên thế giới bằng sự đấu tranh quên mình cho danh dự, quyền bình đẳng và tự do của con người. Ông đã tác động đến đời sống của chúng ta bằng những cách riêng tư, sâu sắc nhất. Không ai trong thời đại của chúng ta có nhiều nỗ lực để thúc đẩy những giá trị và nguyện vọng của Liên hiệp quốc như ông. Nelson Mandela đã cho chúng ta thấy những gì thế giới và mỗi cá nhân có thể đạt được, nếu chúng ta tin tưởng, khát vọng và hợp tác để đấu tranh cho công lý và nhân loại”.
Pháp, Mỹ, Anh và nhiều nước treo cờ rủ để tang Nelson Mandela. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Chúng ta đã mất đi một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất, can đảm nhất và hết sức nhân hậu… Ông đã không còn thuộc về chúng ta. Giờ đây, ông thuộc về thời đại. Bằng khát vọng mãnh liệt và ý chí không thể lay chuyển khi ông hy sinh sự tự do của bản thân để mang đến tự do cho người khác, đã chuyển hóa Nam Phi và khiến cho tất cả chúng ta rung động. Hành trình của ông từ một tù nhân đến một tổng thống cho thấy nhân loại và các quốc gia có thể thay đổi để đi đến một tương lai tốt hơn”.
Với tổng thống Pháp Francois Hollande, Nelson Mandela đã làm nên lịch sử của Nam Phi và cả thế giới. Thông điệp của ông sẽ không mất đi mà sẽ tiếp tục tạo nguồn cảm hứng cho những chiến binh của tự do, mang lại niềm tin cho người dân đang đấu tranh bảo vệ chính nghĩa và những quyền được quốc tế công nhận.
Trên trang cá nhân Twitter chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso viết, Mandela đã thay đổi tiến trình lịch sử của nhân dân Nam Phi, đất nước Nam Phi, châu lục và thế giới; và tư tưởng của ông vẫn sống mãi trong suy nghĩ của gia đình và người dân Nam Phi. Còn Thủ tướng Anh David Cameron đã gọi ông Mandela là một anh hùng trong thời đại của chúng ta: “Một ánh sáng vĩ đại đã tắt đi trên thế giới”.
Tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của Nelson Mandela
Sinh ngày 18.7.1918 tại vùng Transkei
Năm 1948, ông được giới thiệu vào đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), chủ trương đấu tranh không bạo lực nhằm đòi quyền bình đẳng cho người da đen.
Năm 1962-1989, lãnh đạo ANC Nelson Mandela bị bắt giam và nhận án tù chung thân tại trên hòn đảo Robben.
Năm 1988, có gần 400 triệu người đã có mặt tại 1 buổi nhạc hội mừng sinh nhật Mandela 70 tuổi.
Năm 1990: được thả tự do.
1993: Nhận giải Nobel Hòa bình.
1994-1999: trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi.
Năm 2004, ông tuyên bố ngừng tham gia mọi hoạt động chính trường.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố lấy ngày 18.7 hàng năm là “Ngày Nelson Mandela” để tôn vinh những đóng góp của ông cho hòa bình
Cũng trong điện chia buồn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi đến Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi Jacob Zuma có đoạn viết: “Chúng tôi rất xúc động và đau buồn được tin Ngài Nelson Mandela, nguyên Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), nguyên Tổng thống Cộng hòa Nam Phi đã từ trần ngày 5.12.2013. Nelson Mandela là người con ưu tú, người chiến sỹ kiên cường, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Nam Phi, người đã dành cả cuộc đời mình và đã có những cống hiến hết sức to lớn cho cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi và nhân dân thế giới chống áp bức, bất công và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì tự do, công lý, bình đẳng và tiến bộ xã hội”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc trong bức điện có đoạn viết, nhân dân Trung Quốc sẽ luôn luôn nhớ tới sự cống hiến vĩ đại của ông cho sự phát triển của mối quan hệ song phương giữa hai nước và sự nghiệp vì sự tiến bộ của nhân loại. Từ Australia, Thủ tướng Tony Abbott đã bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của huyền thoại của đất nước Nam Phi: “Thay mặt Chính phủ Australia và cộng đồng người dân Australia, tôi xin bày tỏ sự chia buồn tới gia đình của ông và toàn thể nhân dân Nam Phi”…
KIM OANH