Ấn Độ siết chặt kiểm soát mạng xã hội

NAM VIỆT 26/02/2021 16:00

(QNO) - Ấn Độ vừa công bố các quy định mới nhằm quản lý nội dung kỹ thuật số như xuất hiện trên mạng xã hội Facebook, Twitter, tránh gây tổn hại đến đất nước.

Các công ty công nghệ toàn cầu tại Ấn Độ buộc phải hoạt động có trách nhiệm cao hơn. Ảnh: devdiscourse
Các công ty công nghệ toàn cầu tại Ấn Độ buộc phải hoạt động có trách nhiệm hơn. Ảnh: devdiscourse

Công bố mới nhất của Ấn Độ diễn ra cùng ngày (hôm qua 25.2) khi Australia tung ra bộ luật mới buộc các mạng truyền thông xã hội lớn như Facebook và Google phải trả tiền cho các tờ báo, hãng tin và nhà xuất bản ở nước này để liên kết nội dung trên bảng tin hoặc kết quả tìm kiếm. Facebook cũng đồng ý trả 1 tỷ USD cho các nhà xuất bản tin tức Australia trong vòng 3 năm tới.

Các quy định mới của Chính phủ Ấn Độ liên quan đến việc đăng tải nội dung trên các ứng dụng mạng xã hội bao gồm bộ quy tắc đạo đức và khuôn khổ giải quyết khiếu nại 3 cấp đối với các trang web tin tức, nền tảng chiếu phim trực tuyến.

Theo đó, các công ty truyền thông xã hội buộc phải gỡ xuống đối với nội dung bất hợp pháp, sai lệch và mang tính bạo lực trong vòng 24 giờ kể từ khi có khiếu nại.

Các công ty công nghệ phải tuân thủ việc tiết lộ người gửi tin nhắn hoặc đăng bài viết khi được yêu cầu, thông qua một mệnh lệnh có tính pháp lý.

Quy định mới cũng sẽ lần đầu tiên xác định cách thức Chính phủ Ấn Độ quản lý các tổ chức tin tức kỹ thuật số, nền tảng truyền thông xã hội và các nền tảng chiếu phim trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ - Ravi Shankar Prasad khẳng định, các quy định mới sẽ trao thêm quyền hạn cho người dùng mạng xã hội và buộc các công ty truyền thông xã hội lớn phải chịu trách nhiệm lớn hơn cũng như trách nhiệm giải trình cao hơn đối với những nội dung được chia sẻ qua các nền tảng của họ.

Bộ quy định bao gồm một cơ chế giám sát nghiêm ngặt liên quan đến một số bộ và một bộ quy tắc đạo đức cấm những nội dung ảnh hưởng gây tổn hại đến đất nước Ấn Độ...

“Ấn Độ là xã hội internet mở lớn nhất thế giới và Chính phủ hoan nghênh các công ty truyền thông xã hội hoạt động tại Ấn Độ, kinh doanh và cũng kiếm được lợi nhuận. Tuy nhiên, các công ty sẽ phải chịu trách nhiệm trước hiến pháp và luật pháp của Ấn Độ” - ông Ravi Shankar Prasad nói.

Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, đứng thứ 5 trên thế giới và là quốc gia có dân số nhiều thứ 2 thế giới (1,35 tỷ người) nổi lên như một chiến trường quan trọng đối với các công ty Mỹ và Trung Quốc trong thập kỷ qua khi Google, Facebook... đổ xô tìm kiếm một tỷ người dùng tiếp theo của họ.

Theo thống kê, ứng dụng tin nhắn WhatsApp của Facebook thu hút 530 triệu người dùng ở Ấn Độ, còn YouTube có 448 triệu người dùng, Marquee của Facebook 410 triệu người dùng, Instagram 210 triệu người dùng và Twitter 175 triệu người dùng.

Nhưng những năm gần đây, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã thực thi hoặc đề xuất một số quy tắc tác động đến các công ty công nghệ khổng lồ.

Như tính đến nay, Ấn Độ cấm hơn 200 ứng dụng của Trung Quốc xuất hiện tại Ấn Độ, bao gồm TikTok, Baidu, WeChat, trình duyệt UC, ứng dụng mua sắm Club Factory, Mi Video Call (của Xiaomi), Weibo... vì cáo buộc các ứng dụng này gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng - an ninh và trật tự công cộng của Ấn Độ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấn Độ siết chặt kiểm soát mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO