Ấn Độ trở thành vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới

QUỐC HƯNG 07/09/2020 16:20

(QNO) - Tính đến sáng 7.9, Ấn Độ chính thức vượt Brazil để trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ hai trên thế giới.

Nhân viên y tế tại Ấn Độ đến tận nhà dân để kiểm soát Covid-19. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế Ấn Độ đến từng nhà để kiểm soát Covid-19. Ảnh: Reuters

Ấn Độ có hơn 4,2 triệu ca Covid-19

Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu hiện vượt gần 27,3 triệu ca, trong đó hơn 887 nghìn trường hợp không qua khỏi và gần 19,4 triệu ca phục hồi.

Ấn Độ - quốc gia thuộc khu vực Nam Á, ghi nhận hơn 4,2 triệu ca nhiễm, trong đó gần 72 nghìn ca tử vong, chính thức vượt Brazil gần 70 nghìn ca. Tuy nhiên, số ca tử vong do Covid-19 tại Brazil là gần 127 nghìn trường hợp, cao hơn Ấn Độ và chỉ sau Mỹ. 

Dù tỷ lệ tử vong ở Ấn Độ cho đến nay tương đối thấp nhưng đã có hơn 1.000 trường hợp tử vong trong 5 ngày qua.

Đáng chú ý, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục thế giới trong ngày: gần 91 nghìn ca trong 24 giờ qua. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 với gần 6,5 triệu người nhiễm và hơn 193 nghìn trường hợp tử vong.

Vào tháng 3 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban hành lệnh phong tỏa với quy mô lớn nhất thế giới để truy quét vi rút corona mới, ảnh hưởng đến khoảng 1,35 tỷ dân nước này.

Hệ lụy của dịch là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới năm 2020 đã ghi nhận mức suy giảm lớn nhất trong số các nền kinh tế lớn. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ giảm 23,9% trong quý II.2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước thiệt hại kinh tế đó, Thủ tướng Narendra Modi đang tiến hành mở cửa dần dần ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 tăng với tốc độ kỷ lục. Hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất của đất nước ở thủ đô New Delhi đã bắt đầu hoạt động trở lại, trong khi các sự kiện tôn giáo và thể thao được phép khởi động lại nhưng giới hạn số lượng người tham gia…

Thêm một loại vắc xin được thử nghiệm lâm sàng

Một loại vắc xin phòng ngừa Covid-19 mà tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Sanofi (trụ sở tại Pháp) hợp tác với công ty dược GSK của Anh nghiên cứu, sản xuất có thể sẽ được bán với giá dưới 10 euro (khoảng 275 nghìn đồng) mỗi liều tiêm sau khi được cấp phép.

Sanofi và GSK hy vọng phát triển thành công và lưu hành vắc xin Covid-19 vào nửa đầu năm 2021. Ảnh: Reuters
Sanofi và GSK hy vọng phát triển thành công và cung cấp vắc xin Covid-19 ra thị trường vào nửa đầu năm 2021. Ảnh: Reuters

Cuối tuần qua, Giám đốc của Sanofi - ông Olivier Bogillot nói, Sanofi chưa định giá cụ thể và đang đánh giá chi phí sản xuất vắc xin Covid-19 trong những tháng tới nhưng sẽ có giá bán dưới 10 euro.

Đầu tuần trước, Sanofi và GSK cho biết vừa bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vắc xin Covid-19 của họ dựa trên protein với hy vọng sẽ tiến tới giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, còn được gọi là giai đoạn 3 vào tháng 12 tới. Nếu kết quả khả quan, Sanofi và GSK cho biết vắc xin này sẽ được phê duyệt trong nửa đầu năm 2021.

Mới đây, Ủy ban châu Âu thông báo đã đặt trước được 300 triệu liều Covid-19 từ Sanofi để có thể cung cấp cho 27 nước thành viên một khi vắc xin ra đời.

Sanofi cũng đang nghiên cứu một vắc xin Covid-19 tiềm năng khác với tập đoàn Translate Bio của Mỹ sử dụng công nghệ mang tên RNA thông tin. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấn Độ trở thành vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO