APEC hướng tới phục hồi và phát triển bền vững

QUỐC HƯNG 08/11/2021 15:54

(QNO) - Từ ngày 8 - 12.11, Tuần lễ cấp cao APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) lần thứ 28 diễn ra theo hình thức trực tuyến do New Zealand đăng cai với sự chủ trì của Thủ tướng Jacinda Ardern.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: APEC
Thủ tướng New Zealand - bà Jacinda Ardern. Ảnh: APEC

Với chủ đề “Cùng phối hợp - Cùng hành động - Cùng tăng trưởng”, các nhà lãnh đạo, bộ trưởng và quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC (bao gồm Việt Nam) hướng tới hồi phục, phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm.

Vào tháng 7 vừa qua, để mở đầu cho mục tiêu phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC trong cuộc họp không chính thức đạt được mục tiêu là giảm thuế quan và các rào cản thương mại đối với hàng hóa liên quan vắc xin ngừa Covid-19.

Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, trọng tâm của APEC năm nay vẫn là ứng phó và phục hồi khu vực từ Covid-19. APEC cùng nhau duy trì chuỗi cung ứng hoạt động và hỗ trợ thương mại các vật tư y tế quan trọng, bao gồm bộ dụng cụ xét nghiệm, thiết bị bảo hộ cá nhân và vắc xin vừa Covid-19.

Cũng theo Thủ tướng Jacinda Ardern, không một nền kinh tế nào có thể tự vượt qua đại dịch này, thay vào đó đòi hỏi cần có sự hợp tác liên tục giữa các thành viên APEC để đảm bảo sự phục hồi khu vực, không ai bị bỏ lại phía sau.

Ngoài việc đặt ra lộ trình vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại, các quan chức cấp cao sẽ thảo luận về công việc của APEC trong hai thập kỷ tới đối với kế hoạch Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040. Đó là là xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Nền kinh tế của khu vực APEC dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2021 và sẽ ổn định ở mức 4,9% vào năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng giữa các nền kinh tế thành viên tiếp tục phân hóa và không chắc chắn do nhiều bất ổn tại khu vực và trên thế giới. 

APEC diễn ra cùng lúc hội nghị của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu tại Scotland với mục tiêu ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Do đó, biến đổi khí hậu là trọng tâm của chương trình nghị sự khi đưa ra các quyết định thương mại của diễn đàn 21 nền kinh tế APEC.

APEC đang thực hiện các bước thiết thực để góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Ví như, các nền kinh tế APEC tái khẳng định cam kết chung về tăng gấp đôi năng lượng tái tạo vào năm 2030. Điều này có ý nghĩa và quan trọng vì 21 nền kinh tế APEC tạo ra gần 60% lượng khí thải toàn cầu.

Tham dự Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị chia sẻ về tình hình thế giới, khu vực và xu hướng thúc đẩy hợp tác APEC trong thời gian tới.

Thành lập vào năm 1989, APEC là một diễn đàn thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì tăng trưởng bao trùm, bền vững, mang lại sự thịnh vượng cho tất cả người dân trong khu vực.

Các nền kinh tế APEC hiện chiếm khoảng 60% GDP, hơn 48% kim ngạch thương mại và gần 40% dân số toàn thế giới, tham gia vào tổng số 170 thỏa thuận thương mại và thương mại tự do khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
APEC hướng tới phục hồi và phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO