Đông Nam Á sắp giải “cơn khát” vắc xin Covid-19

QUỐC HƯNG 15/05/2021 05:43

Các nhà máy sản xuất vắc xin tại Đông Nam Á đã và đang chuẩn bị hoạt động nhằm góp phần giúp các nước khu vực ngăn chặn đại dịch Covid-19. 

Một nhà khoa học làm việc tại Công ty dược Siam Bioscience của Thái Lan. Ảnh: bangkokpost
Một nhà khoa học làm việc tại Công ty dược Siam Bioscience của Thái Lan. Ảnh: bangkokpost

Vào ngày 9.5 vừa qua, các mẫu từ các lô vắc xin Covid-19 do Công ty Siam Bioscience (Thái Lan) sản xuất vượt qua kiểm tra chất lượng và an toàn tại các phòng thí nghiệm được chỉ định của AstraZeneca ở châu Âu và Mỹ.

Trong một thông cáo báo chí, Chủ tịch hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh tại Thái Lan James Teague cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​một loạt tiến bộ đáng kể và đầy hứa hẹn trong quá trình phát triển vắc xin Covid-19 của AstraZeneca ở Thái Lan trong những tuần qua”.

Trước đó, Công ty dược Siam Bioscience được lựa chọn để sản xuất vắc xin Covid-19 do công ty dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia Anh - Thụy Điển AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford (Vương quốc Anh) phát triển và sản xuất.

Từ sản xuất đến tiêm chủng, vắc xin trải qua hàng loạt kiểm tra bao gồm hơn 60 thử nghiệm kiểm soát chất lượng khác nhau. AstraZeneca cho biết, cơ sở sản xuất vắc xin Thái Lan quan trọng không chỉ đối với cuộc chiến chống đại dịch của đất nước sở tại mà còn cung cấp khả năng tiếp cận rộng rãi, công bằng và kịp thời vắc xin phòng corona mới cho khu vực Đông Nam Á, với sản lượng dự kiến trước mắt từ 180 đến 200 triệu liều.

Theo kế hoạch, dây chuyền sản xuất vắc xin Covid-19 của Siam Bioscience với công nghệ được chuyển giao từ AstraZeneca sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 6 tới. Đây cũng là thời gian Thái Lan triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19 sau khi các lực lượng ưu tiên đã hoàn tất tiêm phòng, mục tiêu triển khai được 10 triệu liều AstraZeneca mỗi tháng do công ty địa phương Siam Bioscience sản xuất.

Trong khi đó, BioNTech, công ty sinh học Đức hợp tác với hãng dược Pfizer của Mỹ phát triển vắc xin Covid-19 Pfizer/BioNTech, quyết định chọn Singapore là trung tâm sản xuất các loại vắc xin tại châu Á - Thái Bình Dương, dựa trên công nghệ mRNA.

Đây là phương pháp giúp các phân tử chuyển chỉ dẫn đến các tế bào để tạo ra prôtêin, sau đó huấn luyện hệ thống miễn dịch chống lại mầm bệnh. Động thái này không chỉ mở rộng mạng lưới sản xuất vắc xin của BioNTech, cung cấp vắc xin tại chỗ cho Singapore mà góp phần đảm bảo khả năng sản xuất, phản ứng nhanh đối với các mối đe dọa đại tiềm tàng ở Đông Nam Á từ bệnh truyền nhiễm bao gồm Covid-19 đến các bệnh ung thư khác.

BioNTech thông báo công ty sẽ thành lập văn phòng tại Singapore và bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất trong năm nay để có thể đưa nhà máy đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2023.

Vào tháng 4 vừa qua, công ty dược phẩm đa quốc gia của Pháp Sanofi cũng công bố quan hệ đối tác với Ủy ban Phát triển kinh tế của Singapore (EDB) với việc đầu tư 400 triệu euro trong vòng 5 năm để tạo ra một cơ sở sản xuất nhiều loại vắc xin ở đảo quốc này. Điều này sẽ cho phép Sanofi cung cấp vắc xin cho khu vực châu Á và sẽ bổ sung cho năng lực sản xuất hiện có ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ bắt đầu vào quý 3 năm nay. Chính phủ Singapore cho biết họ tập trung lâu dài vào việc thiết lập lĩnh vực sinh học và sản xuất dược phẩm như những ngành công nghiệp chủ chốt.

Còn Công ty Dược phẩm quốc doanh BioFarma (Indonesia) có kế hoạch sản xuất 16 đến 17 triệu liều vắc xin Covid-19 từ nguyên liệu và công nghệ của Công ty Sinh học công nghệ Sinovac (Trung Quốc). Bên cạnh vắc xin, các chuyên gia y tế vẫn kêu gọi cộng đồng tuân thủ quy trình sức khỏe như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, khai báo y tế… để ngăn chặn lây nhiễm Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Nam Á sắp giải “cơn khát” vắc xin Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO