Giá hàng hóa, dịch vụ tăng khắp thế giới

QUỐC HƯNG 16/10/2021 16:43

(QNO) - Công ty sản xuất khắp thế giới đang nỗ lực tìm nhân công, nguyên vật liệu và nhiên liệu. Sự thiếu hụt này dẫn đến giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng cao.

Giá hàng hóa tăng khiến người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn khi mua hàng. Ảnh
Giá hàng hóa tăng khiến người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn khi mua hàng. Ảnh: Itock

Tập đoàn 2 Sisters Food Group - nhà sản xuất thịt gà lớn nhất tại Anh cho biết, thời kỳ giá thực phẩm rẻ kéo dài 20 năm đang kết thúc do chi phí nhân công và vật tư ngày càng tăng, vì vậy không còn việc mua một con gà với giá 4 USD.

Tại Nhật Bản, nhà sản xuất các sản phẩm sữa nổi tiếng Meiji Holdings vừa tăng giá một số sản phẩm lên tới 12,8%, đây là lần tăng giá đầu tiên của công ty từ năm 2008. Các công ty thực phẩm khác tại Nhật cũng lần đầu tiên tăng giá các dòng sản phẩm chính sau nhiều năm.

Yuka Urakawa - một người tiêu dùng tại Nhật nói: "Giá cả hàng hóa tăng khắp nơi khi mà thu nhập của nhiều người không tăng và thuế cũng đang tăng, sẽ đẩy nhiều người rơi vào nghèo khổ".

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển báo cáo rằng lạm phát ở quốc gia Bắc Âu này đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm. Các báo cáo tương tự cũng đến từ Tây Ban Nha và Ireland.

Tình trạng thiếu nhân công đang dẫn đến sự chậm trễ lớn tại các cảng hàng hóa ở Mỹ. Do đó, Tổng thống Joe Biden thông báo rằng công nhân tại các cảng Los Angeles và Long Beach của California sẽ làm việc suốt ngày đêm để bốc dỡ khoảng 500.000 container đang chờ lên tàu.

Trong khi đó, giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao kỷ lục trong vòng nhiều năm qua sau khi Ả-rập Xê-út bác bỏ lời kêu gọi tăng sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).

Giám đốc nghiên cứu Damien Courvalin của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định, giá dầu sẽ ở mức cao trong vài năm tới đây, khi nhu cầu tăng mạnh mà nguồn cung vẫn thắt chặt. Goldman Sachs cũng đưa ra kịch bản giá dầu Brent sẽ đạt mốc 90 USD/thùng trước khi kết thúc năm 2021.

Tại Mỹ, lạm phát giá buôn bán tăng 8,6% trong tháng 9.2021 so với một năm trước - mức tăng lớn nhất kể từ lần thay đổi 12 tháng được tính lần đầu vào năm 2010.

Các chuyên gia cho biết, lạm phát tăng vọt trong năm nay phản ánh giá thực phẩm, năng lượng và một số mặt hàng khác từ đồ nội thất đến ô tô tăng cao hơn do đại dịch đã phá vỡ chuỗi cung ứng và nhu cầu vượt xa nguồn cung.

Tại Trung Quốc, tình trạng thiếu than, giá nhiên liệu cao và nhu cầu ngày càng tăng sau đại dịch đang dẫn đến việc ngừng sản xuất tại các nhà máy cung cấp hàng hóa cho thế giới.

Trong báo cáo hằng tháng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), giá năng lượng cao hơn cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát, cùng với việc mất điện, có thể dẫn đến hoạt động công nghiệp giảm và sự phục hồi kinh tế chậm lại.

Ngày 13.10 vừa qua, công ty phần mềm lập bản đồ TomTom của Hà Lan báo cáo doanh số bán hàng giảm 21% trong quý III.2021 và cho rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng trong ngành ô tô có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2022.

Trước đó, nhà sản xuất xe CNH Industrial cho biết họ sẽ tạm thời đóng cửa một số trung tâm sản xuất ở châu Âu vì khó khăn trong việc tìm kiếm phụ tùng. Một số nhà sản xuất ô tô khác, chẳng hạn như Toyota, đang hy vọng sẽ khởi động lại sản xuất vào tháng 12 với các lô hàng mới từ các nhà cung cấp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Trong khi đó, nhu cầu về chất bán dẫn ngày càng tăng là tin tốt đối với TSMC của Đài Loan - nhà sản xuất thiết bị chip điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới khi đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giá hàng hóa, dịch vụ tăng khắp thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO