Nhân viên rô bốt tại siêu thị Nhật Bản

NAM VIỆT 15/09/2020 16:26

(QNO) - Nhật Bản là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, gây ra tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Các công ty đang chuyển sang sử dụng công nghệ như một giải pháp cho vấn đề này.

Rô bốt Model-T của công ty khởi nghiệp Telexistence. Ảnh: CNN
Rô bốt Model-T của công ty khởi nghiệp Telexistence. Ảnh: CNN

Tuần này, Lawson - một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản triển khai rô bốt làm nhiệm vụ xếp hàng hóa lên kệ ở Tokyo. Tháng trước, FamilyMart thử nghiệm các rô bốt tương tự và cho biết họ có kế hoạch để chúng làm việc tại 20 cửa hàng của mình vào năm 2022.

Cả hai thương hiệu Lawson và FamilyMart triển khai rô bốt có tên Model-T, do công ty khởi nghiệp Telexistence tại Nhật phát triển. Rô bốt di chuyển xung quanh trên một bệ có bánh xe và được trang bị camera, micrô và cảm biến. Với chỉ 3 “ngón tay” trên mỗi bàn tay, rô bốt có thể đặt lên các kệ hàng với các sản phẩm như đồ uống đóng chai, lon, chén bát. 

Ông Matt Komatsu - người đứng đầu bộ phận phát triển và hoạt động kinh doanh tại Telexistence cho biết: “Rô bốt có thể nắm hoặc chọn và đặt các vật thể có nhiều hình dạng, kích thước khác nhau vào các vị trí khác nhau”.

Sản phẩm của Telexistence khác biệt với các rô bốt khác được sử dụng trong cửa hàng, chẳng hạn như rô bốt được Walmart sử dụng để kiểm tra hàng tồn kho trên kệ hoặc rô bốt được sử dụng trong nhà kho để chất xếp thùng. Chuyển động của những rô bốt này hạn chế hơn so với Model-T.

Model-T được nhân viên cửa hàng điều khiển từ xa, thậm chí cách đó 5km, cùng thiết bị tai nghe thực tế ảo (VR) và găng tay đặc biệt để họ cảm nhận những sản phẩm mà rô bốt đang cầm trên tay. Micrô và tai nghe cho phép họ có thể giao tiếp với mọi người trong cửa hàng.

Telexistence không có kế hoạch bán trực tiếp rô bốt Model-T và hệ thống VR cho các cửa hàng, nhưng sẽ cung cấp chúng với một khoản phí. Công ty cũng không tiết lộ giá cả nhưng cho biết nó sẽ cạnh tranh về chi phí so với sức lao động của con người.

Ông Matt Komatsu cho biết thêm, việc điều khiển rô bốt rất đơn giản và không yêu cầu những người điều khiến có tay nghề cao.

Theo Satoru Yoshizawa - đại diện của FamilyMart, nhờ rô bốt, các cửa hàng cũng có thể hoạt động với ít nhân công hơn khi nhiều cửa hàng của công ty rất khó thuê lao động trong thời gian ngắn 3 - 5 tiếng một ngày để xếp hàng lên kệ. Với rô bốt, họ có thể thuê một nhân viên vận hành để làm việc trên nhiều cửa hàng và tập trung vào việc thuê con người làm việc tại các quầy thu ngân. 

Trước dịch Covid-19, theo báo cáo năm 2020 của công ty tư vấn quản lý McKinsey, Nhật Bản đang trên đà tự động hóa 27% nhiệm vụ công việc hiện có vào năm 2030. Mặc dù điều đó có thể thay thế công việc của khoảng 16 triệu người, nhưng báo cáo cho biết, Nhật Bản vẫn thiếu 1,5 triệu lao động.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự quan tâm đến tự động hóa, một lý do là rô bốt có thể giúp giảm tiếp xúc giữa người với người. Telexistence đang nỗ lực sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, hy vọng có thể dạy rô bốt sao chép chuyển động của con người một cách tự động mà không cần được điều khiển từ xa. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân viên rô bốt tại siêu thị Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO