Vi rút corona: Cú sốc cho nền kinh tế thế giới

NAM VIỆT 18/03/2020 15:25

(QNO) - Theo kênh truyền hình CNN (Mỹ), dấu hiệu suy thoái của kinh tế thế giới dần hiện hữu khi các quốc gia đang gồng mình chống đại dịch Covid-19.

Một điểm đến nổi tiếng ở thành phố Milan, Italia trước và trong mùa Covid-19. Ảnh: Gettyimages
Một điểm đến nổi tiếng ở thành phố Milan, Italia trước (ảnh trái) và trong mùa Covid-19. Ảnh: Gettyimages

Khi các nhà hàng, cửa hiệu, hãng hàng không, nhà máy đóng cửa, các sự kiện lớn bị hủy trên khắp thế giới, từ Bắc Kinh đến New York, Paris và Madrid..., các nhà kinh tế cảnh báo rằng suy thoái kinh tế toàn cầu gần như trở thành sự thật.

Trung Quốc là nơi khởi phát đại dịch Covid-19, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ không thể phục hồi sớm. Các chính phủ và ngân hàng trung ương ở châu Âu và Bắc Mỹ đang theo đuổi các biện pháp quyết liệt để kiểm soát đại dịch, châu Á vẫn cảnh giác cao độ và thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

Những ngày gần đây, thế giới chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày của người dân khi số ca mắc vi rút corona mới không ngừng tăng, với con số gần 198.422 người mắc bệnh, trong đó khoảng 8.000 ca tử vong (tính đến sáng 18.3).

Các quốc gia hành động quyết liệt nhằm đầy lùi Covid-19 như đóng cửa những nơi công cộng, ban hành lệnh giới nghiêm cho đến đóng cửa biên giới một phần và thậm chí toàn bộ đất nước, khu vực để dập dịch Covid-19 nhưng lại tạo nên cú sốc cho nền kinh tế thế giới.

Mức độ thiệt hại của Trung Quốc ngày một rõ. Cục Thống kê quốc gia nước này cho hay, doanh số bán lẻ giảm 20,5% trong tháng 1 và tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng công nghiệp giảm 13,5%; đầu tư tài sản cố định giảm gần 25% bên cạnh suy giảm trong sản xuất công nghiệp.

Hiện nay, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại Trung Quốc giảm mạnh thì tình hình tại châu Âu và Mỹ đang xấu đi nhanh chóng. Italia - tâm chấn của đại dịch của châu Âu đến nay có hơn 30.000 người nhiễm, trong đó hơn 2.500 ca tử vong; trong khi Mỹ có hơn 6.500 ca nhiễm, trong đó hơn 100 ca tử vong.

Ngày 17.3, Ngân hàng Goldman Sachs hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lý do chính bởi dịch bệnh lan rộng khiến cắt giảm chi tiêu, gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động của cách ly.

Theo đó, kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 5% trong khoảng tháng 4 - 6.2020 và không tăng trưởng (0%) trong tháng 1 - 3.2020. Tăng trưởng GDP dự báo cả năm của Mỹ sẽ hạ từ 1,2% xuống chỉ còn 0,4%.

Nhiều nhà máy đóng cửa vì Covid-19. Ảnh:PA
Nhiều nhà máy đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: PA

Trong khi đó, thị trường tài chính khắp các châu lục biến động, nhiều nơi lao dốc không phanh cũng khiến các doanh nghiệp khó vay vốn để hoạt động kinh doanh trong thời Covid-19. Chứng khoán Mỹ hiện giảm 27% so với mức cao kỷ lục chưa đầy một tháng qua.

Bên cạnh tạm ngắt giao dịch trên thị trường chứng khoán trong một khoảng thời gian, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa thông báo hạ lãi suất khẩn cấp xuống gần 0% và sẽ cho vay đồng USD với lãi suất rẻ hơn cho các ngân hàng trên thế giới.

Đồng thời, FED tuyên bố  sẽ bơm thêm 500 tỷ USD gần như không lãi suất vào thị trường tài chính, nhằm làm dịu bớt những căng thẳng do dịch Covid-19 gây ra.

Theo CNN, khi thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm, mảng tín dụng ngày càng đóng băng và sự thanh khoản dần biến mất thì một cuộc suy thoái kinh tế đã ngày càng hiện rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vi rút corona: Cú sốc cho nền kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO