WHO trấn an việc sử dụng vắc xin AstraZeneca

NAM VIỆT 16/03/2021 16:14

(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia nên tiếp tục triển khai vắc xin ngừa Covid-19 của Công ty AstraZeneca sau khi nhiều nước tạm ngưng sử dụng vì lo ngại những trường hợp bị máu đông sau khi tiêm.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha được tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca vào sáng 16.3. Ảnh: The Nation
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha được tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca vào sáng 16.3. Ảnh: The Nation

WHO cho biết nhóm cố vấn của WHO đang xem xét lại các báo cáo liên quan đến vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca, tuy chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm vắc xin này gây ra bất kỳ sự cố nào đối với sức khỏe.

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm qua (15.3), tiến sĩ Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của WHO nói: “Chúng tôi không muốn mọi người hoảng sợ và chúng tôi sẽ khuyến nghị các quốc gia tiếp tục tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca”.

Lời kêu gọi của bà Soumya Swaminathan được phát đi khi danh sách các quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, quyết định đình chỉ sử dụng vắc xin AstraZeneca ngày càng tăng vì chỉ ra các trường hợp đông máu ở những người đã được tiêm. Như trong ngày 14 và 15.3, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức quyết định tạm dừng tiêm vắc xin AstraZeneca; trước đó là Áo, Na Uy, Italy,  Estonia, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Romania...

Ngày 12.3, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Âu có động thái tương tự, ngưng sử dụng vắc xin của AstraZeneca cho đến ngày 15.3.

Đến sáng nay 16.3, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cùng 15 bộ trưởng trong Chính phủ Thái Lan trở thành những người đầu tiên ở Thái Lan tiêm chủng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sau khi việc triển khai bị tạm dừng do nghi ngại vấn đề an toàn. Trước khi được tiêm vắc xin AstraZeneca, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố: “Hôm nay tôi sẽ nâng cao niềm tin của công chúng vào vắc xin”.

Được biết, để triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trong toàn dân, Thái Lan chủ yếu dựa vào việc sản xuất vắc xin AstraZeneca trong nước và dự kiến ít nhất 6 tháng nữa mới sẵn sàng.

Bà Soumya Swaminathan nhấn mạnh không có mối liên hệ nhân quả nào được thiết lập giữa quá trình đông máu và vắc xin AstraZeneca, được phát triển chung với Đại học Oxford. Còn Mariangela Simao - trợ lý Tổng Giám đốc WHO về tiếp cận thuốc và các sản phẩm y tế cũng lưu ý rằng hàng triệu liều vắc xin AstraZeneca đã được sử dụng ở châu Âu, nhưng không có sự gia tăng các trường hợp đông máu.

Vắc xin ngừa corona mới của AstraZeneca. Ảnh: Reuters
Vắc xin ngừa corona mới của AstraZeneca. Ảnh: Reuters

Việc đình chỉ là một đòn giáng mạnh vào chiến dịch tiêm chủng toàn cầu mà các chuyên gia hy vọng sẽ giúp chấm dứt đại dịch kéo dài một năm đến nay giết chết hơn 2,6 triệu người và làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia WHO cho rằng việc ngừng sử dụng vắc xin như một biện pháp phòng ngừa là điều dễ hiểu, nhưng làm như vậy khi số ca bệnh đang gia tăng trên khắp châu Âu sẽ càng phức tạp.

Trong khi đó, AstraZeneca nói không có bằng chứng về việc tăng nguy cơ đông máu do tiêm vắc xin của công ty. Còn Cơ quan Dược phẩm châu Âu sẽ tiến hành họp đánh giá vắc xin AstraZeneca và đưa ra kết luận vào 18.3 tới.

Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm 2 mũi, thời gian cách nhau 4 - 12 tuần.

Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ con người trước tác nhân gây bệnh Covid-19 lên đến hơn 90%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng.

Vào ngày 15.2 vừa qua, WHO phê duyệt vắc xin Covid-19 của AstraZeneca để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, mở rộng khả năng tiếp cận với loại vắc xin ở các nước đang phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
WHO trấn an việc sử dụng vắc xin AstraZeneca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO