Vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai dạy thí điểm 5 môn thể thao trong các trường THCS giai đoạn 2019-2021.
Thật ra, gọi “thí điểm” chưa hẳn chính xác bởi từ năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 11 trường tại 8 địa phương gồm Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành bắt đầu đưa vào giảng dạy 5 môn, gồm Karatedo, Taekwondo, bóng đá, bóng rổ, Võ cổ truyển với tổng cộng 548 học sinh tham gia. Thậm chí từ trước đó, một số trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã thí điểm tổ chức dạy môn Võ cổ truyền cho học trò. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay việc dạy các môn thể thao chưa thể triển khai thực hiện đại trà trong các trường học (lần này mở rộng thêm ra 3 địa phương nữa là huyện Đại Lộc, Tiên Phước và Hiệp Đức).
Sau thời gian triển khai, bước đầu có thể khẳng định việc đưa thể thao vào giảng dạy tại các trường đã mang lại kết quả tốt, với sự lan tỏa mạnh mẽ trong học sinh. Tại hội nghị sơ kết sau một năm triển khai thí điểm, cả Sở VH-TT&DL và Sở GD-ĐT đều đánh giá khá cao hiệu quả của chương trình, như học sinh tham gia đầy đủ các buổi tập với thái độ nghiêm túc, tiếp thu bài tập khá nhanh, nắm vững kiến thức cơ bản của môn học. Đặc biệt, môn Karatedo có nhiều em ở 2 trường THCS Lê Hồng Phong (Tam Kỳ) và Phan Châu Trinh (Duy Xuyên) thi lên đai xanh, thậm chí một số em có tố chất tốt như Nguyễn Thị Ngọc Quyên và Nguyễn Hoàng Bảo My đã được tuyển chọn vào tập luyện tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam.
Thật ra ý tưởng đưa thể thao nói chung, võ thuật nói riêng vào giảng dạy trong trường học cho học trò không phải là mới. Từ năm học 2015-2016, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo đưa Võ cổ truyền vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông. Trước đó, tại hội thảo tìm kiếm các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao do Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam tổ chức năm 2014, nhiều ý kiến đều thống nhất quan điểm, thể thao học đường chính là “cái nôi” cho thể thao thành tích cao phát triển. Từ đó, đề nghị Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở GD-ĐT đưa vào giảng dạy thí điểm các môn Karatedo, Taekwondo, Vovinam tại một số trường THCS; đồng thời, đưa vào chương trình thi đấu giải thể thao học sinh cũng như Hội khỏe Phù Đổng. Dù vậy, mãi cho đến năm 2017 ý tưởng này mới được đi vào thực tế.
Các môn thể thao đều cần “đất” để phát triển và không nơi nào màu mỡ, có đầy đủ điều kiện thuận lợi hơn nhà trường phổ thông, đó là một điều hiển nhiên mà các nền thể thao tiến tiến trên thế giới áp dụng. Ngược lại, công tác giáo dục thể chất, trong đó có việc đưa một số môn thể thao vào giảng dạy tại trường học, không chỉ giúp học sinh rèn luyện thể chất, phát triển năng lực mà còn góp phần hỗ trợ cho các em học văn hóa tốt hơn. Sự tác động tương hỗ, qua lại cho thấy ý nghĩa tích cực của việc đưa các môn thể thao vào trường học, cho dù hiện nay đây không phải là môn học chính khóa và chỉ được tổ chức học tập ngoại khóa.