Quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai đã tạo ra lực hút hấp dẫn các dự án đầu tư. Ngày 24.3 này, tại Chu Lai sẽ có thêm nhiều dự án của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) được khởi công, trong đó có những dự án liên kết hoạt động ở lĩnh vực mới công nghiệp nông nghiệp. Những dự án động lực này đã đặt thêm một mốc son trong hành trình phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai.
Cảng Chu Lai sẽ được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
GIA TĂNG NĂNG LỰC SẢN XUẤT
Những nhà máy, công xưởng sẽ tiếp tục được Thaco đầu tư, mở rộng với kỳ vọng đón đầu nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Sẽ có khoảng 200 xe ô tô du lịch lần đầu tiên từ Chu Lai được xuất khẩu trong năm 2019. Và AFTA đã tạo thêm cơ hội cho Thaco.
Mở rộng đầu tư
Sau hơn 15 năm, kể từ khi nhà máy xe tải, bus công suất 25.000 xe/năm trên diện tích 38ha với tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng đầu tiên tại Chu Lai, Thaco đã tự mình làm một cuộc “cách mạng”. Không chỉ hội tụ 7 thương hiệu lớn trên thế giới (Kia, Mazda, Peugeot, BMW, Nini, BMW Motorrad và Fuso), Trường Hải đã trở thành nhà sản xuất xe bus mang thương hiệu nội địa hàng đầu.
Không dừng lại ở vị thế của một doanh nghiệp ô tô có sản lượng, doanh số liên tục dẫn đầu thị trường Việt Nam, chiếm đến 34,7% thị phần Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) năm 2018, Thaco đã đặt chỉ tiêu doanh số tối thiểu năm 2019 lên 110.000 xe (75.000 xe du lịch, 35.000 xe tải, bus các loại; sẽ xuất khẩu 1.400 sơ mi rơ mooc và 350 xe bus). Ông Nguyễn Quang Bảo - Giám đốc sản xuất Thaco cho biết sẽ sản xuất 106.773 xe, tăng 28% so năm 2018. Khoảng 350 xe bus sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, Philippines, Singapore, 1.400 sơ mi rơ mooc sang Mỹ và Canada, 200 xe du lịch Kia Sedona sang Thái Lan và phát triển 39 sản phẩm (ô tô và sơ mi rơ mooc).
Mở rộng khu công nghiệp cơ khí ô tô và dự kiến sẽ xuất khẩu ô tô du lịch ngay trong năm 2019. Ảnh: T.D |
Hiện thực hóa kế hoạch này, đặc biệt lần đầu tiên sẽ xuất khẩu ô tô du lịch sang khu vực AFTA, Thaco đã quyết định nâng cấp đầu tư các nhà máy với tổng giá trị giải ngân dự kiến 3.578 tỷ đồng, thông qua dự án động lực đầu tư mở rộng khu công nghiệp cơ khí ô tô thêm 126ha, với các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô chính yếu nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe du lịch, phát triển thêm cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị nông nghiệp. Sẽ tự nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị, đầu tư xây dựng nhà máy xe tải Thaco, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa máy móc thiết bị, giảm chi phí đầu tư và đưa vào hoạt động tháng 10.2019 với công suất thiết kế 50.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư dự kiến 4.500 tỷ đồng. Nâng cấp toàn diện nhà máy xe du lịch Thaco Kia, nâng mức độ tự động trong các dây chuyền sản xuất, nâng công suất thiết kế lên 50.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư 220 tỷ đồng (đưa vào hoạt động từ cuối tháng 7.2019); cải tiến và nâng cấp “layout” công nghệ của tổ hợp cơ khí, dự kiến hoàn thành tháng 10.2019.
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco cho hay sẽ đẩy mạnh liên doanh, liên kết, đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng chính yếu, trong đó có nhà máy sản xuất động cơ, nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các loại xe (bus trên 60%, xe tải trên 40%, xe du lịch Kia đạt trên 40% và xe du lịch Mazda thế hệ thứ 7 đạt đến 30% vào năm 2020). Đây là mục tiêu chiến lược và tiên quyết để gia tăng năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa, tham gia xuất khẩu sang các nước khu vực ASEAN và cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô ra thị trường xuất khẩu.
Trung tâm cơ khí miền Trung
Quyết định liên tục đầu tư phát triển ngành sản xuất, kinh doanh ô tô trên định hướng tối đa tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên số hóa để quản trị sản xuất, kinh doanh theo mô hình “thông minh” xuyên suốt trong chuỗi giá trị… được cho là lựa chọn đúng và là một thái độ dũng cảm của Thaco. Song, không chỉ sản xuất và lắp ráp ô tô, một phân khu tổ hợp cơ khí và các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng sẽ được tách riêng biệt. Cơ khí sẽ trở thành ngành nghề sản xuất, kinh doanh song song ô tô. Kế hoạch của Thaco vẫn dựa vào hợp tác liên doanh, liên kết để sản xuất cơ khí nông nghiệp, xây dựng, thiết bị công nghiệp. Không chỉ vậy, dựa trên hoạt động R&D và năng lực máy móc thiết bị sẵn có của tổ hợp cơ khí tiến đến hình thành trung tâm cơ khí miền Trung tại Chu Lai. Khu vực này sẽ thử nghiệm nguyên vật liệu, gia công cơ khí cho từng công đoạn cho khách hàng. Sự khác biệt và đặc biệt Thaco sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ gồm: cơ giới - tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quản trị công nghiệp cho lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và sản xuất công nghiệp.
Sự kiện liên tục xuất xưởng các mẫu xe mới, đầu tư thêm nhiều nhà máy sản xuất, mở rộng cảng, khu công nghiệp cơ khí ô tô…, không chỉ đưa Thaco trở thành nhà sản xuất và phân phối đầy đủ phân khúc xe du lịch hàng đầu mà còn khẳng định hướng đi đúng của Thaco trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để dần tiến tới lộ trình gia nhập ASEAN. “Sự kiện” xe bus và xe du lịch sẽ xuất khẩu năm 2019 đã chứng minh Thaco có đủ năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô theo hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới thị trường AFTA và khu vực ASEAN.
Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ đối xử bình đẳng, có những chính sách phù hợp phát triển nền công nghiệp ô tô giữa các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô là một cuộc “cách mạng lớn”. Không thể chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu ô tô mà một nền công nghiệp sản xuất ô tô đã dần thành hiện thực. Thành công của Hyundai Thành Công, Thaco hay sự kiện gây chú ý truyền thông nội địa và quốc tế khi Tập đoàn Vingroup đầu tư dự án sản xuất ô tô Vinfast và công bố mở bán những chiếc ô tô sản xuất tại Việt Nam… là kết quả của những nỗ lực “lội dòng nước ngược” khi quyết định sản xuất thay vì nhập khẩu như các doanh nghiệp ô tô khác. Đó là một quyết định chiến lược của riêng doanh nghiệp. Nhưng, trong khi các nhà sản xuất vẫn tiếp tục mong có thêm chính sách phát triển công nghiệp ô tô một cách hợp lý thì người tiêu dùng lại mong một ngày có thể mua được ô tô giá rẻ. Giải quyết được điều này mới thực sự là thành công của các nhà sản xuất ô tô, hơn là những con số tăng trưởng!
ĐỢI NGÀY BÙNG NỔ ĐẦU TƯ
Quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai công bố hồi cuối năm 2018, như một chất xúc tác mạnh, hấp dẫn các nhà đầu tư đến đặt cược những cuộc làm ăn lâu dài, hứa hẹn, chờ đợi làn sóng bùng nổ đầu tư.
Nhà đầu tư đến Chu Lai tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Ảnh: T.D |
Hấp dẫn doanh nghiệp
Gần 3 tháng sau ngày công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai, 3/5 giấy phép thỏa thuận, nghiên cứu, đầu tư cấp cho 3 doanh nghiệp (2 Việt Nam và 1 FDI) ngay trong “sự kiện” ấy đã lên lịch tiến hành khởi công, đầu tư. Ông Phạm Ân – Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết ngoài dự án mở rộng khu công nghiệp (KCN) cơ khí ô tô Chu Lai, KCN chuyên nông lâm nghiệp và cảng nước sâu của Trường Hải sẽ chính thức khởi công vào ngày 24.3.2019, hai dự án còn lại là sản xuất vật liệu xây dựng nhà lắp ghép thông minh (FDI) và tổ hợp nhà máy pha chế khí hóa lỏng đang được các nhà đầu tư nghiên cứu, sẽ tiến hành khởi động trong vài tháng tới.
Quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai như thỏi nam châm có lực hút rất mạnh các nhà đầu tư. Tập đoàn Hyosung sau một thời gian nghiên cứu đã quyết định khởi công đầu tư xây dựng giai đoạn 1 dự án sản xuất sợi vải mành, sợi nylon, sợi thép với tổng giá trị đầu tư 210 triệu USD trên diện tích 13ha (trong tổng giá trị đầu tư cả dự án hơn 1,3 tỷ USD trên diện tích 100ha). Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV phát triển hạ tầng KCN Chu Lai cho hay, chỉ sau Tết Kỷ Hợi 2019, nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng dự án. Dự kiến đến tháng 6.2019 sẽ hoàn tất phần xây dựng thô và đến tháng 2.2020, dự án sẽ chính thức hoạt động.
Không chỉ Hyosung quyết định đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Bodo Th. Boelzle - Giám đốc điều hành Tập đoàn Amann (Đức) cũng cho biết đang đào tạo chuyển giao công nghệ nhanh nhất cho đội ngũ Việt Nam để có thể bắt đầu sản xuất vào tháng 6.2019 với 250 công nhân. Amann sẽ đạt năng suất sản xuất 1.000 tấn chỉ may và chỉ thêu trong khoảng 3 năm. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, hầu hết nhà đầu tư lớn trong số 111 dự án như kính nổi, nước giải khát Numberone – Chu Lai, Panko – Hàn Quốc và các nhà đầu tư Hàn Quốc, Đức, Sri Lanca... đã công bố sẵn sàng tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Hiện các cơ quan quản lý, nhà đầu tư đang đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng diện tích còn lại dự án KCN Tam Thăng để bàn giao nhà đầu tư triển khai dự án, triển khai kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng dự án KCN Tam Thăng (mở rộng) khoảng 100ha và KCN Tam Thăng 2 khoảng 103ha.
Làn sóng đầu tư mới
Hai đường dẫn Bắc - Nam cầu Cửa Đại đã hoàn tất. Những hạng mục như cầu, đường nối đường 129 đến Chu Lai đang tiến hành đầu tư. Không chỉ dự án xử lý chất thải, nước thải môi trường đô thị Chu Lai Núi Thành 25 triệu USD (dự án đầu tiên được Chính phủ ưu tiên thí điểm tại khu Khu kinh tế mở Chu Lai nằm trong 15 khu kinh tế ven biển Việt Nam) sẽ được xây dựng vào đầu năm 2019, các dự án Khu sân golf - thương mại, dịch vụ - du lịch vùng đông Tam Kỳ cũng đang được hoàn thiện để có thể khởi công trong nay mai.
Câu hỏi về những dự án đầu tư được cấp phép “rầm rộ” ở vùng đông nam năm 2017 bị vướng cơ chế, chính sách đất đai, bị buộc phải dừng lại nhiều năm qua đã có câu trả lời. Các dự án như Khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí của tập đoàn BRG; Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC, Bình Dương, Opal Ocean View, hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án Tổ hợp khu du lịch cao cấp, thể thao, giải trí, làng nghề truyền thống của Tổng Công ty MB Land, dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng TUI BIUE… được Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai công bố đang chuẩn bị các điều kiện để khởi công.
Không chỉ các nhà kinh tế, các chuyên gia và cơ quan quản lý khẳng định sẽ có một làn sóng đầu tư vào khu vực này, cho dù quyết định điều chỉnh, mở rộng không gian không kèm theo bất cứ cơ chế, chính sách nào! Quảng Nam đang đặt hy vọng vào các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế thông qua 29 cuộc gặp gỡ, ký kết thỏa thuận và cấp phép đầu tư như Exxon Mobil (Mỹ), Hyosung (Hàn Quốc), Misubishi (Nhật Bản), Công ty điện Ratchaburi (Thái Lan), Trường Hàng không New Zealand, Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản), Amann (Đức), Tập đoàn UMS (Singapore), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn PHI Group… Không chỉ vậy, đã có không ít cuộc khảo sát, kết nối, ký kết biên bản hợp tác giữa Quảng Nam với doanh nghiệp ô tô Peugoet (Pháp), nghiên cứu, khảo sát các khu công nghiệp dược liệu tại Hàn Quốc... Một kế hoạch quảng bá, vận động, xúc tiến, đàm phán cụ thể từng dự án đầu tư, tập trung vào các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Hồng Kông, Macau…, có thể chờ đến ngày khu vực này bùng nổ đầu tư. Đây cũng là phép thử về sự năng động của chính quyền và cơ quan quản lý Quảng Nam!
MỞ CÁNH CỬA MỚI
Ngày 24.3.2019, có thêm 4 dự án chính thức khởi công tại Chu Lai. Những dự án động lực này sẽ kết nối, hình thành nên một hậu xứ Thaco - Chu Lai rộng lớn, biến khu vực đầy gió cát thành khu công - nông nghiệp - đô thị đầy triển vọng.
Lãnh đạo Quảng Nam kiểm tra các dự án đầu tư tại Chu Lai. Ảnh: T.D |
Nông nghiệp trên đồi cát
Nông nghiệp đã được chọn là 1 trong 5 trụ cột phát triển của Thaco. Tập đoàn này công bố sẽ đầu tư phát triển nông nghiệp theo mô hình sản xuất công nghiệp với sản lượng lớn, chất lượng an toàn, ổn định bằng cơ giới, tự động hóa với các thiết bị chuyên dụng và ứng dụng số hóa trong quản trị xuyên suốt chuỗi giá trị từ nghiên cứu, canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến, phân phối theo các nhóm cây trồng. Chưa có một thông báo Thaco có sản xuất nông nghiệp trên những đồi cát nóng Núi Thành hay không, nhưng ngày 24.3 tới đây, một khu công nghiệp nông – lâm nghiệp sẽ chính thức khởi công.
Theo dự kiến, nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế hơn 200.000 tấn/năm, một tổng kho bảo quản để xuất khẩu trái cây tươi và các nhà máy sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế hơn 120.000 tấn/năm với các sản phẩm cấp đông, sấy dẻo, nước cốt xuất khẩu với chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỷ đồng sẽ ra đời năm 2019. Nhà máy này khởi sự đầu tư cho hàng loạt tổng kho, nhà máy sản xuất, chế biến sau thu hoạch cho trái cây, tổng kho gỗ, các nhà máy sản xuất đồ gỗ, cung cấp các giải pháp cơ giới hóa cho nông nghiệp, sản xuất vật tư, thiết bị phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ ngành nông nghiệp… sẽ lấp đầy 415ha đất của khu công nghiệp này sau 5 năm với tổng vốn đầu tư hơn 13.800 tỷ đồng.
Theo nhận định của Thaco, khu công nghiệp nông – lâm nghiệp này ra đời nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín cho Hoàng Anh nông nghiệp Gia Lai tại vùng trồng ở Nam Lào, Tây Nguyên, là đầu ra ổn định cho nông dân ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Một công ty phân phối, bao tiêu sản phẩm cho Hoàng Anh nông nghiệp Gia Lai để xuất khẩu trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây sẽ nhanh chóng được thiết lập. Dự kiến sẽ xuất khẩu 300.000 tấn tương ứng 15.000 container trong năm 2019.
Cuộc “dấn thân” vào lĩnh vực nông nghiệp của Trường Hải được đánh giá sẽ góp phần thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Quảng Nam dựa vào thế mạnh cơ khí và kinh nghiệm quản trị công nghiệp. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương cho hay tổ chức sản xuất công nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp chuyên biệt. Nghiên cứu, sản xuất các máy móc thiết bị chuyên dụng cho nhóm sản phẩm nông nghiệp các loại, khép kín theo chuỗi giá trị từ khâu canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến và phân phối.
Rộng đường ra thế giới
Không chỉ khởi công 2 dự án (cơ khí ô tô và nông nghiệp), một sự kiện đáng chú ý nữa sẽ diễn ra tại Chu Lai ngày 24.3. Một bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng và khu nhà ở công nhân, tái định cư sẽ được xây dựng. Chính quyền và nhà đầu tư sẽ tiến hành nạo vét tuyến luồng có độ sâu đồng bộ, hoàn thành thiết kế và triển khai thi công.
Bến cảng Chu Lai mở rộng, biến cảng sông Chu Lai có quy mô lớn duy nhất được định hướng cảng container lớn nhất miền Trung, trở thành một cảng quốc tế xuất khẩu trực tiếp. Không đơn giản chỉ là chuyện rút ngắn không gian, thời gian mà còn chính là vận hội cho Quảng Nam rộng cửa đón các nhà đầu tư đến Chu Lai và nhiều vùng đất khác của Quảng Nam khi hàng hóa qua khu vực này sẽ tiết giảm chi phí vận chuyển, giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Theo kế hoạch, năm 2019, Thaco sẽ vận chuyển gần 54.500 tấn hàng rời, gần 51.300 container hàng hóa bằng đường bộ, đường biển. Sẽ tiếp nhận 791 lượt tàu cập cảng, với sản lượng hàng hóa qua cảng đạt hơn 3,5 triệu tấn, tăng 30% so năm 2018. Chu Lai trở thành một hậu xứ mênh mông, kết nối giao thương miền Trung – Tây Nguyên, Nam Lào, mở cửa ngõ ra biển Đông của vùng Đông Bắc Á. Khởi đầu từ việc vận chuyển trái cây bằng xe lạnh chuyên dụng, vận chuyển vật tư nông nghiệp, dịch vụ kho lạnh, bãi container và những container trái cây từ các nông trường Gia Lai, Nam Lào, Campuchia vượt biển ra thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay chính quyền sẽ hỗ trợ nhà đầu tư tiến hành nạo vét thêm luồng lạch để đón tàu lớn vào cảng. Các tuyến hàng hải quốc tế sẽ rộng đường mở những tuyến vận tải trực tiếp từ Nhật Bản, Hàn Quốc… và cộng đồng các nước ASEAN đến Quảng Nam và khu vực miền Trung. Quảng Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Chu Lai hoạt động phát triển cao nhất; chủ động gặp gỡ, giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư.
TRỊNH DŨNG (thực hiện)