Thêm một giả thiết về Vịnh Tam Tài

24/10/2015 10:39

Theo tác giả Tô Đình Cơ – cháu ngoại cụ Trần Cao Vân, bài Vịnh Tam Tài được ông sáng tác tại nhà lao Huế để bày tỏ chí khí và quan niệm của mình trong lúc chờ ngày ra pháp trường. (Thân thế và sự nghiệp Trần Cao Vân – Tô Đình Cơ, Sở Văn hóa thông tin Bình Định, 1995). Tuy nhiên gần đây, trong lúc đi điền dã, chúng tôi lại thu thập được những thông tin mới cho rằng Trần Cao Vân đã sáng tác tác phẩm này trước đó ở một làng quê thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam…

Nhiều người dân làng Thanh Quýt (Điện Bàn, Quảng Nam) ngày nay vẫn còn thuộc nhiều bài thơ cảm tác của cụ Trần Cao Vân. Các ông Nguyễn Hữu Khanh và ông Trương Công Sơn (những nhân sĩ tại địa phương) đều xác quyết rằng theo truyền ngôn của các bậc cao niên, ngày xưa cụ Trần Cao Vân từng về ở làng Thanh Quýt nhiều tháng vì là bạn đồng môn với cụ Trần Hàn, một nho sĩ từng học với ông tại trường Huấn ở phủ Điện Bàn. Hai cụ giống nhau ở chỗ cùng chung họ tộc và đều lao đao trên đường hoạn lộ và có mối đồng cảm về ý chí nên rất thân nhau. Những lúc gập ghềnh trên đường cách mạng, cụ Trần Cao Vân thường về chơi nhà bạn, như một cách để lấy lại cân bằng!

Ông Nguyễn Hữu Duyệt, cháu ngoại tộc Trần ở Thanh Quýt.
Ông Nguyễn Hữu Duyệt, cháu ngoại tộc Trần ở Thanh Quýt.

Họ đã gặp nhau nhiều lần trong ba thời kỳ: Sau khi chùa Cổ Lâm bị giặc Pháp khám xét và trước khi cùng vợ rời Quảng Nam đi Bình Định (1891-1892); sau khi bị tù ở Phú Yên vì học thuyết Trung Thiên dịch (1900); và cuối cùng là giai đoạn sau khi rời nhà tù Côn Đảo (1914) cho đến ngày khởi nghĩa 1916.

Chưa thể xác định được thời gian cụ thể, nhưng chúng tôi đã trực tiếp gặp một số nhân chứng là con cháu của cụ Trần Hàn hiện còn sống ở  làng Thanh Quýt để tìm hiểu thêm.

Ông Nguyễn Hữu Duyệt năm nay 81 tuổi là con trai của bà Trần Thị Từ, chủ quán Nam Xương nổi tiếng ở đầu cầu Thanh Quýt trước năm 1945. Bà Từ là cháu nội của cụ Trần Hàn. Ông Duyệt kể rằng ngày trước mẹ ông thường đọc những bài thơ của chính Trần Cao Vân cảm tác khi ở nhà ông nội bà. Như những câu sau đây:

Bếp lửa tắt khó vùi khó thổi

Mượn vầng trăng thay đổi đêm thu
Con thơ đang khóc hu hu

Vì chưng khát sữa nên ru lấy chừng

Hay:

Chim trên rừng còn biết thương con nọ

Huống chi người nỡ bỏ nợ vay

Nhà giáo hưu trí Trần Đổng, năm nay 75 tuổi, gọi cụ Trần Hàn là ông nội bác kể: Cha tôi là Trần Phước Mại, tức ông Giám Phiếm hồi nhỏ có tên là Ất, thường sang chơi nhà bác Trần Hàn. Có lần hai anh em Ất và Giáp đánh lộn với trò Nhược đồng lứa ở hàng xóm, người tộc Nguyễn, nhưng có quan hệ bà con. Cả ba người này đều theo học cụ Trần Hàn và Trần Cao Vân ở Thanh Quýt. Thấy Nhược thua bỏ chạy mà Ất cố đuổi theo, cụ Trần Cao Vân đã có thơ dạy rằng:

Ba thằng nho nhỏ đánh nhau chơi

Ất ví ( đuổi) Nhược thua, Nhược chạy cời

Ngó đi ngó lại dòng Trần, Nguyễn

Nhủ bảo nghe con khá nghe lời!

Ông Đổng cho biết còn nhiều bài thơ kiểu tức cảnh sinh tình như vậy của chính cụ Trần Cao Vân vẫn lưu truyền ở Thanh Quýt, nhưng ông không nhớ hết. Riêng ông Nguyễn Hữu Duyệt lại cho biết nhiều người trong tộc Trần ở làng trước đây thường đọc cho ông và con cháu nghe bài thơ Vịnh Tam Tài của chính cụ Trần Cao Vân. Theo ông Trần Đổng, nay là một chức sắc của đạo Cao Đài cho biết con cháu tộc Trần ở Thanh Quýt hầu hết đều theo đạo Cao Đài từ nhiều đời nay. “Bài Vịnh Tam Tài chính là một tuyên ngôn sớm nhất về vạn giáo nhất lý, đặt nền móng cho bổn đạo mà cụ Trần đã viết từ hơn 10 năm trước khi ngài Ngô Minh Chiêu thành lập nên giáo phái Tam Kỳ phổ độ vào năm 1929 với triết lý:

Tam giáo ngày xưa vốn một nhà

Người đời lầm tưởng lại chia ba

Thích đạo tỷ như hành bộ khách

Nho gia cũng tựa chiếc đò qua…”

 Theo ông Trần Đổng, dòng tộc Trần Phước ở Thanh Quýt có ngài thủy tổ là Trần Quý Công gốc từ Duy Xuyên, sinh được 4 người con trai, không rõ vì lý do gì lại đi ở 4 nơi khác nhau ở vùng bắc Quảng Nam, trong đó có làng Thanh Quýt với cụ tổ là Trần Phước Nhơn, nay đã sinh ra 6 đời con cháu. Tộc Trần Phước đến đời cụ Trần Hàn tuy giỏi giang về học vấn, lại giỏi nghề thuốc nhưng vẫn lao đao lận đận trên đường khoa cử. cụ Trần Hàn, tuy học giỏi nhưng nhiều lần ứng thí vẫn không đỗ đạt gì, lại về quê dạy học, bốc thuốc cứu người. Bạn cùng học trường Huấn là cụ Trần Cao Vân đến kỳ thi lại đau ốm nên họ lại càng gần gũi nhau hơn.

Vịnh Tam Tài
Trời Đất sinh Ta có ý không?
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất in Ta một chữ đồng
Đất nứt Ta ra Trời
chuyển động
Ta thay Trời mở Đất
mênh mông
Trời che Đất chở Ta thong thả
Trời Đất Ta đây đủ hóa công.
Trần Cao Vân

Truyền ngôn trong gia tộc Trần ở Thanh Quýt cho biết: Những lúc cụ Trần Cao Vân về làng Thanh Quýt thường ở chơi đến vài ba tháng, vừa cùng bạn bốc thuốc, xem xét địa cuộc và cả dạy học. Chuyện kể rằng, do học hành lao đao lận đận, con cháu trong nhà lại đau yếu, gia cảnh gặp chuyện không may, con cháu xem đất đai mồ mả cha ông, từ ngài Trần Phước Nhơn trở xuống nghĩ có điều gì không ổn về địa cuộc, định di dời nên từng nhờ cụ Trần Cao Vân xem xét. Và cụ Trần Cao Vân đã khuyên giữ lại, trong đó có mộ của cụ thế tổ Trần Phước Quỳnh ngay trong vườn nhà! Ông Nguyễn Hữu Duyệt kể lại lời mẹ Trần Thị Từ là cụ Trần Cao Vân đã yêu cầu giữ nguyên mộ tổ vì mộ đang kết!

 Xem những tình tiết như vậy trong mối thâm tình của đôi bạn đồng môn, đồng cảnh họ Trần, có người đặt nghi vấn, phải chăng trong những ngày ở Thanh Quýt, có thể là giai đoạn sau khi chùa Cổ Lâm bị khám xét và trước khi rời Quảng Nam cùng vợ đi Bình Định, cụ Trần Cao Vân đã viết Vịnh Tam Tài ở làng này?

Đó là một câu hỏi chưa có lời giải cuối cùng, nhưng con cháu tộc Trần ở Thanh Quýt nay vẫn còn thuộc bài thơ quan trọng này cùng những bài thơ cảm tác của Bạch Sĩ  tiên sinh mà nhiều người dân Thanh Quýt còn thuộc, chứng tỏ dấu ấn của cụ ở ngôi làng này thật đáng kể… Càng đáng kể hơn, bởi Vịnh Tam Tài “nếu chưa phải là tuyên ngôn toát yếu thì cũng là chương mở đầu trong Trung Thiên dịch”, như nhận xét xác đáng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường! (bút ký Đứa con Phù Sa)

Và, nếu là “chương mở đầu” như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận định, thì Vịnh Tam Tài phải ra đời trước năm 1900, nghĩa là trước khi cụ đi tù ở Phú Yên vì học thuyết Trung Thiên dịch!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm một giả thiết về Vịnh Tam Tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO