Nỗi lo mất mát, “chảy máu” nguồn di sản tư liệu thư tịch cổ sẽ vẫn dai dẳng, nếu ngay từ bây giờ không có một kế hoạch bảo tồn rõ ràng…
|
Nhiều đường thất thoát
Trong quá trình theo chân đoàn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT các huyện, thành phố, chúng tôi thấy rằng, mỗi di tích văn hóa, kể cả nguồn thư tịch, đều chịu sự tác động không nhỏ từ các điều kiện khách quan. Chiến tranh khiến các di tích không còn nguyên trạng; trong khi đó, sự bào mòn của thời gian, thời tiết khắc nghiệt của miền Trung cũng là một thử thách không nhỏ đối với việc bảo quản nguồn tư liệu Hán - Nôm ở các địa phương... Giai đoạn 1999-2000, khi cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An (sau này là Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) thực hiện chương trình kiểm kê di sản, đã phát hiện sổ đinh của đình Cẩm Phô trong tình trạng bị ngấm nước. Lúc ấy, cuốn sổ làm bằng da trâu đã thành vật khô cứng, không thể lật mở vì nếu tác động sẽ làm các trang sách bằng da rạn mặt hoặc vỡ nát. Đối với mộc bản tại các chùa, mối mọt, độ ẩm không khí làm hư hỏng cũng là mối đe dọa. Sư thầy Đồng Phước, trụ trì chùa Vạn Đức (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) cho hay, hơn 100 tư liệu mộc bản Hán - Nôm của chùa vẫn đang nằm trên gác xép. Sau những lần cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An hay cán bộ Viện Lưu trữ quốc gia về nghiên cứu, dập in sao, những bộ mộc bản lại được cất vào tủ, nhà chùa vẫn chưa có chỗ để trưng bày. Các đường biên của mộc bản đang bị mục mũn, chữ mòn do ẩm ướt và các loại gặm nhấm phá hoại.
Vua Tự Đức ban sắc phong cho đình Sơn Phong (Hội An) năm Quý Sửu (1853) nay vẫn còn lưu giữ. |
Bên cạnh đó, nguy cơ “chảy máu” thư tịch cổ cũng đã được đặt ra từ hàng chục năm trước. Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ: “Những năm sau ngày quê hương giải phóng (1975), vì đời sống khó khăn, có lúc người dân Hội An phải bán đi hàng chục ký giấy vụn, trong đó có lẫn những thư tịch quan trọng mà chính chủ nhân cũng không hề biết. Còn có một thời rộ lên tình trạng mua bán cổ vật, và các sắc phong vua ban cũng là một trong những loại hình được tìm mua. Hay những đợt sinh viên các trường đại học về Hội An nghiên cứu văn tự, thư tịch Hán - Nôm, do không ý thức được tầm quan trọng của nguồn tư liệu này, nhiều chủ nhân đã tặng sinh viên khá nhiều trang tư liệu cổ”. Ở các địa phương khác, nguồn tư liệu Hán - Nôm của làng xã cũng bị thất thoát khá nhiều. Sắc phong bị trộm cắp, hoặc bị con cháu trong tộc mang bán đi do không hiểu giá trị văn hóa - lịch sử đối với dòng tộc hoặc bán để có thêm nguồn kinh phí tu bổ đình làng, nhà thờ tộc… đã từng là một thực trạng kéo dài trong những năm 1990.
Cuối tháng 4.2014, tại chùa Phước Lâm (Hội An) mất 3 tượng Phật có niên đại gần 300 năm. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc “chảy máu” di sản hiện vật quý báu của tiền nhân, và nguồn thư tịch cổ đầy giá trị ắt hẳn không nằm ngoài nguy cơ này.
Văn đơn của bà Võ Thị Tâm được viết vào năm Khải Định nhị niên (1917). Ảnh tư liệu |
Thiếu nhân lực
Sau cuộc điền dã, sưu tầm năm 1987 đến nay, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tuy chưa có thêm cuộc điều tra quy mô toàn thành phố, nhưng những hoạt động sưu tầm ngày càng chuyên môn hơn. Khá nhiều tư liệu thư tịch cổ được sử dụng trong việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa, kiến trúc, tu bổ di tích và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An. Hiện nay trung tâm đã sử dụng kỹ thuật số hóa trong công tác lưu giữ tư liệu, ngoài ra còn quan tâm đến công tác truyền thông, nhắc nhở người dân về tầm quan trọng của những thư tịch cổ mà họ đang nắm giữ. Tuy nhiên, một phương pháp khoa học để có thể bảo quản loại hình di sản này vẫn chưa tìm thấy. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực này rất hiếm hoi. Ông Trần Văn An đưa ra dẫn chứng, cả một khối lượng đồ sộ hàng nghìn trang tư liệu Hán - Nôm nhưng Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chỉ có một cử nhân Hán - Nôm đảm trách công việc dịch thuật.
Người nghiên cứu thư tịch cổ không chỉ thông thạo Hán - Nôm mà còn cần phải am hiểu về lịch sử - văn hóa. Tiếc thay tại Quảng Nam, số lượng người như vậy rất ít, và số rất ít đó phần lớn đã cao tuổi. Tìm lớp người trẻ có tâm huyết nghiên cứu trong địa hạt này e rằng rất khó, nếu không có một chế độ đãi ngộ thích hợp để kêu gọi người tài về địa phương. Bà Đinh Thị Hiệp - cán bộ phụ trách Bảo tàng Điện Bàn nêu khó khăn: “Mỗi khi địa phương phát hiện được văn bia cổ hoặc trang tư liệu Hán - Nôm đều phải cậy nhờ người dịch. Khi thì cán bộ của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, khi thì giảng viên trường Đại học Đà Nẵng”. Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đi sâu hơn về công tác bảo quản nguồn di sản tư liệu Hán - Nôm, tìm hướng bảo tồn tốt nhất để gìn giữ.
Bảo tồn, phát huy giá trị thư tịch cổ, di sản tư liệu Hán - Nôm cần sự chung tay góp sức của nhiều người, nhiều ngành. Trong đó, ngành văn hóa Quảng Nam sau khi sưu tầm, in dập, cần đọc dịch, tiến hành in ấn những tài liệu thư tịch cổ để tạo điều kiện cho thế hệ sau tiếp cận, tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị cổ xưa đó. Mong rằng bức màn giữa hiện tại và quá khứ sẽ được vén lên thông qua việc nghiên cứu nguồn thư tịch cổ - đang ngày càng trở nên mong manh, nếu không mau chóng có những phương kế bảo tồn hợp lý.
Một “lát cắt” về Hội An Trong quá trình thu thập tư liệu cho bài viết, chúng tôi tiếp cận được nguồn tư liệu của ông Phạm Thúc (thầy giáo đã nghỉ hưu ở phường Minh An, Hội An - người chuyên khảo cứu văn tự, thư tịch Hán - Nôm) với những thông tin liên quan đến một thư tịch là văn bản hành chính của chính quyền cấp xã xác nhận về việc chuyển đổi, tân tạo nhà tranh thành nhà ngói của cư dân Hội An. Đó là văn đơn của bà Võ Thị Tâm được viết vào năm Khải Định nhị niên 1917 (do ông Lê Ninh là cháu ngoại lưu giữ trong gia phổ). Văn bản được viết bằng chữ Hán có các chữ ký cá nhân và đóng triện lý trưởng nhiều chỗ để xác nhận tính hợp pháp. Theo bản dịch: “Phủ Điện Bàn, huyện Diên Phước, tổng Phú Triêm xã Hội An. Sương phụ Võ Thị Tâm, nay lập giấy xác nhận duyên cớ sau: Tòa Sứ sức xuống các nhà tranh ở gần thành phố phải sửa sang thành nhà ngói mới được cư trú, nếu không thực hiện phải di chuyển đi nơi khác. Nhân tháng hai năm này, bà ta (Võ Thị Tâm) vay ít nhiều được số tiền chuẩn bị vật liệu dựng thành một tòa nhà ngói ba gian và có nhà bếp tọa lạc tại xã Minh Hương, ấp Hương Thắng, địa phận Tự Lỗi để an cư sinh sống. Nay bà ta kính xin xây dựng nhà ngói này trên nền đất nguyên là đất công Ngũ Bang . Vậy lập bản kính xin Quý xã - Lý trưởng nhận thực làm bằng chứng Khải Định năm thứ hai (1917) tháng 6 ngày 14 Xã Minh Hương, lý trưởng Trần Vĩnh Huyên nhận thực chữ ký Võ Thị Tâm điểm chỉ Người viết: Tống Thái tự ký”. Ngôi nhà này hiện tọa lạc ở số 132/7 đường Trần Phú, khối phố An Thắng, phường Minh An. Ngôi nhà khi xây dựng mái lợp ngói vảy cá, nay đã qua nhiều lần tu sửa và thay đổi nghiệp chủ nên không còn giữ nguyên kiến trúc ban đầu. Văn bản cổ này cung cấp nhiều thông tin về các địa giới, địa danh, đời sống, văn phong, chữ viết, thủ tục hệ thống hành chánh các cấp của một bộ phận cư dân Hội An những năm đầu thế kỷ XX. Trong những thông tin ấy, Hội An cũng được phản ánh một góc nhìn trong quá trình đô thị hóa. Điều quan trọng xuất hiện trong văn bản này có câu chữ Hán được định nghĩa: “Tòa Sứ sức xuống các nhà tranh ở gần thành phố phải sửa sang thành nhà ngói mới được cư trú, nếu không thực hiện phải di chuyển đi nơi khác”. Thời kỳ đầu thế kỷ XX, TP.Hội An còn khu hẹp trong phạm vi các đường phố Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú như hiện nay. Tòa Sứ ra mệnh lệnh các cư dân đang sống trong các nhà tranh “cận cư thành phố” phải cải tạo thành nhà ngói mới chấp nhận được cư trú. Như vậy Hội An đã có bước ngoặt mở rộng thành phố về hướng bắc, trong đó có khu đất “ấp Hương Thắng, địa phận Tự Lỗi” thuộc khu vực đường Phan Châu Trinh hiện nay. Thư tịch này cho thấy đã có một mệnh lệnh hành chính của chính quyền nhằm tạo ra sức bật trong quá trình tái thiết kiến trúc nhà dân dụng Hội An để đúng tầm cỡ của một đô thị có Tòa sứ đồn trú và từ đó góp phần tạo Hội An phát triển với tầng lớp thị dân mới. |
SONG ANH