Năm học mới đến gần, cô nữ sinh nghèo ở Điện Hồng (Điện Bàn) Lê Thị Ngọc Trâm đang chuẩn bị hành trang để bước vào trường Đại học Sư phạm Huế, mang theo cả ước mơ trở thành giảng viên đại học trên chặng đường dài phía trước.
|
Ngọc Trâm bên góc học tập. Ảnh: H.L |
Khác với vẻ bề ngoài nhút nhát, rụt rè là một Ngọc Trâm nghị lực, già dặn trong suy nghĩ. Sinh ra và lớn lên ở thôn Đa Hòa Bắc (xã Điện Hồng, Điện Bàn), Ngọc Trâm là chị cả trong gia đình nghèo. Cha làm thợ cơ khí, mẹ quanh năm nhọc nhằn với ruộng đồng. Tuổi thơ em hằn in những ngày lao động khổ cực của cha, nếp nhăn trên trán của mẹ. Tất cả ký ức ngày thơ đó đều có trong những trang văn trong sáng Trâm từng viết. Bắt đầu từ bài văn tả quê hương thuở niên thiếu, em đã gắn cùng hình ảnh người mẹ tảo tần dắt tay cô học trò nhỏ qua cánh đồng mênh mông đến lớp. Rồi theo sau đó là những thành tích được khẳng định qua các kỳ thi học sinh giỏi văn cấp huyện, cấp tỉnh. Thi đỗ vào lớp 10 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - TP.Đà Nẵng là một trong những thành tích “vẻ vang” có rất nhiều ý nghĩa với cô bé Ngọc Trâm ngày trước. Không chỉ là môi trường chắp cánh cho năng khiếu của Trâm nảy nở, đó còn là điểm xuất phát cho niềm đam mê được em nuôi nấng từ thuở nhỏ. Cũng một phần, để mẹ cha ở quê nhà đỡ vất vả hơn.
Lê Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đà Nẵng, đã được tuyển thẳng vào trường Đại học Sư phạm Huế trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2013. Những thành tích đạt được: Giải Nhì (năm lớp 10) và giải Nhất (năm lớp 11) môn Văn kỳ thi học sinh giỏi TP.Đà Nẵng; Huy chương Bạc môn Ngữ văn kỳ thi Olympic 30.4 lần thứ XVIII tại Vũng Tàu; được Bộ GDĐT tặng Bằng khen vì thành tích “đoạt giải Ba môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2012 - 2013”… |
Ngọc Trâm tâm sự: “Em vốn yêu thích ngành sư phạm từ nhỏ. Ở giảng đường đại học, em sẽ cố gắng học tập tốt, đầu tư nghiên cứu về văn học để có nền tảng tiếp tục học sau đại học. Em ước mơ được trở thành giảng viên. Em biết mơ ước của em còn rất xa nhưng nếu không nuôi nấng nó, mình sẽ dễ dàng từ bỏ”. Theo Ngọc Trâm, học văn đối với em như một “nhiệm vụ đầy vinh quang”. Bởi, “văn học là nhân học, văn học giúp mình nhìn nhận về bản thân, sống sâu sắc hơn, lạc quan và biết yêu con người, mở lòng với cuộc sống”, như lời Ngọc Trâm nói. Từ năm học lớp 6, với bài văn viết về mẹ được tuyên dương trước trường đã thôi thúc niềm đam mê văn học trong em. Mới đây, kỳ thi học sinh giỏi văn cấp quốc gia với đề bài “Ngày tận thế đã đi qua và nhân loại vẫn sống. Nếu ngày mai là ngày tận thế thì em sẽ làm gì”. Trâm nhớ rất rõ mình đã trình bày ý tưởng một cách rất nghiêm túc. Rằng, chính sự ô nhiễm môi trường cùng với hoạt động xấu của con người là nguyên nhân dẫn tới ngày tận thế. Sống hoài, sống phí cũng là nguyên nhân dẫn tới ngày tận thế… Những lập luận đó đã mang về cho Lê Ngọc Trâm giải Ba văn toàn quốc.
Cô học trò xứ Quảng còn có những nỗ lực đáng tự hào. Bước chân từ nông thôn ra phố, ngay cả giọng rặt Quảng của em cũng là đề tài khiến các bạn cười rộ lên mỗi khi Trâm đứng dậy phát biểu trước lớp. “Ban đầu em mất tự tin, sống khép kín, thậm chí không dám đứng lên phát biểu, nhưng khi đã quen dần, em nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bạn bè. Các bạn giúp em cải thiện Anh văn, theo kịp chương trình mỗi khi em học lệch, chia sẻ niềm vui nỗi buồn mỗi khi em thấy nhớ nhà” - Trâm hồn nhiên kể. Trâm kể về cô chủ nhiệm Kim Vân cùng thầy giáo dạy văn Trần Văn Vy của mình với niềm tri ân, thành kính. Thầy cô đã tiếp lửa giúp em tìm thấy nhiều điều thú vị, mới mẻ nơi thế giới văn chương và giúp em thêm nghị lực để vượt qua khó khăn trong học tập. Chẳng ai ngạc nhiên khi nhìn thấy sách “gối đầu giường” của Trâm toàn văn là văn: Nam Cao, “Ông già và biển cả”, “Thép đã tôi thế đấy”… “Thời gian rảnh, em thường tập tành viết truyện, thơ, viết nhật ký, bày tỏ những suy nghĩ của bản thân mình. Tuy là những trang viết còn vụng dại nhưng đó là cả thế giới tuổi học trò, tâm tình của mình gửi vào trong đó” - Trâm chia sẻ.
Tôi ấn tượng với dẫn chứng mà cô trò nhỏ lấy từ bộ phim “Ba chàng ngốc” với thông điệp “hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ theo đuổi bạn”, “nghĩa là hãy cứ theo đuổi niềm đam mê thì thành công sẽ đến, dù có đến sớm hay muộn nhưng quả của nó thật ngọt ngào và hạnh phúc”, cô diễn giải. Đó là “triết lý sống” và cũng là động lực giúp Lê Thị Ngọc Trâm vững vàng hơn trên con đường mình đã lựa chọn.
HOÀNG LIÊN