Trải qua bao thăng trầm, những phận người theo đời tằm tơ ở làng lụa Mã Châu (nay thuộc khối phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) vẫn nguyện một lòng gắn bó với lụa truyền thống quê hương. Tự bao giờ, hình ảnh con tằm ăn rỗi lá dâu hay tiếng rầm rập của thoi đưa dệt vải trở thành những thanh âm quen thuộc theo họ suốt 40 năm qua.
Bà Trần Thị Mới giới thiệu những ống tơ mới được ươm xong. Ảnh: Như Trang |
1. Tìm đến Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu cũ, trong khung cảnh hoang tàn, ngổn ngang bởi gạch ngói còn dính bùn sau trận lũ lụt, chúng tôi vẫn bắt gặp bao nụ cười tươi in hằn nếp nhăn của tuổi ngũ thập, lục thập. Không cười sao được khi ở tuổi xế chiều ấy, người ta vẫn có thể sống với đam mê một thời son trẻ, ngày lại ngày bên nong tằm và gửi niềm mơ ước theo những đường tơ. Đứng soạn sành nong tằm để chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo, ông Nguyễn Văn Minh nói với ra phía hành lang: “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng là đây chứ đâu, mấy chị hỉ?”. Lời trêu đùa vừa dứt, trong gian nhà dệt đã bật lên tiếng cười nói rôm rả như khúc dạo đầu chuẩn bị cho “bản nhạc” dệt lụa. Xong việc ở khu nuôi tằm, ông Minh lại đội nón ra bãi dâu như việc vốn dĩ mỗi ngày. Đứng trước bãi dâu trơ trụi y hệt những chiếc chổi xương cùn, ông thở dài: “Đợt này nước ngâm lâu, hư hại nhiều quá! Chẳng biết rồi tằm lấy gì mà ăn gì để nhả tơ…”.
Vừa dứt lời than, chưa kịp để tôi nói thêm điều gì, ông Minh như chợt nhớ ra ngay phía sau nhà mình vẫn còn mấy luống dâu tươi tốt ngút tầm mắt. Bỏ lại bãi dâu trụi lá, ông đưa tôi về. Dường như, có lá dâu xanh tốt, ông Minh mới có thể buông ra lời kể một đời trồng dâu nuôi tằm. Ông bảo: “Một lứa tằm kéo dài trong vòng 3 tuần. Mỗi ngày tằm ăn đến 7 bữa, ban ngày 4 bữa, về đêm 3 bữa theo giờ. Lượng tơ con tằm nhả ra phụ thuộc hết vào số lá dâu nó hấp thu được. Muốn thu hoạch lá dâu giàu chất dinh dưỡng, tiêu chí hàng đầu phải đảm bảo đó là loại dâu sạch, không tồn dư thuốc trừ sâu. Hơn nữa, tôi cũng phải xem chừng thời tiết ráo hay ẩm ướt ra sao. Nếu ngày nào có mưa dông, lá dâu bị ướt, úng, lập tức con tằm sẽ sinh bệnh và cho năng suất thấp”. Việc trồng dâu nuôi tằm không dễ, người nuôi cứ phải thao thao thức thức vì tằm cho đến khi hết vụ. Bởi vậy, mấy chục năm nay, rất nhiều người vào ra đảm nhận công đoạn này mà không ai gắn bó lâu bền, chỉ có ông Minh suốt ngày “ăn cơm đứng” nuôi cho đến khi tằm chín và leo lên bủa tìm chỗ nhả tơ!
Chị Trần Thị Lụa giới thiệu sản phẩm lụa Mã Châu đến khách hàng. |
2. “Bốn mươi năm theo những đường tơ là một giấc mơ dài” - đó là lời mở đầu cho những chia sẻ về nỗi đam mê với tơ lụa của bà Trần Thị Mới. Theo dòng hồi ức, bà Mới cho tôi hay về làng lụa Mã Châu từ thế kỷ XVI và những tháng ngày bà bươn bả ngược xuôi với nghề dệt. Dù rằng, khi Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu giải thể, bà Mới vẫn nặng lòng, cùng vài người tâm huyết nghề tơ lụa khôi phục với sự bảo trợ của Công ty TNHH Lụa Mã Châu. Công việc quay tơ bà Mới đảm nhiệm đòi hỏi sự tinh tường, khéo léo nhưng cũng đầy vất vả, gian nan. Quanh năm suốt tháng, bà Mới quần quật ngồi bên nồi nước sôi luộc kén tằm để chuẩn bị kéo tơ. Phải thực sự khéo léo và có kỹ thuật xoắn thì tơ mới đạt chất lượng tốt. Nói đến các loại kén tằm vàng ươm, bà Mới chia sẻ: “Ngồi bên nồi nước luộc kén, riết rồi quen mùi. Nghe mùi là tôi biết kén nào ngon cho tơ tốt, kén nào dở chìm xuống nước xem như bỏ đi. Từ kén mà tôi nghiệm ra nhiều điều, như lụa truyền thống chắc chắn sẽ gắn bó dài lâu đời này qua đời khác, không như một số loại vải theo mốt thời trang hệt mỳ ăn liền dễ bị lãng quên”.
Cùng với bà Mới, bà Đoàn Thị Luận cũng gắn bó với việc luộc kén, ươm tơ từ tám năm nay. Hai phận người cứ thế âm thầm lăn lộn với nghề, chắt chiu cho mình tính nhẫn nại, chịu thương, chịu khó suốt mấy chục năm qua. Bà Luận kể: “Làm việc ở xưởng quay tơ giống như giải bài toán khó, làm sao đó thì làm, miễn sao có thể biến những con kén cho ra sợi tơ để đưa về xưởng dệt, tạo nên tấm lụa óng mượt. Khi ấy, đáp số của bài toán mới được ghi nhận!”. Ở nơi ấp ủ ước mơ giữ vững nghề lụa Mã Châu này, dù là người dưng nhưng vẫn cứ chị chị, em em thân thiết. Cứ người này luộc kén thì người kia quay tơ, bắt gặp con kén vuông thành sắc cạnh và trắng trẻo, hai chị em lại phá lên cười giòn, mừng vì mẻ kén này chắc chắn cho tơ tốt. Hễ một trong hai nghỉ ốm thì người còn lại thay thế hết thảy để công việc không gián đoạn, không ảnh hưởng đến việc nhập kén từ xưởng nuôi tằm cũng như việc xuất tơ qua khâu dệt lụa. Và như thế, tự bao giờ, tình thân kết nối nơi trái tim mỗi người bởi những đường tơ.
3. Mỗi nhân công trong các xưởng nhận khoản lương tháng dao động 3 - 6 triệu đồng/tháng, tiền lương phụ thuộc vào số vải lụa xuất bán và hẳn nhiên cũng là số giờ đêm họ tăng ca thắp đèn theo những đường tơ. Bà Trần Thị Thơm là người có thâm niên dệt lụa lâu nhất từ thời còn Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu. Chính nhờ đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của bà mà rất nhiềm tấm vải lụa xuất đi với giá cao đến 1 triệu đồng/mét. Bà Thơm bảo, muốn dệt giỏi phải học cách ươm tơ, hiểu về tơ mới có thể kéo tơ dệt lụa và điều quan trọng, phải biết trân quý từng sợi tơ, biết đường đi của mũi thoi. Trong quá trình dệt, phát hiện thoi bị xước phải thay đổi ngay, nếu không mối tơ bị đứt dẫn đến lỗi mặt hàng. Tận mắt chứng kiến bà Thơm chỉ dẫn, truyền kỹ năng dệt cho chị Trần Thị Lụa, tôi mới cảm hết được lòng yêu nghề, niềm đam mê với từng sợi tơ của bà. Chị Lụa kể: “Hồi mới vào đây, tôi mất khá nhiều thời gian học cách xếp lụa, cách mắc ống tơ. Sau đó mới được học kỹ năng dệt, cách xử lý mỗi khi sợi tơ bung ra do đường thoi đứt. Không ai khác, chính cô Thơm là người thổi hồn, đưa tôi đến với đam mê!”. Và chắc hẳn, vì niềm đam mê ấy, mỗi ngày dù mưa đến ngập đường, nắng cháy tấm lưng gầy, chị Lụa vẫn đạp xe 5 cây số từ nhà ở xã Duy Sơn về đến xưởng cần mẫn làm việc. Có những lúc xưởng nhận nhiều đơn đặt hàng, chị Lụa tình nguyện xin ở lại làm ca đêm cùng với các bà, các mẹ mà chẳng một lời than mỏi mệt nào.
Trải qua bao nhiêu lớp thời gian phủ kín vách tường những mảng màu rêu xanh, gần chục phận đời gắn bó ngót nghét 40 năm tròn với mái nhà chung thắp lửa giữ nghề lụa Mã Châu. Trong số đó phải nhắc đến ông Trần Hữu Phương - truyền nhân thứ 18 giữ nghề dệt lụa cha ông để lại. Miệt mài lưu lại những kỹ thuật ươm tơ, dệt lụa, ông Phương còn định hướng con gái của mình là chị Trần Thị Yến kế nghiệp, dồn hết tâm sức giữ làng nghề. Hàng chục năm qua, song hành cùng nhiệm vụ tìm hướng đi cho sản phẩm lụa truyền thống, ông Phương dùng tấc lòng để thuyết phục những nhân công ở xưởng tiếp tục gắn bó với lụa quê hương. Cơm áo gạo tiền dễ lấy đi mọi thứ, kể cả đam mê của người thợ chuyên dệt lụa truyền thống. Để thuyết phục họ gắn bó với nghề, ông Phương đâu chỉ dùng lời lẽ, mà phải tận lực đồng hành làm việc cùng họ, có khi phải thức đêm làm gấp đôi, gấp ba. Ông bùi ngùi tâm sự: “Lắm lúc xưởng gặp khó khăn, tiền lương chi trả không nhiều, tôi phải bỏ tiền túi phụ cấp thêm cho họ trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Làm việc ở đây lâu, các anh chị em gắn bó keo sơn một lòng, lấy mục tiêu theo những đường tơ cho đến khi dệt ra tấm vải lụa, khó khăn nào rồi cũng đi qua. Thương cái nghiệp cha ông để lại, chúng tôi dốc hết tâm, hết sức mà làm!”.
Ngoài kia, dẫu đời sống kinh tế phát triển đến mức nào, các mặt hàng may mặc hiện đại vẫn sẽ không thay thế được vị thế của tơ lụa với vẻ đẹp nền nã cao sang. Đó chính là đức tin và là lẽ sống của những phận người đang ngày đêm giữ ngọn lửa làng lụa Mã Châu không bao giờ tắt. Ngày qua tháng lại, họ vẫn mải miết nhìn về phía những đường tơ...
Ghi chép của NHƯ TRANG