Đạp xe đạp đi một vòng đường quê lại trở nên thật hấp dẫn không chỉ riêng với khách nước ngoài. Đoàn famtrip “Khám phá Cẩm Thanh bằng xe đạp” của Festival Di sản Quảng Nam đã có một “cuộc đi” thật thú vị như thế…
Đạp xe trên đường làng. |
Một chuyến fam
“Fam” trong ngôn ngữ nói của dân làm du lịch mang tính khảo sát thực tế nhiều hơn là một “tour” du lịch chính thống. Nhưng riêng famtrip “Khám phá Cẩm Thanh” bằng xe đạp này đã được chính thức khởi động với rất nhiều điểm nhấn quen mà lạ theo những vòng quay của xe. Từ trung tâm phố cổ, thẳng đường Trần Phú đi về phía biển sẽ trải qua những cánh đồng lúa bạt ngàn của địa phận xã Cẩm Thanh. Đây là vựa lương thực chính của người dân và cũng là nơi sinh sống của rất nhiều loài chim hoang dã. Đến một trạm dừng trong lộ trình, người nông dân xứ dừa nước gửi tặng chiếc mũ vành bằng dừa “độc và lạ”. Không những đẹp, những chiếc nón được đan bằng lá dừa che nắng cực kỳ tốt khi du khách đạp xe khám phá làng quê. Chưa biết những sản phẩm thủ công này có được người nông dân phát triển thành dịch vụ hay không nhưng nếu đến với xứ dừa nước Cẩm Thanh, khi được đề nghị, những người nông dân khéo tay ở đây vẫn vui vẻ làm tặng du khách những nón lá độc đáo này.
Bảng chỉ dẫn đường bằng những cụm hoa ven đường. |
Đây là tour đã quen thuộc từ nhiều năm trước, nhưng lần này, chính người dân của Cẩm Thanh sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này. Còn du khách - cũng sẽ phải là hướng dẫn viên cho chính mình, nhìn theo bản đồ là những “ký hiệu thiên nhiên” có sẵn. Ví dụ ở cuối đường Huỳnh Thị Lựu gặp ngã ba bạn rẽ trái, theo bảng chỉ dẫn mũi tên đi thẳng hoặc rẽ sẽ ra bến đò Cẩm Thanh, từ đây có thể đi thuyền qua huyện Duy Xuyên, thăm chợ Nồi Rang. Hay từ dọc theo đường ven sông, qua đường hoa cúc dại, rẽ trái (bên cạnh khách sạn Nhà Cổ), bạn lại gặp đường bê tông và tiếp tục hành trình. Đến thôn Thanh Tam Đông, nơi có nghề thủ công làm tranh tre và dừa nước, đoàn famtrip có cơ hội chiêm ngưỡng nhà bà Sáu Mót – một ngôi nhà hoàn toàn dựng bằng vật liệu tự nhiên và phương pháp thủ công, cũng như được ghé thăm một vài nhà dân làm nghề tre, dừa truyền thống. Đi hết khúc quanh cuối thôn, tiếp tục đến bến đò cạnh nhà ông Phạm Dũng. Từ đây, du khách có thể đón thuyền thúng đi tham quan rừng dừa Bảy Mẫu. Người dân sẽ biết cách đưa bạn cùng chiếc xe đạp len lỏi qua những khóm dừa. Nếu muốn, du khách sẽ được hướng dẫn cách vãi chài, câu cua trong rừng dừa và những người dân chài đãi khách bằng điệu múa dân gian rất độc đáo trong “hát bả trạo” giữa không gian ngập tràn nắng và gió.
Cập bến nghe hát bả trạo. |
Theo các biển báo, du khách sẽ xuống Cồn Tiến, thuộc thôn Cồn Nhàn, nơi dừng chân cuối cùng của các nhánh sông trước khi hòa vào đại dương. Đây là thiên đường của dân mê nhiếp ảnh cũng là địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi ngắm cảnh và thưởng thức các đặc sản địa phương. Cuối đoạn đường này, theo biển báo ra lại đường đê PAM sẽ lại có bản chỉ dẫn đưa về phố cổ hay rẽ xuống biển Cửa Đại.
Cộng đồng hưởng lợi
Tham gia vào chương trình tham quan sông nước Cẩm Thanh hoặc khám phá làng quê bằng xe đạp, mặc dù là “tour” nhưng du khách lại là hướng dẫn viên. Có dịp tận hưởng và trải nghiệm hàng loạt kinh nghiệm từ việc học các kỹ thuật đánh bắt cá truyền thống đến kỹ thuật bơi thuyền thúng chai mới lạ và độc đáo của Việt Nam, cũng như khám phá con đường sông nước được bao quanh bởi rừng dừa Bảy Mẫu. Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh - Lê Thanh cho biết: “Đây là ý tưởng được thực hiện bởi Trung tâm Hành động vì đô thị - một tổ chức phi lợi nhuận có sứ mệnh phục vụ cộng đồng trong hành trình hướng tới cuộc sống xanh cùng với người dân xã Cẩm Thanh. Do đó, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ tour du lịch sinh thái này. Chúng tôi kỳ vọng tour tham quan làng quê bằng xe đạp sẽ đem lại những khám phá mới cho du khách khi tới Hội An và cơ hội cải thiện đời sống cho bà con nơi đây”.
Thăm rừng dừa Bảy Mẫu bằng thúng chai. |
Cũng với mục đích đó, trong chương trình tour luôn lồng ghép để du khách có cái nhìn sâu sắc về đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Nằm trong một điểm của trạm dừng chân, cơ sở nước mắm Tư Tài bây giờ lại trở thành “hộ du lịch”. Khi ghé vào các điểm dừng chân như nhà tranh tre, du khách còn có thể chọn mua những sản phẩm du lịch được làm bằng những nguyên liệu sẵn có của địa phương. Ông Võ Tấn Mười (71 tuổi) “khoe” chiếc điện thoại cổ làm bằng tre được giải Nhì hội thi sáng tạo thành phố Hội An, cho biết các sản phẩm hàng lưu niệm làm từ những nguyên liệu này rất phong phú và tinh xảo, làm quà tặng tiện dụng và hiệu quả.
Du khách tham gia tung lưới trên sông. |
Hay tại các điểm dừng trong lộ trình của tour, người dân đều có thể tham gia vào các hoạt động dịch vụ sinh thái như: thuê thuyền thúng, hướng dẫn cách chài lưới, công việc hàng ngày của ngư dân hoặc các dịch vụ ăn uống khác với một cam kết thực hiện gắn với bảo vệ môi trường và phát triển sinh thái bền vững. Sau chuyến famtrip, chị Quỳnh Anh (Đà Nẵng) nhận xét chuyến đi bằng xe đạp thú vị không chỉ có trời mây lãng đãng, sông nước xanh ngắt mà còn gần gũi với những người dân quê chất phác thuần hậu. Chị cho rằng các cơ quan hoặc nhóm bạn du lịch nên chọn tour gần gũi này vào những dịp cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ đặc biệt nào đấy chứ không cần phải lên kế hoạch đi du lịch xa, để khám phá làng quê theo những vòng quay xe đạp bằng những hình ảnh thật gần gũi.
ANH TRÂM