Thi công cầu đường gây chết tôm nuôi?

TRẦN HỮU 13/04/2015 08:36

Nhiều hộ nuôi tôm nước lợ, sản xuất hoa màu ở thôn Bình Trúc 1, xã Bình Sa (Thăng Bình) cho rằng việc thi công cầu, đường đã gây thiệt hại đến sản xuất hoa màu và nuôi tôm nước lợ của người dân…

Trở tay không kịp

Cuối năm 2014, dự án xây đường cứu nạn cứu hộ do Tập đoàn Xuân Thành thi công, trong đó có hạng mục xây cầu bắc qua sông Trường Giang (đoạn qua xã Bình Sa). Khu vực Cổ Linh – xã Bình Sa, dòng sông vốn nhỏ hẹp nhất của sông Trường Giang, nay chỉ rộng hơn 10m. Phần lớn người dân thôn Bình Trúc 1 – xã Bình Sa sống ven sông, làm nghề đánh bắt thủy sản, nuôi tôm nước lợ. Thế nhưng, từ ngày thi công cầu, hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt không rõ nguyên nhân xuất hiện. Ông Phạm Văn Trinh, một người nuôi tôm gần vị trí thi công cầu, nói: “Trước đây, dòng sông tự nhiên có chiều rộng hơn 150m, nhưng khi công trình đi qua đã lấn sông hẹp chỉ còn gần 10m, dẫn đến tình trạng không lưu thông dòng chảy, nước ứ đọng như ao tù, dơ bẩn bốc mùi hôi rất khó chịu. Gặp những lúc gió to, mùi nồng nặc bốc lên bay vào nhà dân. Điều  đáng nói, cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, nghề sông rất khó khăn”. Đưa tôi trên chiếc ghe nhỏ bé chứng kiến công trình lấp sông, ông Phạm Văn Cường (một người dân địa phương) cho biết thêm: “Bao đời người dân sống nhờ sông nước, nhưng dự án đã lấp sông như thế này, tìm đâu kế sinh nhai. Trong khi thi công công trình, nước sông trở nên đen sì, trong khi hầu hết nước trong hồ tôm vụ nuôi từ trước Tết Nguyên đán đến chừ đều lấy từ sông. Cách đây vài tuần, khi đưa nước vào, chỉ sau một đêm là con tôm đỏ đầu, thoi thóp rồi chết, thiệt hại cả hàng trăm triệu đồng”.

Thi công cầu bắc qua sông đoạn thôn Bình Trúc 1 – xã Bình Sa. Ảnh: T.H
Thi công cầu bắc qua sông đoạn thôn Bình Trúc 1 – xã Bình Sa. Ảnh: T.H

Theo quan sát của chúng tôi, hiện công trình cầu qua sông Trường Giang đang trong thời điểm thi công nước rút, đơn vị thi công thực hiện quy trình khoan sâu để đổ nền móng cầu kiên cố. Tại các điểm khoan sâu dưới lòng đất, chất cặn bã và nước thải sau khi khoan đã xả trực tiếp ra sông, kèm theo là màu nước đục vàng. Vào vụ nuôi chính, nhưng hàng chục ao nuôi tôm của người dân bỏ hoang. Lâu nay người nuôi tôm ở Bình Trúc 1 chỉ có cách duy nhất là hút nước từ sông vào hồ vì mùa khô ao khô cạn, nhưng hiện nhiều hộ không dám bơm nước vào để tiếp tục nuôi. Trên sông, xuất hiện cá chết rải rác. Ông Trinh cho biết thêm: “Ao cạn nước buộc chúng tôi phải bơm nước sông vào, đùng một cái tôm chết trở tay không kịp. Nếu tôm nuôi bị dịch bệnh thì trước đó gần 1 tuần, tôm đã có triệu chứng rõ ràng, người nuôi có thuốc xử lý, đằng này chết đột ngột quá”.

Theo xác nhận của chính quyền xã Bình Sa, tôm bị dịch bệnh chết ở sông Trường Giang qua thôn Bình Trúc 1 là có thật, nguyên nhân thì phải chờ kết quả phân tích của các cơ quan chức năng. Vụ nuôi đầu năm nay nhiều hộ trên địa bàn thôn đã bị mất trắng 100 - 300 triệu đồng như ao nuôi của ông Phạm Văn Trinh, Phạm Văn Cường, Lê Trường, Trần Văn Tâm, Bùi Viết Khai.

Ảnh hưởng đến sản xuất

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Võ Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Bình Sa khẳng định, thời gian qua trên địa bàn cũng xảy ra hiện tượng dịch bệnh trên tôm nuôi. Địa phương đã giải thích cho người dân, đề nghị các ngành chứng năng của huyện đến lấy mẫu nước đi xét nghiệm, phân tích. Nguồn nước có bị ô nhiễm do thi công hay không phải chờ vào kết quả quan trắc nước. Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, đến nay ngành chưa nghe địa phương báo cáo và cũng chưa nhận mẫu nước nào ở khu vực Bình Trúc 1 - xã Bình Sa để quan trắc. Thiết nghĩ các ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường cần khẩn trương vào cuộc, phân tích mẫu nước để trả lời sớm cho dân. Trong trường hợp nguồn nước bị ô nhiễm do thi công cầu thì phải thống kê thiệt hại, kiến nghị bồi thường.

Thời điểm cuối năm 2014, đơn vị thi công cống trong dự án đường cứu nạn cứu hộ qua địa bàn xã nhưng nước vẫn không thoát ra ngoài được, khiến vụ mùa tiếp theo bỏ hoang. Dọc tuyến đường cứu nạn cứu hộ, nhiều diện tích ruộng sản xuất bị bồi lấp khiến năng suất giảm hoặc phải bỏ hoang vì đất cát bồi lắng nhiều. Người dân địa phương cho rằng, trước đây khi chưa có đường cứu hộ cứu nạn, ruộng màu mỡ, năng suất cao nhưng khi thi công đến nay năng suất giảm rõ rệt, nhiều người phải bỏ hoang ruộng vườn. Theo thống kê của UBND xã Bình Sa, có hơn 70 hộ dân trồng hoa màu dọc hai bên con đường cứu nạn cứu hộ phải chịu cảnh thất thu, bỏ hoang từ vụ đông xuân 2012 - 2013 đến nay, mà nguyên nhân được cho là  đứt mạch nước ngầm.

Dự án đường cứu nạn cứu hộ do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư, còn đơn vị thi công là Tập đoàn Xuân Thành. Dự án đi qua đã mở ra nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đông Thăng Bình, giúp người dân các xã ven biển tránh lũ an toàn. Vậy nhưng, việc thi công chưa đánh giá đầy đủ tác động môi trường nên bước đầu ảnh hưởng đến sinh kế, sản xuất người dân. Do đặc điểm đất cát nên khi đào lấy đất xảy ra tình trạng khô nước ngầm. Chính quyền từng kiến nghị đơn vị thi công làm lại một con mương dài 2,4km để thoát nước vào mùa mưa nhưng từ tháng 4.2014 đến nay, đơn vị mới chỉ khắc phục hơn 1km. Theo chính quyền huyện Thăng Bình, không chỉ Bình Sa mà cả xã Bình Hải cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do thi công đường. Địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét chính sách hỗ trợ.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thi công cầu đường gây chết tôm nuôi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO