Thị dân và xe máy...

PHÙNG TẤN ĐÔNG 01/05/2017 09:30

Vấn đề hạn chế xe máy ở các thành phố lớn và các thành phố đặc thù cần những tính toán cặn kẽ, phù hợp, để hài hòa lợi ích giữa xã hội và mỗi người dân.

TP.Tam Kỳ có hệ thống giao thông khá tốt, tỷ lệ sở hữu phương tiện xe máy cá nhân trên tổng số dân còn ở mức hợp lý. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
TP.Tam Kỳ có hệ thống giao thông khá tốt, tỷ lệ sở hữu phương tiện xe máy cá nhân trên tổng số dân còn ở mức hợp lý. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chuyện ở hai thành phố lớn

Những ngày gần đây lại rộ lên câu chuyện dài kỳ về “vấn nạn xe máy”, khi PGS-TS. Phạm Xuân Mai (Trưởng khoa Kỹ thuật - giao thông của Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh) lên tiếng trong hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh - thực trạng và giải pháp”, rằng “phải cấm xe máy: không đem cái nghèo ra dọa nhau mãi”. Người ủng hộ việc cấm xe máy thì tâm đắc, gật gù “đã đến lúc phải quyết tâm, quyết liệt với xe máy”. Người đang sử dụng xe máy loại bình thường thì chạnh lòng với chữ “nghèo” đồng thời cho rằng phán như vậy là hơi xúc phạm xe máy, bởi xe máy đâu có là thủ phạm chính của nạn kẹt xe, mà nạn kẹt xe, tắc đường có nhiều nguyên do… Nào là hệ thống giao thông cũ kỹ, lạc hậu so với sự gia tăng của phương tiện giao thông mà cụ thể là quy mô đường sá không triển nở kịp số lượng, chủng loại các loại xe; nào là không có đường dành riêng cho từng loại xe (xe bus, xe tải, ô tô con, xe máy, xe đạp…). Rồi thì các phương tiện giao thông công cộng như xe bus chưa tiện ích, lịch thời gian phục vụ ngày/đêm chưa hợp lý, các trạm dừng đỗ chưa phù hợp vì quá cách xa địa bàn mà người đi xe cần đến, cần đi, xe bus lưu thông chậm vì tắc đường khi chưa có làn xe riêng hoặc có làn riêng nhưng bị các loại xe khác chiếm dụng. Đặc biệt, do cốt nền đường thấp hễ mưa là úng ngập, do đường sá xuống cấp…

Có người còn chỉ rõ sự chiếm dụng mặt đường của các loại ô tô cá nhân, của xe công khi chỉ có từ 1 đến 2 người tham gia giao thông trên các chiếc xe 4 đến 7 chỗ, thậm chí xe nhiều chỗ hơn. Có người cho rằng ở đô thị, nhất là khu vực trung tâm không nên cho xây dựng các khu chung cư, khu nhà làm việc cao tầng, các trường học, bệnh viện, các trung tâm thương mại lớn… vì tập trung đông người, tần suất giao thông của các phương tiện cơ giới cao… Nhiều người đồng tình rằng thị dân không có lựa chọn nào khác ngoài xe máy bởi sự tiện dụng, cơ động, tùy nghi của xe máy. Có người dân Sài Gòn gốc Quảng Nam biện bác rằng “ai nói xe máy nghèo, thử chơi loại mô tô phân khối lớn đi, có cái xe cả tỷ bạc, ai dám nói nghèo”. Rốt bên ủng hộ cấm xe máy - theo thống kê trên các diễn đàn thông tin đại chúng là 50% (chính xác 48%) bên ủng hộ không cấm 50% (chính xác 48%). Bên tám lạng, bên nửa cân. Vấn đề cấm/không cấm cũng phải được tính toán, cân nhắc sao cho hợp tình, hợp lý vì với hai thành phố lớn nhất nước, con số bình quân gần 950 xe máy/1.000 người đủ để các cơ quan hữu quan luôn sẵn một lộ trình hạn chế xe máy, giao khoán xe công, xây dựng các làn đường chuyên dụng cho xe tải, xe khách, xe vận tải công cộng… đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống giao thông tương thích với số lượng, tần suất các phương tiện giao thông, hoàn thiện và phát triển đa dạng các loại phương tiện giao thông công cộng.

Có “oan” cho xe máy không, khi ở Hà Nội - theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông - có đến 85% người dân được khảo sát ủng hộ loại bỏ xe máy? Bình tâm mà nghĩ, mặc dù là phương tiện ích dụng, tiện dụng thì xe máy cũng là phương tiện gây và bị tai nạn giao thông phổ biến nhất hiện nay. Đồng thời vì tiện dụng nên xe máy cũng gây ra căn bệnh lười vận động thân thể của con người. Chưa nói xe máy bị lạm dụng khi được chủ nhân của nó sử dụng tùy tiện khi ăn nhậu say sưa, sử dụng để “đi bão” (đua xe), thậm chí để “tự sướng” khi lấy chân để lái, để làm xiếc “nghìn mắt nghìn tay” (chở cả chục người)… Một khách nước ngoài từng sửng sốt khi nói người Hà Nội đi xe máy như “làm xiếc” trên đường phố…

Chuyện ở Quảng Nam

TP.Tam Kỳ có lẽ là thành phố rất ít có nạn kẹt xe hay tắc đường, trừ khi có các vụ việc va chạm giao thông, bởi hệ thống giao thông khá tốt, tỷ lệ sở hữu phương tiện xe máy cá nhân trên tổng số dân còn ở mức hợp lý. Chính quyền thành phố luôn xem công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng cần phải thực hiện nhanh và đồng bộ… Tam Kỳ đang đứng trước vận hội phát triển hệ thống giao thông - đó là khi các tuyến đường giao thông nội - ngoại đang và sẽ được triển khai đi qua địa bàn như đường ven biển Việt Nam (còn gọi là đường cứu hộ, cứu nạn ven biển), đường vào và đường ra thành phố (tuyến quốc lộ 1A), đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, đường Nam Quảng Nam… Nhiều công trình trọng điểm đang đầu tư thực hiện trong nội thị bao gồm các tuyến giao thông nối liền giữa vùng đông (thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai) với cầu Kỳ Phú 1, 2 và đường dẫn, đường Điện Biên Phủ, đường Nam Quảng Nam giai đoạn 2 đến xã Tam Thanh, đường Bạch Đằng…

Với Hội An, lộ trình cấm xe có tiếng động cơ trong đó có xe máy trong phố cổ đang dần mở rộng về phía đông - nam (đến cuối đường Trần Phú, cuối đường Bạch Đằng, cuối đường Hoàng Diệu, cuối đường Nguyễn Huệ). Một hai năm gần đây khi việc mở rộng các tuyến phố đi bộ đã gây áp lực lên các tuyến đường lân cận theo trục đông - tây và nạn ùn ứ, kẹt xe trong giờ cao điểm (tan sở, tan trường) ở đường Phan Châu Trinh, đường Trần Hưng Đạo, một đoạn ngắn phía đông chợ Phố - Bạch Đằng… do đường không cấm ô tô, xe máy (tuyến Phan Châu Trinh đã cấm taxi). Sự gia tăng lưu lượng giao thông của người và xe cơ giới lên các tuyến phố trên là tất yếu. Bởi Hội An nguyên là đô thị có tính chất sông nước, hiện tại giao thông đường sông giảm do Cẩm Kim và Cửa Đại đã có cầu, lượng khách du lịch tăng, xe máy tăng trong khi hệ thống giao thông không phát triển được (dù là đường nằm ở khu vực 2 của phố cổ). Điều đó đã và đang đặt ra cho chính quyền buộc phải xử lý bài toán về kinh tế cộng đồng, sự tiện ích của người dân, của du khách khi mở rộng khu phố đi bộ. Dẫu biết cần có tầm nhìn xa, rộng khi phát triển, thu hút du lịch, nhưng khi hạn chế xe máy cần tính đến tính hợp lý của sinh hoạt người dân trong khu phố cổ (lộ trình về giờ giấc cấm/không cấm), quy hoạch các bãi giữ xe công cộng (tốt nhất là miễn phí) hoặc giao khoán cho người dân có kiểm soát giá cả… Một mai khi tuyến Vĩnh Điện - Hội An mở rộng, đường dẫn cầu Cửa Đại hoàn chỉnh, chắc chắn áp lực giao thông lên khu vực trung tâm thành phố sẽ giảm và dự án xe điện công cộng nếu được ứng dụng thì vấn đề hạn chế xe máy sẽ “bất chiến tự nhiên thành”…

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thị dân và xe máy...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO