Với bản tính cần cù, sáng tạo, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Mô hình trồng tiêu chuyên canh của ông Nguyễn Ngọc Ân (Duy Thu, Duy Xuyên) hằng năm cho thu nhập 80 - 120 triệu đồng. Ảnh: VĂN SỰ |
SAU khi tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch hại tổng hợp, cách đây hơn 10 năm ông Nguyễn Ngọc Ân ở thôn Thạnh Xuyên (xã Duy Thu, Duy Xuyên) tiến hành khai hoang khu gò đồi rộng lớn và tìm mua giống tiêu về trồng khảo nghiệm với 100 choái. Thấy vườn tiêu phát triển tốt và cho năng suất cao, từ năm 2012 đến nay ông Ân tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chuyên canh loại cây trồng này. Ông Ân chia sẻ: “Tôi luôn chịu khó tìm hiểu để áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào quá trình sản xuất nên vườn tiêu đạt sản lượng cao, chất lượng tốt. Hiện giờ, vườn tiêu của tôi đã phát triển lên 800 choái, bình quân mỗi năm thu hoạch 6 - 7 tạ, cho thu 80 - 120 triệu đồng”.
Ông Ngô Đình Lục - Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Duy Xuyên cho biết, nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, đầu ra sản phẩm ổn định nên những năm gần đây nhiều hộ dân ở 2 xã Duy Thu, Duy Phú và một số nơi khác của huyện tích cực khai hoang, cải tạo đất để xây dựng mô hình trồng tiêu theo phương thức hàng hóa tập trung. Theo ông Lục, tính đến đầu tháng 9.2018 địa phương có không dưới 90 hộ dân tham gia trồng 28.000 choái tiêu với tổng diện tích gần 15ha. Để tiếp sức cho nhà nông, thời gian qua chính quyền huyện Duy Xuyên đã đầu tư 650 triệu đồng xây dựng hạ tầng giao thông, điện thủy lợi hóa phục vụ nước tưới cho các vùng chuyên canh cây tiêu trọng điểm. Không chỉ vậy, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh, HND huyện vừa tạo điều kiện cho 10 hộ dân ở xã Duy Thu vay ưu đãi 400 triệu đồng để có điều kiện đầu tư phát triển mạnh mô hình này.
Trong khi đó, tại Tiên Phước, đến nay hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã phát triển hơn 250 mô hình kinh tế vườn với các loại cây trồng chủ lực như tiêu, thanh trà, lòn bon, sầu riêng, măng cụt với tổng diện tích 758ha, nhiều vườn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Cùng với kinh tế vườn, những năm qua lĩnh vực kinh tế trang trại của Tiên Phước cũng có bước chuyển biến mạnh mẽ với nhiều mô hình chăn nuôi heo hướng nạc, gà thả vườn, thỏ thương phẩm, nuôi trồng thủy sản… có quy mô lớn, cho mức lãi ròng 100 - 130 triệu đồng/mô hình/năm. Nhờ đó, năm 2013 tổng giá trị sản xuất kinh tế vườn, kinh tế trang trại của Tiên Phước chỉ đạt 65 tỷ đồng thì năm 2017 đã tăng lên 214 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch HND tỉnh (khóa VII), những năm qua phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi được đông đảo hội viên hưởng ứng, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Từ phong trào này, ngày càng xuất hiện rất nhiều gương nông dân điển hình trong lao động sản xuất như trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Võ Ngọc Sơn ở xã Đại Minh (Đại Lộc) có tổng doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ đồng. Hay mô hình trồng rừng nguyên liệu kết hợp với chăn nuôi và trồng tiêu của ông Nguyễn Ngọc Hà ở xã Tiên Thọ (Tiên Phước) có mức thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm; mô hình trồng sâm Ngọc Linh của hộ ông Hồ Văn Du và Nguyễn Văn Lượng ở xã Trà Linh (Nam Trà My) thu về 2 tỷ đồng/năm... “Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 446.987 lượt hộ nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, với 295.000 lượt hộ được bình xét và tôn vinh. Những hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cũng đã tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động và giúp đỡ vốn, giống cây trồng - con vật nuôi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nông dân trong vùng. Kết quả rõ nhất là đời sống của cư dân nông thôn cải thiện rõ rệt. Năm 2017 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Quảng Nam đạt 27,7 triệu đồng, tăng 17,5 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn 9,28%, giảm 8,69% so với cách đây 5 năm” - ông Nguyễn Út cho hay.
VĂN SỰ - PHI THÀNH