Thị ơi…

H.N 26/08/2019 10:22

Tối qua 20.8, Hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và tuyên dương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã khai mạc tại TP.Tam Kỳ. Khách sẽ được vô tư “tham quan, mua sắm, thưởng thức ẩm thực quê hương” như lời giới thiệu của ban tổ chức.

Nghe chuyện ăn, lại nhớ ngang chuyện cây trái trong vườn.

Hôm trước về quê, ông nội sắp nhỏ khoe cây ổi ra mấy trái, nội để dành cho cháu. Tôi dớn dác ngước mặt dòm ra phía bờ rào. Nội cười ha ha chỉ vào giữa vườn. Cây ổi như… cây ớt, thấp xỉn, dăm ba trái bằng nắm tay trẻ con, có trái đã già. Giống ổi này, nội kêu mua từ trang trại ngoài Đại Hiệp (Đại Lộc), chủ trang trại cho biết lấy giống từ miền Nam, trồng chừng 3 tháng là đã cho thu hoạch. Giống ngắn ngày, dễ cho trái, ít công chăm sóc nên nhiều người ở quê cũng đã bắt đầu chuyển sang trồng dặm vào vườn. Hái trái vào, nhìn mướt rượt ngon mắt nhưng thật lòng không dám cho con ăn. Tôi thoáng nghĩ đến cây trồng biến đổi gen (hay còn gọi là thực phẩm công nghệ sinh học) và những hệ lụy của nó mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo.

Cuối tuần rồi lên Đại Bình (Nông Sơn) thăm thú vì nhân có Ngày hội văn hóa – du lịch Đại Bình diễn ra ở làng. “Làng trái cây Nam Bộ” – hẳn danh xưng đó đã ít nhiều tạo dư vị ngọt ngào cho người từng đến cũng như tâm trạng háo hức cho người chưa đến Đại Bình. Năm nay Đại Bình mất mùa trái cây nên trong số hàng nghìn khách khắp nơi đổ về làng dịp này, số người thưởng thức được hương vị trái cây của làng không bao nhiêu. Một nhóm khách vào vườn, năn nỉ lắm chủ vườn mới hái bán cho vài trái trụ, bởi trái ít, chủ yếu để khách tới ngắm ngó và... selfie. Ở khu vực trưng bày sản phẩm đặc trưng của làng, tại gian trái cây, hôm tôi đến, chỉ là dăm ba trái sầu riêng (ghi là sầu riêng Thái), vài trái trụ, mẹt lòn bon chừng hai ba ký, ba bốn trái mít. Và tất nhiên chỉ trưng bày, không bán. Con trai tôi thèm sầu riêng, muốn ăn nhưng không mua được bèn giận lẫy nói “giống cá gỗ quá mẹ hè”. Tôi chọc cười:  “Thị ơi thị rơi bị bà/Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”.

Thì đến làng, rất nhiều thứ khác, vì đó là ngày hội văn hóa – du lịch. Đại Bình đẹp từ cổng làng đẹp đi. Những hàng chè tàu xanh mướt, đều rí, những đoạn đường đất be bé dẫn vào ngõ nhà hun hút. Nhưng chút hụt hẫng mang về, qua bãi cát chang chang nắng, đứng chờ ở bến Trung Phước, hẳn sẽ lặn xuống như bùn đất dính chân du khách trước khi bước lên đò.

Một đàng có trái mà không dám ăn. Một đàng có trái chỉ ưu tiên trưng bày. Xem ra đàng nào cũng… ức chế.

Qua đò, chợ Trung Phước trái cây ê hề, thức gì cũng có nhưng chính người bán cũng bảo “chở dưới xuôi lên”. Muốn ăn trái “chính hiệu làng” thì phải nhờ người đặt trước vài hôm mới có. Cây trái bản địa, giống dần thoái hóa, cộng với khí hậu ngày càng khắc nghiệt, ô nhiễm nguồn nước, đất đai không còn màu mỡ nên nhiều loại trái cây ở Đại Bình ngày càng bé ti ti. Nếu cứ để vậy và cứ khai thác, mươi năm sau, e rằng làng trái cây Nam Bộ chỉ còn lại cái tên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thị ơi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO